Nhà đầu tư chứng khoán cần hạn chế sử dụng đòn bẩy trong giai đoạn này
Đà phục hồi tiếp diễn
Thị trường chứng khoán tuần qua chỉ giao dịch 3 phiên trước khi nghỉ lễ kéo dài, chỉ số VN-Index đã phục hồi 4 phiên liên tiếp sau nhiều phiên thử thách vùng 1.285 điểm – 1.300 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên mua khi có 311 cổ phiếu tăng giá và có 54 mã giảm giá, độ rộng ở nhóm VN30 với 22 mã tăng và 7 mã giảm.
Đóng góp vào mức tăng 21,45 điểm của VN-Index trong tuần qua là các cổ phiếu lớn như: GVR, HPG, VCB, BCM, CTG, GAS,… Trong khi đó, rổ VN30 tăng 8,37 điểm và đóng góp nhiều nhất giúp cho cho chỉ số này tăng 0,59% trong tuần vừa qua là các cổ phiếu lớn như: HPG, VNM, VRE, VCB, CTG, ACB,…
Các nhóm cổ phiếu có mức tăng bình quân theo vốn hóa mạnh nhất trong tuần thuộc về nhóm tài nguyên (9,99%), bất động sản khu công nghiệp (6,40%), cao su tự nhiên (5,51%), bảo hiểm (5,32%), thủy sản (5,03%),… Ở chiều ngược lại, chỉ có 2 nhóm cổ phiếu giảm là dịch vụ và thực phẩm.
Theo các chuyên gia của Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS), với 4 phiên tăng liên tiếp sau nhiều phiên thử thách vùng 1.285 điểm – 1.300 điểm, chỉ số VN-Index đã lấy lại ngưỡng MA50 và hơn ½ mức giảm trong tháng 7. Hiện tại, nhóm midcap đã tiệm cận đỉnh lịch sử còn nhóm smallcap đã vượt đỉnh lịch sử và lập đỉnh cao mới. Việc thị trường đã tạo đáy ngắn hạn hay chưa lúc này phục thuộc vào tín hiệu từ nhóm bluechips, đặc biệt là nhóm ngân hàng. Một số cổ phiếu trong nhóm này vẫn đang trong quá trình retest đáy tháng 7 như: TCB, STB, ACB, CTG, BID… Do vậy, trong kịch bản lạc quan, nếu quá trình retest của nhóm cổ phiếu ngân hàng thành công sẽ là tín hiệu để thị trường tạo đáy ngắn hạn. Ngược lại, áp lực từ nhóm này sẽ ảnh hưởng đến chỉ số chung. Bên cạnh đó, việc nhóm smallcap đang có tuần tăng thứ 6 liên tiếp và lập đỉnh cao mới sẽ là rủi ro nếu thị trường chịu áp lực từ nhóm ngân hàng.
“Nhà đầu tư có thể kỳ vọng vùng 1.285 điểm - 1.300 điểm sẽ là vùng hỗ trợ mạnh của thị trường trong tháng 9, trong bối cảnh bức tranh kinh tế cũng như doanh nghiệp khó sáng trong vòng xoáy của đại dịch Covid-19 lần thứ 4 này việc kỳ vọng thị trường có thể tái lập đỉnh có lẽ còn quá sớm”, chuyên gia của MBS cho hay.
Áp lực chốt lời có thể khiến chỉ số VN-Index quay đầu giảm điểm
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEAN SC) dự báo, trong phiên giao dịch hôm nay 6/9, áp lực chốt lời có thể khiến chỉ số VN-Index quay đầu giảm điểm trong phiên sáng để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.325 – 1.330 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.315 – 1.320 điểm.
“Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày. Trong đó, vùng hỗ trợ là vùng có thể xuất hiện lực cầu giúp chỉ số phục hồi trở lại, và vùng kháng cự là vùng có thể xuất hiện lực bán khiến chỉ số giảm trở lại”, chuyên gia của ASEAN SC nhận định.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) nhận định, mặc dù vẫn có áp lực chốt lời ngắn hạn xuất hiện trong phiên nhưng đà giảm không kéo dài lâu và chỉ số nhanh chóng hồi phục ngay sau đó, cho thấy dòng tiền lớn đang dần trở lại thị trường và đóng vai trò tích cực trong việc dẫn dắt xu hướng đi lên.
“Trong bối cảnh hiện tại, nhà đầu tư có thể giải ngân vào những cổ phiếu đang đóng vai trò dẫn dắt chỉ số chung như: nhóm ngân hàng, dầu khí, đặc biệt là những doanh nghiệp có triển vọng ghi nhận kết quả kinh doanh tốt sau quý 3/2021 cũng như giai đoạn còn lại của năm nay. Nhà đầu tư dài hạn vẫn cần hạn chế sử dụng đòn bẩy trong giai đoạn này và chọn lọc kỹ càng cổ phiếu để giải ngân trong bối cảnh đà tăng của chỉ số chung đã bắt đầu chậm dần khi chỉ số tiệm cận mốc 1.350 điểm”, chuyên gia của VCBS khuyến nghị.