Nhà đầu tư chứng khoán mong chờ các thông tin về kết quả kinh doanh quý II
Thị trường tích lũy tích cực
Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) nhận định, thanh khoản thị trường chứng khoán tuần qua duy trì ở mức thấp, khi nhà đầu tư đang chờ các thông tin về kết quả kinh doanh quý II của doanh nghiệp.
SHS cho rằng thị trường diễn biến tích lũy tích cực, nếu không có các yếu tố tiêu cực bất định mới xuất hiện thì VN-Index kỳ vọng sẽ hướng đến vùng kháng cự quanh 1.300 điểm khi các yếu tố như căng thẳng địa chính trị trên thế giới, áp lực lạm phát, tỷ giá, khối ngoại bán ròng hạ nhiệt.
“Nhà đầu tư ngắn hạn nên duy trì tỷ trọng hợp lý. Nhà đầu tư trung - dài hạn nắm giữ danh mục hiện tại, các vị thế xem xét gia tăng tỷ trọng mới, đánh giá cẩn trọng dựa trên kết quả kinh doanh quý II và triển vọng cuối năm của các doanh nghiệp đầu ngành”, SHS khuyến nghị
Tuy nhiên, SHS không khuyến nghị mua đuổi khi VN-Index hướng đến vùng giá 1.300 điểm, vì đây không phải vùng giá thực sự hấp dẫn.
Khi VN-Index tiếp tục điều chỉnh, trường hợp tỷ trọng dưới mức trung bình, có thể xem xét giải ngân. Mục tiêu là các mã cổ phiếu đầu ngành, dự báo có có kết quả kinh doanh quý II tăng trưởng tốt, triển vọng tích cực trong cuối năm, chuyên gia SHS nêu quan điểm.
Về diễn biến thị trường, tuần qua, quán tính tăng điểm từ tuần thăng hoa trước đó giúp chỉ số nối dài đà tăng trong 2 phiên giao dịch đầu tuần trước khi điều chỉnh trong 3 phiên liên tiếp.
Nhóm vốn hóa lớn suy yếu rõ rệt nhất, chỉ số VN30 giảm đến 14.37 điểm trong tuần qua gây áp lực lớn lên thị trường.
Nhóm vốn hóa vừa và nhỏ có sự luân phiên tăng điểm song cũng không có ngành nào quá nổi bật dẫn dắt thị trường.
Đóng cửa tuần giao dịch 8-12/7, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1,280.75 điểm, giảm nhẹ 2.29 điểm so với cuối tuần trước; HNX-Index kết tuần tại mốc 242,41 điểm, tăng 2,71 điểm.
Thanh khoản trên cả 2 sàn tuần này có sự cải thiện so với tuần giao dịch trước đó, khi khối lượng khớp lệnh tăng 32,91% tại HOSE và 31,66% tại HNX.
Khối ngoại có tuần bán ròng thứ 19 liên tiếp trên thị trường Việt Nam. Lũy kế đến phiên giao dịch cuối tuần, khối ngoại bán ròng 4.482 tỷ đồng trên cả 3 sàn giao dịch. Tâm điểm bán ròng tuần qua là nhóm cổ phiếu: FPT (1,732 tỷ đồng), MWG (644 tỷ đồng), VHM (522 tỷ đồng).
Độ mở thị trường chứng kiến sắc đỏ nổi trội với 14/21 nhóm ngành giảm điểm. Gây áp lực lớn lên thị trường chung trong tuần qua phải kể đến cổ phiếu các nhóm ngành như: Hàng tiêu dùng giảm 8,68%, hàng không giảm 2,88%, ngân hàng giảm 1,16%...
Ở chiều ngược lại, các nhóm ngành midcap (cổ phiếu của các công ty có quy mô vừa phải, có giá trị vốn hoá ở mức trung bình trên thị trường) vẫn thu hút dòng tiền khá tốt, tiêu biểu như nhóm phân bón tăng 5,69%, điện tăng 4,19%, bất động sản công nghiệp tăng 3,88%...
Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho biết, xu hướng giao dịch của tuần qua chủ yếu là đi ngang, tích lũy trong biên độ khá hẹp. Khả năng cao xu hướng sideway (trạng thái thị trường không có bất cứ biến động nào rõ ràng, giá tài sản đi ngang trong một thời gian dài nhưng không quá một vài tuần) này sẽ kéo dài trong một vài phiên tới để tích lũy thêm động lượng, chuẩn bị cho sự bùng nổ thêm thanh khoản để xác nhận xu hướng rõ ràng hơn.
“Chúng tôi thiên về tín hiệu tích cực hơn nên vẫn giữ quan điểm mua; trong đó, lựa chọn những mã cổ phiếu đã xây nền tích lũy trong 2 tuần trước đó. Ngưỡng hỗ trợ và kháng cự được chúng tôi kỳ vọng trong các tuần tới (1.257 – 1.310 điểm)”, CSI nhận định.
Chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhìn nhận, phân cuối tuần, thị trường tăng điểm bất thành và tiếp tục trạng thái kém sắc. Thanh khoản giảm so với phiên trước cho thấy nguồn cung chưa gây áp lực lớn cho thị trường nhưng dòng tiền hỗ trợ tạm thời hạ nhiệt.
Mặc dù đà giảm điểm vẫn còn nhưng tín hiệu nến cho thấy động lực điều chỉnh đang giảm dần qua 3 phiên, đồng thời thị trường vẫn đang được hỗ trợ tại vùng 1.277 – 1.280 điểm.
Dự kiến thị trường sẽ tiếp tục được hỗ trợ vào đầu tuần giao dịch mới và có cơ hội hồi phục trở lại để kiểm tra lại nguồn cung. Do vậy, nhà đầu tư cần quan sát diễn biến cung cầu tại vùng hỗ trợ để đánh giá trạng thái thị trường.
Có thể cân nhắc vùng giá tốt của một số cổ phiếu để mua lướt ngắn hạn nhưng nên chốt lời đối với các cổ phiếu có diễn biến tăng giá nhanh đến vùng cản trong thời gian gần đây để bảo toàn thành quả, VDSC khuyến nghị nhà đầu tư.
Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam trong xu hướng tích lũy tích cực, giữa bối cảnh chứng khoán thế giới tăng vọt.
Chứng khoán Mỹ lập kỷ lục mới
Thị trường chứng khoán toàn cầu hầu hết đều tăng điểm trong ngày 12/7; trong đó, điển hình là chỉ số chứng khoán chủ lực Dow Jones của Mỹ đã tăng vọt trên 40.000, sát kỷ lục thiết lập hồi tháng 5/2024 bất chấp dữ liệu lạm phát đáng thất vọng của Mỹ và phản ứng mờ nhạt của thị trường đối với thu nhập của ngân hàng Mỹ.
Ngoài Dow Jones, hai chỉ số chứng khoán chủ lực khác của Mỹ là S&P 500 và Nasdaq Composite cùng tăng 0,6% lên 5.615,35 điểm và 18.398,45 điểm.
Trong phiên trước đó, cả hai chỉ số này bất ngờ giảm điểm, kết thúc chuỗi ngày liên tục lập kỷ lục mới trước đó. Dow Jones chốt phiên ở mức 40.000,90 điểm (tăng 0,6%).
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, thị trường chứng khoán Paris (Pháp) và Frankfurt (Đức) tràn ngập sắc xanh với mức tăng 1%. Theo dữ liệu của Bộ Lao động, lạm phát bán buôn trong tháng 6 của Mỹ đã tăng 0,2%, nhiều hơn dự kiến.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết dữ liệu ngày 12/7 không ảnh hưởng tới những tín hiệu tích cực từ báo cáo chỉ số giá tiêu dùng một ngày trước đó, vốn làm tăng kỳ vọng về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed - ngân hàng trung ương) sẽ cắt giảm lãi suất.
Đầu tuần này, Chủ tịch Fed Jerome Powell tuyên bố không cần đợi lạm phát giảm xuống mục tiêu 2% để bắt đầu hạ lãi suất.
Ông Axel Rudolph, nhà phân tích thị trường cấp cao tại sàn giao dịch IG trực tuyến, đánh giá: “Mặc dù giá sản xuất của Mỹ tăng cao hơn dự kiến, hầu hết các chỉ số chứng khoán châu Âu và Mỹ đều kết thúc tuần với tín hiệu tích cực do các nhà đầu tư tin rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9”.