Nhân chứng chính trong vụ bắt giữ `công chúa` Huawei từ chối ra điều trần tại tòa án Canada
Một nhân chứng quan trọng liên quan đến vụ bắt giữ Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu hai năm trước đã quyết định không làm chứng tại tòa án Canada trong cuộc thẩm tra nhân chứng.
Theo Reuters, bà Mạnh Vãn Châu - CFO Huawei - đã trở lại Tòa án Tối cao British Columbia vào thứ Hai khi phiên điều trần dẫn độ tại Hoa Kỳ của cô được tiếp tục. Các luật sư của bà đang đấu tranh để xác minh rằng các quyền của bà Mạnh đã bị vi phạm trong các sự kiện dẫn đến việc bắt giữ cô ấy.
Các luật sư của CFO Huawei gọi việc từ chối một sĩ quan cảnh sát Canada cấp cao làm chứng trước tòa là “đáng quan ngại”. Bà Mạnh Vãn Châu, 48 tuổi, bị cảnh sát Canada bắt giữ vào tháng 12/2018 tại Sân bay Quốc tế Vancouver, theo lệnh của Hoa Kỳ. Bà đang phải đối mặt với cáo buộc gian lận ngân hàng vì bị cáo buộc gây hiểu lầm cho HSBC Holdings (HSBA.L) về các giao dịch kinh doanh của Huawei Technologies Co Ltd tại Iran, khiến ngân hàng này vi phạm lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.
Bà Mạnh Vãn Châu của Huawei Technologies rời tòa trong giờ nghỉ trưa ở Vancouver, British Columbia, Canada ngày 16/11/2020
Mạnh Vãn Châu đã nói rằng bà vô tội và đang đấu tranh với việc bị dẫn độ từ sự quản thúc tại gia ở Vancouver (Canada). Căn nhà ở một trong những khu phố đắt đỏ nhất của Canada. Hôm thứ Hai, luật sư biện hộ Richard Peck nói với tòa án rằng một trong những nhân chứng quan trọng, Trung sĩ Ben Chang của Cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP), sẽ không làm chứng sau khi tìm kiếm lời khuyên từ luật sư.
Theo tài liệu của tòa án, trung sĩ Chang, hiện đã nghỉ hưu, bị cáo buộc đã gửi thông tin chi tiết về các thiết bị điện tử của bà Mạnh cho FBI (Mỹ). Tuy nhiên, ông Chang đã phủ nhận cáo buộc trong một bản tuyên thệ được nộp cho tòa án.
Luật sư Peck nói với tòa án việc ông Chang từ chối làm chứng là "một vấn đề đáng lo ngại", ông nói thêm rằng "kết quả vụ việc có thể bị ảnh hưởng bới quyết định từ chối làm chứng từ ông Chang".
Nhân chứng quan trọng không xuất hiện khiến phiên tòa thêm phần khó khăn
Việc lấy lời khai kéo dài 10 ngày là sự tiếp nối của các phiên điều trần dự kiến kết thúc vào đầu tháng 11 nhưng đã liên tục bị kéo dài thêm và đòi hỏi nhiều phiên điều trần hơn phải được lên lịch. Các luật sư của cả Mạnh và chính phủ Canada sẽ dành cả tuần để kiểm tra chéo các quan chức thực thi pháp luật Canada và các quan chức biên giới, những người đã tham gia vào cuộc điều tra ban đầu và bắt giữ bà Mạnh.
Các luật sư của bà Mạnh đang đấu tranh để bác bỏ việc dẫn độ trên cơ sở bị cáo buộc lạm dụng quy trình, cho rằng chúng vi phạm các quyền công dân của bà - điều mà đã được quy định trong Hiến chương Quyền và Tự do của Canada.
Trong tuần đầu tiên của phiên điều trần, các công tố viên của chính phủ Canada đã cố gắng chứng minh rằng việc bắt giữ Mạnh là đúng với luật pháp và bất kỳ sự sai sót nào trong thủ tục tố tụng sẽ không ảnh hưởng đến hiệu lực của việc dẫn độ.
Bên biện hộ cho rằng các nhân viên Cơ quan dịch vụ Biên giới Canada (CBSA) lẽ ra nên trì hoãn việc kiểm tra bà Mạnh và chuyển vụ việc ngay lập tức cho Cảnh sát Hoàng gia Cannada, và điều đó đã vi phạm quyền của bà.
Hôm thứ Hai, công tố viên Diba Majzub đã hỏi quan chức CBSA Sanjit Dhillon, người có liên quan đến việc kiểm tra bà Mạnh, liệu việc các nhân viên biên phòng có trì hoãn việc kiểm tra hải quan đối với những người không phải là người Canada có phổ biến hay không. “Tôi chưa từng thấy trường hợp nào mà việc kiểm tra bị trì hoãn bằng mọi cách như thế này”, Dhillon cho hay.
Thanh Thùy