Nhiều chuyên gia kinh tế tham gia Hội đồng biên tập Tạp chí Doanh nhân Việt Nam
Ngày 28/1, tại Hà Nội, Hội đồng biên tập Tạp chí Doanh nhân Việt Nam chính thức ra mắt, với sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế nổi tiếng.
Kiềng ba chân giúp báo chí vững mạnh
Theo đó, Chủ tịch Hội đồng Biên tập Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam là PGS.TS Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam.
Góp mặt vào Hội đồng Biên tập với tư cách ủy viên còn có 5 chuyên gia kinh tế nổi tiếng là: TS Trần Đình Thiên, TS Vũ Đình Hòe, TS Vũ Đình Ánh, TS Ngô Văn Điểm, TS Cấn Văn Lực.
Ra mắt Hội đồng Biên tập Tạp chí Doanh nhân Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Triệu.
Theo quy chế, Hội đồng Biên tập sẽ có nhiệm vụ tư vấn cho Tạp chí về nội dung chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam nói riêng, cũng như kinh tế Việt Nam nói chung.
TS Vũ Đình Hòe chia sẻ rằng, rút ra từ kinh nghiệm bản thân, có thể thấy, để một tờ báo hay tạp chí phát triển được, buộc phải có 3 nhân tố đó là: chủ báo, chủ bút và cây bút. Chủ báo chính là cơ quan chủ quản, chủ bút là Tổng biên tập – người đứng đầu cơ quan báo chí và cuối cùng là những phóng viên, cộng tác viên. TS Hòe cho rằng, trong một cơ quan báo chí, nếu như 3 nhân tố này hợp tác với nhau, cùng nhìn về một hướng thì sẽ phát triển bền vững. Nhưng nếu, chỉ cần 1 trong 3 trục trặc, dù chỉ một chút thôi, nguy cơ đổ vỡ là rất cao.
TS Vũ Đình Hòe chia sẻ kinh nghiệm về việc phát triển một cơ quan báo chí. Ảnh: Nguyễn Triệu.
“Ở Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam, tôi cảm thấy có đầy đủ 3 nhân tố trên và phối hợp với nhau rất tốt. Theo tôi, trong năm 2021, Tạp chí cần tính toán, cân đối giữa mặt kinh tế và nhân sự. Đặc biệt là về nhân sự, buộc phải tinh, chúng ta phải tính cả lượng cơ hữu và không cơ hữu”, TS Hòe góp ý.
Chuyên gia kinh tế này cũng cho rằng, với báo chí hiện nay, lượng nhân sự cơ hữu là các cộng tác viên ở các cơ quan hoạch định chính sách, quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, doanh nhân vô cùng quan trọng. Lực lược này được ví như các vệ tinh, là những người sẽ cho báo chí những chất liệu rất tốt.
Bên cạnh đó, TS Hòe cũng chỉ ra, ngoài những cây bút, một nhân tố quan trọng để một cơ quan báo chí có thể phát triển đó là những người làm thương mại. Những người này có vai trò như tiếp thị, bán hàng. Nếu một tờ báo chỉ có người đi sản xuất mà thiếu đi khâu bán hàng thì những sản phẩm báo chí rất khó tiếp cận sâu, rộng tới độc giả.
Chuyển mình trong khó khăn
Thay mặt BBT, nhà báo Nguyễn Huy Hoàng, Tổng thư ký tòa soạn Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam chia sẻ về những kết quả đạt được, những khó khăn vấp phải cũng như những định hướng phát triển trong năm 2021.
PGS.TS Nguyễn Trọng Điều trao Bằng khen cho nhà báo Phạm Việt Dũng (phải) và nhà báo Nguyễn Huy Hoàng (trái). Ảnh: Nguyễn Triệu.
Theo nhà báo Nguyễn Huy Hoàng, năm 2020 là một năm đặc biệt với tất cả các ngành nghề nói chung và với báo chí truyền thông nói riêng, khi diễn biến dịch COVID-19 có nhiều phức tạp. Đại dịch đã khiến nền kinh tế bị tác động, thậm chí đảo lộn rất lớn. Riêng với báo chí truyền thông, năm 2020 còn phải chịu thêm một tác động rất lớn đó là công tác quy hoạch báo chí. Chủ trương này rất đúng đắn, tuy nhiên khi mới triển khai, chắc chắn sẽ có những tác động không nhỏ tới các cơ quan báo chí.
Đối với Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam, năm 2020 lại càng trở nên đặc biệt khi được sự nhất trí của Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam về việc chuyển đổi mô hình hoạt động. Từ tháng 8/2020, Tạp chí chuyển đổi sang mô hình truyền thông đa phương tiện, thực hiện theo chủ trương chuyển đổi số của Chính phủ cũng như đáp ứng nhu cầu thực tế báo chí.
Trong quá trình chuyển đổi, Tạp chí đã thành lập được các ban chuyên môn, giúp việc cho BBT tại tòa soạn. Đồng thời, tại các vùng miền thông tin trọng điểm, Tạp chí đã tổ chức được một số nhóm phóng viên, nhân viên hoạt động, cập nhật thông tin tới độc giả.
Về mặt nội dung, mỗi ngày, Tạp chí xuất bản khoảng 100 tin, bài. Trong đó, 30% tin, bài là nội dung tự sản xuất, còn lại được biên tập, tổng hợp từ các kênh thông tin chính thống cả trong và ngoài nước. Trên hai nền tảng chính là website và facebook, Tạp chí đã thu hút được khoảng 20 triệu lượt xem mỗi tháng.
PGS.TS Nguyễn Trọng Điều phát biểu tại buổi lễ.
Trong năm 2021, định hướng phát triển, Tạp chí sẽ xây dựng theo hướng tòa soạn hội tụ. Mỗi phóng viên phải trở thành những nhà báo media, có thể tác nghiệp, tạo ra cùng lúc nhiều sản phẩm báo chí. Mục tiêu là sản xuất được khoảng 70% tin, bài xuất bản hằng ngày, “đảo chiều” so với năm 2020. Bên cạnh đó, Tạp chí cũng sẽ mở rộng, phát triển, thành lập các văn phòng tại những vùng thông tin trọng điểm của đất nước như miền Trung hay TP.HCM.
Tổng biên tập Phạm Việt Dũng chia sẻ, rất vui mừng, xúc động vì sự có mặt đông đủ của các đại biểu, dù trong những ngày cuối năm bận rộn. Đặc biệt, có những vị khách vượt cả nghìn cây số về để chung vui cùng Tạp chí. Tổng biên tập cho rằng, Tạp chí vươn mình phát triển, dù trong giai đoạn vô vàn khó khăn nhưng cũng may mắn gặp được cả 3 yếu tố: thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Đó là Đảng, Nhà nước vẫn đã và đang hoàn thiện các chủ trương phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân. Hai là, Tạp chí luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo và TW Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam. Thời gian qua, Tạp chí nhận được sự quan tâm đặc biệt của khối doanh nghiệp, tập đoàn cũng như các doanh nhân. Họ kỳ vọng, gửi gắm niềm tin, Tạp chí sẽ phát triển đúng hướng, lành mạnh, hấp dẫn.
Theo Tổng biên tập, một yếu tốt then chốt giúp Tạp chí phát triển, đó là có những con người nhiệt huyết, tạo nên một tập thể đoàn kết, gắn bó. Mặc dù khó khăn, nhưng cả tập thể vẫn luôn đoàn kết, kiên định cùng nhau phát triển. Tổng biên tập kỳ vọng, với sự góp sức, đồng hành của các thành viên trong Hội đồng biên tập trong năm 2021 và những năm tới, Tạp chí sẽ ngày càng phát triển.
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Trọng Điều chia vui cùng Tạp chí Doanh nhân Việt Nam về những điều đã đạt được trong năm 2020, cùng những hoạch định cho năm mới và những năm tiếp theo. Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Điều, việc thành lập Hội đồng biên tập là một bước tiến quan trọng trong phát triển của Tạp chí. Điều này thể hiện, Tạp chí đã và đang đi đúng hướng, chuyển mình theo hướng truyền thông đa phương tiện.
Với sự góp sức của Hội đồng biên tập, Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam mong muốn, Tạp chí sẽ phát triển để trở thành một trong những cơ quan báo chí hàng đầu tuyên truyền về kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân. Từ đó, Tạp chí sẽ luôn đồng hành, là những người bạn của khối doanh nghiệp, doanh nhân, là tiếng nói chân chính của Hội.
Trao giấy khen cho 15 cán bộ, phóng viên có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo. Ảnh: Nguyễn Triệu.
Ông nhấn mạnh, muốn làm được những điều như vậy, bên cạnh sự giúp sức từ Hội đồng biên tập, thì cả tập thể Tạp chí, trong đó là mỗi cá nhân phải tự mình ý thức phấn đấu, rèn luyện, vượt lên những khó khăn. Cũng theo PGS.TS Nguyễn Trọng Điều, những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm phát triển đội ngũ doanh nhân tư nhân. Đây cũng là điều kiện để Tạp chí phát triển, góp tiếng nói quan trọng vào việc thúc đẩy khối doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân.
PGS.TS Nguyễn Trọng Điều khẳng định, với vai trò là Chủ tịch Hội đồng biên tập nói riêng, lãnh đạo cơ quan chủ quản nói chung, Hội sẽ luôn tạo mọi điều kiện để Tạp chí phát triển đúng hướng, bền vững. Ông tin tưởng, vượt qua khó khăn của năm đại dịch COVID-19, năm 2021, Tạp chí sẽ thực sự chuyển mình và đạt được nhiều mục tiêu như đã đề ra.
Nhân dịp này, Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam cũng trao Bằng khen cho tập thể Tạp chí Doanh nhân Việt Nam và cá nhân hai nhà báo Phạm Việt Dũng, Nguyễn Huy Hoàng vì có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2020. Tạp chí cũng trao giấy khen cho 15 cá nhân là cán bộ, phóng viên có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo. |
KẾ TOẠI