Nhiều giải pháp để cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh
16:20 | 28/02/2020
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Trong thời gian qua, Luật Doanh nghiệp và các Nghị định hướng dẫn thi hành đã có những tác động tích cực trong tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thúc đẩy thành lập, phát triển và mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, một số nội dung của Luật Doanh nghiệp không còn phù hợp với thực tiễn, tạo gánh nặng chi phí, thời gian cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ.
Nhằm giới thiệu một số kết quả chính của báo cáo nghiên cứu và những đề xuất sửa đổi trong dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo “Thúc đẩy, tạo thuận lợi gia nhập thị trường: Vấn đề và giải pháp cải thiện Khởi sự kinh doanh và Bảo vệ cổ đông thiểu số” vào sáng 28/2 tại Hà Nội.
Tại hội thảo, đánh giá về tác động của việc cải thiện môi trường kinh doanh, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), môi trường thể chế tốt sẽ giúp giảm các chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp và giảm thiểu các rủi ro trong quá trình hoạt động. Ngược lại nếu thể chế kinh doanh không tốt sẽ đội thêm 5 loại chi phí cho doanh nghiệp, đánh mất nhiều cơ hội kinh doanh do thời gian làm thủ tục kéo dài hoặc không đúng hẹn.
Trong khi đó, hiện mỗi doanh nghiệp khi vào hoạt động đều phải gồng gánh hàng loạt khoản chi phí phi chính thức như việc chi cho cơ quan, cán bộ trong quá trình thực hiện các thủ tục về mặt pháp lý; các chi phí cơ hội; các khoản phí, lệ phí… Điều này sẽ khiến doanh nghiệp mất cơ hội kinh doanh, do thời gian thủ tục kéo dài hoặc chậm thủ tục hoặc không đúng hẹn, bởi việc thực hiện thủ tục hành chính cần phải có thời gian và phải tuân theo các quy định của pháp luật.
Do đó, theo ông Hiếu, muốn có doanh nghiệp tốt thì cần phải có số lượng doanh nghiệp nhiều. Tuy nhiên quy định các thủ tục thành lập doanh nghiệp được thực hiện trong khoảng thời gian nhất định đã trở thành những rào cản cho khởi sự kinh doanh.
“Chúng ta có 16 ngày, phải chuẩn bị cơ sở vật chất, phải có máy móc, thiết bị cho hoạt động kinh doanh. Nếu không có tiền thì phải vay vốn, và nếu cứ chậm một ngày trong việc làm thủ tục đăng ký kinh doanh, thì doanh nghiệp phải tự bỏ chi phí để vận hành”, ông Hiếu dẫn chứng và cho biết, việc thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh khiến cho doanh nghiệp bị suy giảm động lực khi phải đi lại nhiều lần, đến nhiều cơ quan, làm nhiều thủ tục khác nhau. Và việc này giảm năng lực cạnh tranh quốc gia.
Từ đó, ông Hiếu cũng kiến nghị hàng loạt các giải pháp tạo thuận lợi cho hoạt động khởi sự kinh doanh của doanh nghiệp. Đó là cần phải tiếp tục trao quyền tự quyết về con dấu, bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu do không cần thiết, trao quyền cho doanh nghiệp tự quản lý về dấu. Điều này, theo ông Hiếu sẽ rất có lợi cho chính phủ điện tử và làm thủ tục hành chính.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Công Thương), cho rằng, để cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh thì phương pháp cách tiếp cận là bám sát thông lệ quốc tế, cụ thể là nội dung khởi sự kinh doanh trong Báo cáo Môi trường kinh doanh (Doing Business) hằng năm của Ngân hàng Thế giới; từ đó đề ra giải pháp để cải thiện chỉ số.
Để tinh gọn khâu thủ tục mua hóa đơn và tự in hóa đơn VAT, bà Nguyễn Thị Việt Anh cho biết: “Chúng tôi đề xuất phương án với Bộ Tài chính rằng sẽ tích hợp thủ tục xin mua hóa đơn và in hóa đơn vào mẫu đề nghị đăng ký thành lập doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp nộp hồ sơ đang ký thành lập cho đầu mối cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh thì Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia sẽ gửi thông tin đó đến cơ quan thuế. Sau khi cơ quan thuế gửi mã số thuế doanh nghiệp thì đồng thời gửi trả kết quả thông báo sử dụng hóa đơn cho doanh nghiệp”.
Với giải pháp liên thông này, sẽ cắt giảm được thủ tục doanh nghiệp phải gửi cho cơ quan thuế và tiết kiệm được thời gian và chi phí cho khâu thành lập doanh nghiệp. Nếu giải pháp trên được thực hiện, thì khâu thực hiện mua hoặc tự in hóa đơn VAT sẽ được rút ngắn còn 3 ngày, thay vì 10 ngày như hiện nay, đại diện Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhận định.
Đối với thủ tục khai trình sử dụng lao động, giải pháp được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội là doanh nghiệp không cần đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động để nộp tờ khai sử dụng lao động. Thay vào đó, cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh sau khi cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp sẽ đồng thời chia sẻ dữ liệu về giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp và số lao động mà doanh nghiệp đó khai báo.