Nhiều kiến nghị để kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh
(DNVN) - Tại “Diễn đàn doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” đại diện các tập đoàn kinh tế (TĐKT) cùng các doanh nhân đã đống loạt đưa ra kiến nghị để kinh tế tư nhân nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung ngày càng lớn mạnh.
Hiện nay, kinh tế tư nhân tại Việt Nam đang chiếm khoảng 40% GDP. Tại các nước phát triển, tỉ lệ kinh tế tư nhân có thể chiếm tới 85% GDP và trở thành nền tảng, trụ cột đảm bảo cho kinh tế quốc gia phát triển ổn định, bền vững.
Để kinh tế tư nhân phát triển, theo bà Nguyễn Thị Nga Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG: Để đảm bảo cạnh tranh công bằng trong các thành phần kinh tế, Chính phủ cần ban hành những đường lối, chính sách thích hợp để các thành phần kinh tế khác (như khối doanh nghiệp nhà nước, khối FDI) không nhận được những ưu đãi nhiều hơn so với khối kinh tế tư nhân. Thậm chí trong những bối cảnh nhất định, Chính phủ có thể có những biện pháp bảo hộ cần thiết cho doanh nghiệp tư nhân trong những lĩnh vực được xác định xây dựng thành trọng điểm kinh tế, tạo ra những ngành kinh tế mũi nhọn có thể cạnh tranh được với quốc tế, trở thành thế mạnh của quốc gia.
Bên cạnh đó, Chính phủ nghiên cứu xây dựng chủ trương, từng bước thử nghiệm cho phép tư nhân tham gia vào những lĩnh vực mà hiện nay Nhà nước vẫn giữ độc quyền. Cũng cần ghi nhận và phát triển thương hiệu cho các tập đoàn kinh tế tư nhân, thông qua ưu đãi đầu tư cho các tập đoàn tư nhân có nhiều đóng góp cho NSNN và góp nhiều công sức để phát triển kinh tế-xã hội.
Mặt khác, với sự phát triển của mô hình kinh tế chia sẻ (sharing economy) và kinh tế số (digital economy), Chính phủ cần kiến tạo và cho áp dụng những hệ thống khung pháp lý thử nghiệm (cơ chế Sandbox) để điều chỉnh những mô hình kinh doanh phi truyền thống này nhằm thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh và minh bạch cơ chế, chính sách của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Ngoài ra hiện những thủ tục hành chính vẫn còn những bất cập gây khó khăn và lãng phí thời gian cũng như nguồn lực của doanh nghiệp, tạo kẽ hở cho tiêu cực. Do đó, Chính phủ có thể nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin một cách toàn diện vào các quy trình hành chính, nhằm hạn chế tối đa tiếp xúc cơ học giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý hành chính. Thủ tục hành chính tinh gọn và chính xác sẽ giúp giảm lãng phí nguồn lực xã hội, gia tăng hiệu quả kinh doanh và giúp minh bạch hóa và trong sạch hóa nền hành chính công.
Còn theo ông Nguyễn Thăng Long - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần VEFAC HTS Group, để hỗ trợ phát triển cho doanh nghiệp tư nhân, cần tăng cường tính minh bạch trong hành chính công, cải cách tiền lương, và cách thức đánh giá cán bộ nhằm giảm thiểu tệ nạn nhũng nhiễu, nâng cao hiệu quả bộ máy công vụ liên quan, góp phần giảm chi phí phi chính thức cho doanh nghiệp tư nhân.
Đồng thời, áp dụng triệt để nguyên tắc phân biệt rạch ròi về thẩm quyền thanh tra, kiểm tra về nội dung giữa các cơ quan nhà nước, tránh việc các cơ quan hành chính yêu cầu thêm các thành phần hồ sơ, nội dung kiểm tra thực tế vượt quá yêu cầu của văn bản pháp luật quy định về thủ tục hành chính đó.
Các bộ, ngành và địa phương cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ, tăng cường công khai, minh bạch mọi thông tin trên website; đăng tải đầy đủ thông tin quy hoạch, kế hoạch phát triển, các dự án đầu tư công, đấu thầu, các dự án kêu gọi đầu tư, các dự án đối tác công tư. Tổ chức các khóa bồi dưỡng, hoặc có hình thức phổ biến đến các doanh nghiệp tư nhân nắm rõ luật pháp, thủ tục hành chính, chính sách thuế doanh nghiệp…
Hoàn thiện chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số và nền kinh tế số ở Việt Nam, để các cơ quan của Chính phủ đổi mới, làm việc hiệu quả và minh bạch hơn, cung cấp thông tin, dịch vụ tốt hơn cho doanh nghiệp.
Tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, và các startup bằng các biện pháp cụ thể: Có ngân sách hỗ trợ đào tạo cho các doanh nghiệp tư nhân, các doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tự tạo ra giá trị, tự liên kết các chuỗi cung ứng minh bạch với nhau; tăng cường các quỹ đầu tư cho startup, và các doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa có nhu cầu gọi vốn để mở rộng kinh doanh. Đặc biệt là khuyến khích các doanh nghiệp về khoa học công nghệ, bởi khoa học công nghệ là hạt nhân đưa đất nước đến hùng cường.
Bên cạnh đó, để kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển, theo đánh giá của Giáo sư Nguyễn Mại: Việt Nam cần nhiều hơn các TĐKT tư nhân. Bởi doanh nghiệp và doanh nhân là đội quân chủ lực trong quá trình chấn hưng kinh tế dân tộc. Cùng với việc khuyến khích, tạo thuận lợi để phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ thì cần đẩy nhanh quá trình hình thành nhiều tập đoàn kinh tế (TĐKT).
Do đó, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích phát triển TĐKT trong nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghiệp và dịch vụ hiện đại, nghiên cứu & phát triển, làm hạt nhân trong từng chuỗi cung ứng sản phẩm, đồng thời quy định minh bạch về quan hệ hợp đồng trong nội bộ tập đoàn để đề phòng và xử lý kịp thời tình trạng “chuyển giá”, trốn thuế, sở hữu chéo, hình thành mối “quan hệ cánh hẩu” giữa doanh nghiệp với ngân hàng, với cơ quan nhà nước.
TĐKT cần được khuyến khích phát triển thành công ty đại chúng đa sở hữu nhằm giải bài toán tích luỹ vốn và tạo lập nguồn lực để phát triển nhanh và hiệu quả cao, có chiến lược kinh doanh dài hạn, tầm nhìn toàn cầu, quản trị hiện đại và minh bạch, nhanh chóng mở rộng quy mô, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
TĐKT tạo ra sức mạnh quốc gia nhưng cũng dễ phát sinh trạng thái độc quyền nhờ vào tiềm lực vốn khổng lồ có thể mua lại hoặc sáp nhập các doanh nghiệp khác, cấu kết và thông đồng với nhau để triệt tiêu cạnh tranh, buộc người tiêu dùng phải trả giá cao hơn và lấy đi của họ quyền được lựa chọn, giáo sư nhấn mạnh.