Nhiều lao động bỏ việc về quê, doanh nghiệp ảnh hưởng lớn

08:24 | 10/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tạm nghỉ không lương thì sống chật vật còn đi làm lại sợ F0 xuất hiện tại nhà máy, nhiều công nhân quyết định nghỉ việc về quê và chưa có ý định quay lại.

Chị Thuỳ quê Quảng Ngãi là một công nhân may có hơn 10 năm kinh nghiệm tại Pouyuen vừa quyết định nghỉ việc về quê ổn định cuộc sống dù tỏ ra tiếc nuối khi cho rằng đây là môi trường làm việc tốt.

Chị cho biết 2 tháng gần đây, thu nhập liên tục bị giảm vì xin nghỉ nhiều để ở nhà trông con nhỏ trong lúc trường mầm non đóng cửa. Thời gian gần đây, số ca nhiễm tại TP HCM liên tục tăng cao, dịch lại xâm nhập vào các nhà máy khiến chị cảm thấy sợ và càng không dám đi làm.

"Mẹ con tôi suốt ngày ở trong căn trọ chật hẹp nên thấy cuộc sống rất ngột ngạt. Với tình hình dịch bệnh còn phức tạp như hiện nay không biết khi nào mới ổn. Do đó, tôi quyết định nghỉ việc hẳn để về quê ổn định cuộc sống", chị nói.

Nhiều lao động bỏ việc về quê, doanh nghiệp ảnh hưởng lớn - ảnh 1

Công nhân Pouyuen giờ tan ca. Ảnh: Hữu Khoa.

Chị Oanh, nhân viên may ở Khu chế xuất Linh Trung - TP HCM cũng cho biết, công ty chị lúc trước bị phong toả, giờ thì tạm ngưng sản xuất vì không đáp ứng được 3 tại chỗ nên chị đã nghỉ làm hơn một tháng nay.

"Tình hình dịch bệnh quá phức tạp, bám trụ lại thành phố càng lâu càng không đủ tiền ăn ở, trong khi nếu đi làm lại thì sợ nguy cơ nhiễm bệnh cao nên tôi quyết định nghỉ hẳn và sẽ về Nghệ An sinh sống, lập nghiệp", chị Oanh tâm sự.

Không chỉ chị Oanh mà khá nhiều đồng nghiệp của chị đến từ Tây Nguyên và miền Tây cũng cho biết sẽ nghỉ dài hạn dù lãnh đạo công ty kêu gọi ráng đợi và hứa sẽ tăng lương khi đi làm lại.

Ông Hoàng Xuân Thái, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Furukawa Automotive Parts Vietnam Inc cho biết, công ty đang tiến hành từng bước 3 tại chỗ. Tuy nhiên, lượng công nhân đi làm lại chưa nhiều do lo ngại việc tập trung tại chỗ sẽ có nguy cơ lây nhiễm dù công ty đã tuân thủ quy trình test Covid-19. Ngoài ra, nhiều công nhân di chuyển đến nhà máy còn bị chặn khi qua các trạm, chốt theo chỉ thị 16 nên khó đến công ty. Do đó, lượng công nhân giảm so với trước đó.

Chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng theo lãnh đạo doanh nghiệp dệt may ở Bình Dương cho hay, từ khi áp dụng biện pháp 3 tại chỗ, doanh nghiệp cũng đã có khoảng 1.000 lao động nghỉ việc và con số này đang tăng lên khi nhiều công nhân lo F0 xuất hiện tại nhà máy. Một số cũng đã viết đơn xin nghỉ việc để về quê sinh sống.

Là doanh nghiệp lớn trong ngành hàng tiêu dùng, Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan – đơn vị có hơn 30 nhà máy tại các tỉnh thành trên cả nước cũng đang khá khó khăn do thiếu hụt nhân sự, tỷ lệ nghỉ việc cao. Một trong những nguyên nhân là việc áp dụng mô hình 3 tại chỗ có nhiều bất cập khiến một số lao động nữ không thể đáp ứng vì họ phải trông con tại gia đình.

"Chúng tôi bị ảnh hưởng lớn về nguồn lực lao động khi tỷ lệ nghỉ việc của tập đoàn trong năm nay dự kiến lên đến 100% (nghỉ quay vòng, chủ yếu tập trung ở khối bán lẻ), cao nhất từ trước tới nay", bà Nguyễn Thị Phương, Phó tổng giám đốc thường trực VinCommerce nói và cho biết đã phải khắc phục bằng cách điều động nhân viên từ vùng khác về hỗ trợ nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn khi dịch bệnh lây lan nhanh.

Không chỉ Vincommerce, các doanh nghiệp bán lẻ ở TP HCM cũng đang đối diện với khó khăn thiếu hụt nhân sự. Lãnh đạo một doanh nghiệp bán lẻ nằm trong top đầu của thị trường cũng cho biết, dịch bệnh khiến gần 30% lượng nhân viên phải đi cách ly, phong toả. Số nhân viên khác thì viết đơn xin nghỉ vì lo sợ nhiễm bệnh khiến các hệ thống phải điều phối nhân sự thay đổi liên tục. Vì thiếu hụt nên phần đông nhân viên siêu thị làm việc lên tới 20 tiếng một ngày.

Cho rằng làn sóng nghỉ việc đang lan rộng khắp nơi, nhiều hiệp hội ngành nghề ở TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai đang lên tiếng "cầu cứu".

Báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hiện nay chỉ có khoảng 30% các doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam đảm bảo được điều kiện 3 tại chỗ. Tuy nhiên, số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ 30-50%. Trước tình hình dịch bệnh kéo dài và phức tạp, nhiều người lao động tự kéo nhau về quê đang khiến doanh nghiệp đau đầu. Dự báo, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, doanh nghiệp không chỉ thiếu lao động phổ thông mà còn cả nhóm lành nghề.

Trao đổi với VnExpress, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) khá lo lắng khi cho biết có tới 97% doanh nghiệp dệt may ngưng hoạt động. Thời gian tới, họ sẽ phải đối diện với tình trạng thiếu lao động trầm trọng. Bởi dịch bệnh đang khiến lao động rời bỏ khu công nghiệp, khu chế xuất để về quê sinh sống. Số còn lại chưa thể về quê cũng đang nhen nhóm ý định từ bỏ công việc do dịch bệnh.

Theo bà Mai, để giữ chân người lao động, ngoài các chính sách hỗ trợ, tăng lương thì tiêm vaccine là giải pháp hữu hiệu nhất giúp họ trở lại với doanh nghiệp. "Nếu lực lượng nòng cốt của doanh nghiệp bị thiếu hụt thì việc duy trì đơn hàng với đối tác sẽ thất bại. Nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất là khó tránh khỏi. Do đó, chúng tôi mong Chính phủ hãy ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động nhanh nhất có thể", bà Mai đề xuất.

Đồng quan điển với bà Mai, Masan cho rằng, nguy cơ đóng cửa nhà máy do có ca Covid-19 dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng có thể xảy ra bất kỳ lúc nào đối với doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp mong được tiếp cận nguồn vaccine càng sớm càng tốt để tiêm cho công nhân và người lao động yên tâm sản xuất.

Ngoài tiêm vaccine, VASEP đề nghị Chính phủ cần đẩy mạnh việc hỗ trợ công nhân, người lao động khó khăn. Chính phủ cũng nên đề nghị BHXH chi trả lương và chi phí cho các trường hợp người lao động đi cách ly do dịch bệnh Covid-19 theo yêu cầu của cơ quan y tế.

Theo Vnexpress