Nhiều lĩnh vực sẽ giúp cải thiện cán cân thương mại Việt-Mỹ
Giám đốc điều hành Amcham khẳng định lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, hàng không, năng lượng tái tạo và LNG sẽ giúp cải thiện cán cân thương mại song phương Việt-Mỹ.
Trao đổi với Zing, bà Mary Tarnowka Giám đốc điều hành của AmCham Vietnam (Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam), Nguyên Tổng lãnh sự Mỹ ở TP.HCM, bày tỏ sự hào hứng về tương lai của mối quan hệ kinh tế Việt - Mỹ dưới chính quyền mới của Mỹ. Bà tin rằng việc hợp tác trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, hàng không, năng lượng tái tạo và LNG sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên và giúp cải thiện cán cân thương mại song phương.
'Ngày càng nhiều doanh nghiệp Mỹ muốn đầu tư vào Việt Nam' Giám đốc điều hành Amcham lạc quan về tương lai kinh tế Việt - Mỹ. Theo bà, Mỹ và Việt Nam có rất nhiều cơ hội để phát triển và củng cố mối quan hệ dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Mỹ và Việt Nam có rất nhiều cơ hội để phát triển và củng cố mối quan hệ dưới thời Tổng thống Joe Biden
Bà Mary Tarnowka cho rằng Việt Nam là một điểm đến đầu tư hấp dẫn. Một phần nguyên nhân là vị trí địa lý đắc địa và việc Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do, CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) và gần đây là EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu).
Việt Nam có một lực lượng lao động trẻ, am hiểu công nghệ với chi phí lao động phải chăng. Chính phủ Việt Nam cũng rất hoan nghênh dòng vốn đầu tư nước ngoài. Một lý do khác không thể không kể đến là Việt Nam đã kiểm soát dịch COVID-19 tốt một cách đáng kinh ngạc.
Nhờ đó, Việt Nam là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất toàn cầu năm 2020. Đó là một thành tích mà không phải quốc gia nào trong khu vực cũng đạt được. Trên toàn thế giới, chỉ có một vài nước duy trì tăng trưởng dương. Việt Nam đang đứng ở vị thế rất tốt trong quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu.
“Nhiều doanh nghiệp Mỹ đã và đang tìm cách đa dạng hóa các khoản đầu tư ra khỏi Trung Quốc, khi chi phí lao động tại quốc gia này tăng cao và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang. Nhờ đó, những quốc gia khác trong khu vực trở nên hấp dẫn FDI hơn. Tuy nhiên, tôi cho rằng Việt Nam là nước hưởng lợi chính. Chúng ta sẽ chứng kiến ngày càng nhiều công ty quốc tế chuyển dây chuyền sản xuất và mở rộng ở Việt Nam”, bà Mary Tarnowka nói.
Hôm 27/1, Tập đoàn Intel đã được nhận giấy chứng nhận bổ sung vốn đầu tư để mở rộng tại Khu Công nghệ cao TP.HCM. Một công ty năng lượng khác đang xem xét việc mở rộng với vốn đầu tư 1 tỷ USD. Còn có những công ty mới khác, chẳng hạn nhà cung cấp của Apple, đã chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc và các quốc gia khác đến Việt Nam. Những nhà đầu tư tiềm năng cũng có thể tới Việt Nam để xem xét. Bởi họ muốn "mắt thấy tai nghe" chứ không chỉ dựa vào các đối tác để đánh giá cơ hội.
Rất nhiều cơ hội để phát triển và củng cố mối quan hệ kinh tế Việt-Mỹ
Cũng theo Zing, Giám đốc điều hành của AmCham Vietnam bày tỏ sự háo hức về tương lai của mối quan hệ đối tác kinh tế giữa Mỹ và Việt Nam. Tôi tin rằng có rất nhiều cơ hội để phát triển và củng cố mối quan hệ.
Cụ thể, dưới chính quyền Tổng thống Biden, Amcham và nhiều người Việt Nam đều muốn biết liệu chính quyền ông Biden có sẵn sàng tái gia nhập CPTPP hay không. Cá nhân tôi cho rằng việc gia nhập CPTPP rất có lợi, vừa gia tăng lợi ích của người lao động và tầng lớp trung lưu Mỹ, vừa thúc đẩy quan hệ đối tác kinh tế tăng cường giữa Mỹ và Việt Nam.
Việc này cũng sẽ có lợi từ góc nhìn địa chính trị, giúp Mỹ tham gia tích cực với các quốc gia châu Á và thúc đẩy hội nhập kinh tế tại đây. Trước mắt, chính quyền Tổng thống Biden sẽ tập trung vào phát triển nền kinh tế nội địa và đối phó với cuộc khủng hoảng vì dịch Covid-19. Tuy nhiên, tôi hy vọng chính quyền Mỹ sẽ xem xét và tham gia trong trung hạn.
Và dù chính quyền Mỹ xem xét gia nhập và cải thiện CPTPP hay tiến hành đàm phán song phương, vẫn sẽ có những cơ hội tuyệt vời để tăng cường quan hệ đối tác kinh tế có lợi cho cả người dân Mỹ và Việt Nam.
Chính quyền Tổng thống Biden cũng sẽ ưu tiên các vấn đề về môi trường và biến đổi khí hậu. Điều đó có thể mang tới cơ hội cho Việt Nam. Việt Nam có tiềm năng đáng kinh ngạc để phát triển lĩnh vực du lịch. Dịch COVID-19 cũng đem đến cơ hội giúp Việt Nam thực hiện chiến lược đó một cách bền vững. Đó là phát triển không quá mức và vẫn giữ được vẻ đẹp tự nhiên vốn có, khiến đất nước trở nên hấp dẫn.
Tuy nhiên, bà Mary Tarnowka cho rằng một số vấn đề dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump vẫn sẽ tiếp tục ở nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, trong đó có cuộc điều tra theo Điều khoản 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974 liên quan đến chính sách định giá tiền tệ của Việt Nam. Theo đó, Bộ Tài chính Mỹ đã gán mác Việt Nam thao túng tiền tệ, yêu cầu Mỹ và Việt Nam tham gia tăng cường cam kết song phương. Bộ Tài chính Mỹ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang thảo luận tích cực về vấn đề này.
Trong một cuộc điều tra khác, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cũng kết luận Việt Nam đã tham gia thao túng giá đồng tiền. Tuy nhiên, họ vẫn chưa đưa ra bất cứ hành động trừng phạt nào. Có một số lo ngại rằng một phần hoặc toàn bộ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ sẽ bị áp thuế. Tuy nhiên, điều đó không xảy ra dưới chính quyền ông Trump.
Chính quyền ông Biden vẫn sẽ quan tâm đến vấn đề này, song có thể có cái nhìn tổng thể hơn về mối quan hệ.
Ngoài ra, cũng có một cuộc điều tra về việc liệu Việt Nam có tham gia nhập khẩu, sử dụng gỗ bất hợp pháp và xuất khẩu sang Mỹ hay không. Vì vậy, Việt Nam cần xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc nhằm ngăn chặn nhập khẩu bất hợp pháp, đồng thời loại bỏ các rào cản để tạo tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu hàng hóa hoặc vật phẩm có giá trị lớn từ Mỹ.
Mary Tarnowka khẳng định nông nghiệp và hàng không là hai lĩnh vực mang đến cơ hội lớn trong việc cải thiện cán cân thương mại. Việt Nam là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ sáu của Mỹ. Tôi cũng hy vọng các giao dịch mua bán máy bay sẽ trở lại sau khi dịch COVID-19 qua đi. Tuy nhiên, ngay cả vào thời điểm hiện tại, cơ hội còn nằm ở việc xây dựng cơ sở hạ tầng hàng không.
“Năng lượng tái tạo và LNG cũng là những lĩnh vực đầy hứa hẹn. Việt Nam đã thúc đẩy các dự án LNG với Tập đoàn ASE và điều này có ý nghĩa rất lớn. Theo tôi được biết, có một số công ty lớn khác của Mỹ mong muốn đầu tư vào Việt Nam và trở thành đối tác thúc đẩy an ninh năng lượng theo hướng sạch và bền vững”, bà Mary Tarnowka nói.
Theo đó, những dự án này không chỉ giúp Việt Nam đảm bảo an ninh năng lượng trong quá trình phát triển kinh tế, mà còn có ích đối với cán cân thương mại giữa Mỹ và Việt Nam. Ngoài ra, mở rộng hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng cũng giúp giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam.
Amcham đang xem xét rất nghiêm túc, cố gắng và hợp tác để thúc đẩy khả năng cạnh tranh toàn cầu của lực lượng lao động Việt Nam. Đây sẽ là một trong những ưu tiên chính của Mỹ trong năm tới.
Mỹ sẽ cố gắng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước tăng cường hội nhập trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều đó sẽ có lợi cho cả các nhà đầu tư từ Mỹ và công ty tại Việt Nam. Và Amcham luôn hướng đến cái nhìn dài hạn để Mỹ và Việt Nam có thể hợp tác bền vững.
Phát triển ở tầm chiến lược
Cafebiz đăng tải đánh giá của Đại sứ Phạm Quang Vinh: Cá nhân ông Biden, từng 8 năm làm Phó Tổng thống dưới thời ông Obama, là thời kỳ có nhiều dấu mốc quan trọng nhất trong quan hệ hai nước: đó là việc thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt - Mỹ; chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đến Mỹ.
Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng quan hệ của Việt-Mỹ đã ở tầm chiến lược
Quan trọng và đáng chú ý là, cá nhân Biden tham gia vào câu chuyện đó, dự cuộc hội đàm của Tổng Bí thư, trực tiếp chủ trì tiệc chiêu đãi trong một chuyến thăm mang tính dấu mốc lịch sử của quan hệ hai nước. Phu nhân của ông, bà Jill Biden cũng đã đến thăm Việt Nam. Đây là một câu chuyện tốt.
Trên bình diện khu vực, việc nước Mỹ thời chính quyền mới tiếp tục chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thì điều này cũng có nhiều mặt thuận, trong đó việc xây dựng một khu vực hòa bình, hợp tác và dựa trên luật lệ như cách tiếp cận trong Tài liệu quan điểm của ASEAN về vấn đề này.
Thứ nhất, đó là nền tảng, các nguyên tắc quan hệ và lợi ích đan xen giữa hai nước.
Thứ hai, nước Mỹ đánh giá cao công cuộc đổi mới, hội nhập và vị thế địa chiến lược của Việt Nam.
Thứ ba, bản thân tân Tổng thống Biden và đội ngũ chính sách nòng cốt, nhiều người hiểu biết Việt Nam.
Thứ tư, chính quyền mới của Mỹ tiếp tục coi trọng hợp tác, gắn kết và tham vấn với khu vực, nhất là ASEAN. Thêm nữa, trong quan hệ sắp tới với Trung Quốc, chính quyền mới ở Mỹ cho thấy, dù vẫn đẩy mạnh cạnh tranh, nhưng sẽ tiếp cận theo cách ổn định chiến lược hơn, điều này giúp giảm bớt rủi ro và có thể tạo ra bối cảnh thuận lợi hơn cho tham vấn, hợp tác chung ở khu vực.
Quan hệ hai nước đang có đà phát triển thuận lợi. Mỗi khi thay đổi chính quyền, cũng sẽ kéo theo việc thay đổi các quan tâm và thứ tự ưu tiên, trong đó chắc chắn sẽ tiếp tục có nhiều cơ hội, nhưng cũng có thể có những khác biệt mới.
Chẳng hạn, khi Mỹ nhấn hơn về giá trị, thì có thể có nhạy cảm về dân chủ nhân quyền, nhưng cũng lại mở ra hợp tác về môi trường, biến đổi khí hậu, năng lượng sạch, hay trong cả vấn đề an ninh nguồn nước Mê Công. Việc nước Mỹ sắp tới trở lại coi trọng hơn đa phương, thì cũng sẽ thuận hơn cho việc tăng cường các kênh tham vấn và vai trò của ASEAN.
Thời kỳ Trump, cũng còn tồn tại vấn đề Mỹ cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ, điều tốt là trước mắt Mỹ chưa làm gì bất lợi, nhưng vấn đề vẫn còn treo ở đó, vậy thì cần phải bàn và tin rằng hai bên có thể giải quyết dứt điểm năm tới khi Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đến thời hạn rà soát lại. Rồi về kinh tế thương mại, liệu nước Mỹ thời Biden, có tìm cách trở lại một dạng nào đó của TPP hay không, mặc dù biết rằng đây vẫn là câu chuyện khó khăn trong nội bộ Mỹ.
Hay câu chuyện về thương mại song phương giữa hai nước, từ sau BTA ký năm 1999, đến thỏa thuận về WTO năm 2006, đến giữa những năm 2000, hai nước bàn về song phương chủ yếu đặt chung trong câu chuyện của TPP. Nay TPP có Mỹ không còn nữa, vậy cũng nên cân nhắc cập nhật khuôn khổ thương mại song phương như thế nào, kể cả khả năng một FTA giữa hai nước, khi mà kinh tế - thương mại giữa hai nước, trong hai thập kỷ qua đã mở rộng và tăng thêm gấp nhiều lần.
“ Nhìn chung, trong cục diện quốc tế và khu vực hiện nay, với thế và lực mới của Việt Nam cùng với đà quan hệ, đây là lúc hai bên tính đến rà soát, mở rộng, sâu sắc hơn nâng tầm quan hệ hai nước. Với cá nhân tôi, quan hệ của hai nước đã ở tầm chiến lược, còn đặt tên là Đối tác chiến lược hay như thế nào là quyết định của hai nước”, Đại sứ Phạm Quang Vinh đánh giá.
Minh Hoa
Xem thêm: Thành công hợp tác kinh tế là là động lực thúc đẩy quan hệ Việt-Mỹ