Nhiều quốc gia tham gia đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao của Việt Nam

Trang Mai 14:59 | 13/03/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 của Việt Nam được đánh giá có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững. Đồng thời hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, bảo đảm chất lượng canh tác bền vững và hiệu quả.

Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế trong việc đảm bảo an ninh lương thực thế giới. Xuất khẩu gạo năm 2023 đạt hơn 4,8 tỷ USD, tăng 17,4% về lượng và 39,4% về giá trị so với năm 2022. Giá gạo xuất khẩu nước ta cũng đang tiếp tục tăng và tiến dần tới nhóm cao nhất thế giới.

Trước những yêu cầu ngày càng cao về chất lượng và đặc biệt là vấn đề bảo vệ môi trường, Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" (gọi tắt là Đề án).

 Đề án 1 triệu ha lúa gạo chất lượng caomở ra triển vọng thúc đẩy ngành hàng lúa gạo bền vững. Ảnh: Báo Đầu tư

Đề án đưa ra mục tiêu giảm 30% chi phí đầu vào, góp phần giảm chi phí sản xuất lúa cho các hộ nông dân khoảng 9.500 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%; góp phần giảm 10% lượng khí nhà kính phát thải.

Để triển khai Đề án, Việt Nam cần huy động các nguồn lực và tiến bộ kỹ thuật, trong đó là sự hợp tác không chỉ về kinh tế, mà còn là những tiến bộ khoa học công nghệ, kinh nghiệm từ các quốc gia, tổ chức trên thế giới. 

Thông tin với báo chí, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thành Nam cho biết Ngân hàng Thế giới (WB) đã nhất trí chọn Đề án là một trong những dự án trọng điểm của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và sẽ dành cho Việt Nam khoản vay 500 triệu USD. 

Bộ cũng làm việc với WB xây dựng và huy động các nguồn vốn viện trợ không hoàn lại và chuẩn bị dự án vốn vay; đang phối hợp với các chuyên gia của Quỹ chuyển đổi tài sản carbon xây dựng hệ thống MRV cho Đề án để làm cơ sở cấp tín chỉ carbon cho sản xuất lúa gạo và trao đổi trên thị trường góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất lúa gạo đồng thời giảm phát thải.

Nguồn tin từ Báo Chính Phủ, Tập đoàn gạo lớn nhất Australia sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là sự quan tâm đến Đề án 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao. 

Cụ thể, chiều 8/3 vừa qua, tại Canberra, Australia, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Paul Serra, Giám đốc điều hành tập đoàn SunRice của Australia. 

SunRice (1950) là Tập đoàn sản xuất, phân phối gạo lớn nhất Australia, chiếm khoảng 90% thị phần gạo quốc gia này. Đến nay, Tập đoàn đã phát triển nhiều hoạt động trong toàn bộ chuỗi sản xuất cung ứng gạo với hơn 30 thương hiệu và hơn 2.000 nhân viên tại 50 quốc gia. Năm 2023, doanh thu Tập đoàn đạt khoảng 1,64 tỷ USD.

Tại cuộc gặp, lãnh đạo SunRice đánh giá cao việc triển khai chương trình 1 triệu ha lúa phát thải thấp, chất lượng cao tại ĐBSCL. Thủ tướng chúc mừng và đánh giá cao các hoạt động hợp tác đầu tư, kinh doanh hiệu quả của SunRice nói chung và tại Việt Nam nói riêng trong thời gian qua.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng đề nghị Tập đoàn trao đổi trực tiếp với Bộ NN&PTNT Việt Nam, tìm kiếm đối tác để nghiên cứu, triển khai các dự án hợp tác cụ thể, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên, nhất là tham gia chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL.

Mới đây, trong chuyến thăm chính thức New Zealand, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Christopher Luxon cùng các doanh nghiệp hàng đầu của New Zealand và thế giới trên nhiều lĩnh vực nhằm tìm hiểu tiềm năng, nhu cầu và khả năng hợp tác đầu tư. 

Sau khi được giới thiệu về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, nhất là các tiềm năng, cơ hội đầu tư tại Việt Nam, lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp New Zealand đã giới thiệu về năng lực và khả năng, nhu cầu, mong muốn, dự định hợp tác đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Liên quan đến một số nội dung phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch, Biolumic (tập đoàn công nghệ sinh học hàng đầu thế giới có trụ sở tại New Zealand) đã đề xuất áp dụng các giải pháp sử dụng ánh sáng để tăng cường năng suất và chất lượng lúa. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết sẵn sàng giới thiệu, kết nối các tập đoàn của New Zealand với các đối tác Việt Nam, như Viện Nghiên cứu lúa ĐBSCL, các các doanh nghiệp hàng đầu… để thực hiện ý tưởng sử dụng công nghệ ánh sáng trong ngành hàng lúa gạo.