Xuất khẩu lúa gạo Việt Nam đứng trước thời cơ lớn

Trang Mai 16:44 | 13/12/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 11 tháng năm nay, xuất khẩu gạo đạt gần 7,8 triệu tấn, tương ứng 4,4 tỷ USD, tăng 16% về lượng và tăng 36% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Bình quân giá gạo xuất khẩu khoảng 569 USD/tấn, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2022.

Thuận lợi từ nhiều phía

Tại Hội thảo "Thị trường lúa gạo toàn cầu và xu hướng thời gian tới" tổ chức sáng 13/12, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng - Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) dự báo trong thời gian tới, sản lượng gạo toàn cầu có thể đạt kỷ lục gần 520 triệu tấn, đồng thời mức tiêu thụ cũng tiến sát 525 triệu tấn.

 Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng - Chế biến và Phát triển thị trường. (Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam)

Trong khi đó, lượng tồn kho toàn cầu giảm, chỉ còn hơn 160 triệu tấn. Ông Hòa nhấn mạnh đây là thời cơ lớn cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

Theo lãnh đạo Cục Chất lượng - Chế biến và Phát triển thị trường, nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước sẽ có nhiều biến động, một số quốc gia dự kiến giảm mua gạo như Brazil, Ai Cập, Ghana…

Tuy nhiên, các bạn hàng lớn của Việt Nam, điển hình như Indonesia dự kiến nhập thêm khoảng 600.000 tấn. Philippines, một đối tác lớn nhất của Việt Nam cũng đã mua khối lượng lớn gạo trong năm 2023.

Tại hội thảo, ông Leocadio Sebastian - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines, người có thời gian dài ở Việt Nam và hiểu về nền nông nghiệp Việt Nam đánh giá, Việt Nam đã có những bước tiến rất dài trong phát triển nông nghiệp. “10 năm trước đến Việt Nam, tôi nói chuyện với Thứ trưởng Lê Quốc Doanh về câu chuyện làm cách nào để phát triển ngành hàng lúa gạo, tăng sức cạnh tranh của lúa gạo Việt Nam. Đến nay, các bạn đã đi được trên một con đường rất xa với rất nhiều thành tựu. Người nông dân, như tôi nhận thấy họ rất hài lòng về công việc trồng lúa, giá gạo tăng, năng suất, chất lượng tốt”, ông Sebastian nhận định. 

 Ông Leocadio Sebastian - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Phillipines. Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Nhận định về tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam, vị Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines cho rằng, việc nước ta thúc đẩy xuất khẩu gạo sẽ gây áp lực lên nền sản xuất. Vì vậy, nhà quản lý cần đưa ra lộ trình rõ ràng thì mới có thể đảm bảo tính bền vững, không gây hại môi trường, cân bằng kinh tế thị trường.

Dự báo về thị trường gạo cuối năm 2023 và nửa đầu năm 2024, ông Lê Thanh Hòa cho rằng tình hình tiếp tục thuận lợi. Tuy nhiên, thị trường lúa gạo thế giới đang chuyển sang xu hướng sản xuất bền vững, tiêu dùng xanh.

Do vậy, ông khuyến cáo các doanh nghiệp đi vào vấn đề chất lượng, thay vì quá quan tâm đến năng suất, sản lượng như thời gian trước đây.

“Yêu cầu tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu ngày càng cao, các nước đang ngày càng nâng cao các biện pháp, rào cản kỹ thuật để hạn chế, kiểm soát hàng nhập khẩu từ nước ngoài”, ông Hòa nói.

Còn theo ông Subramanian, đại diện công ty Ssresource Media (Singapore), thị trường lúa gạo thế giới là sự tổng hợp từ tình hình chính trị và khí hậu. “Về nguồn cung, việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu thì năm 2024 thị trường có những phản ứng có lợi cho lúa gạo Việt Nam”, ông Subramanian chia sẻ.

Tại hội thảo, ông Renzo Moro từ Đại sứ quán Italy tại Việt Nam khẳng định nhu cầu nhập khẩu gạo của Italy đang tăng đều qua các năm.

Theo đại sứ, Italy là nhà sản xuất gạo hàng đầu ở châu Âu, chiếm khoảng 5% tổng sản lượng gạo của khối. Quy mô thị trường gạo Italy dự kiến sẽ tăng từ 2,23 tỷ USD vào năm 2023 lên 2,83 tỷ USD vào năm 2028.

“Tiêu thụ gạo của Italy đã tăng đều đặn trong vài năm qua. Thông qua Hiệp định EVFTA, Italy tăng cường nhập khẩu gạo từ nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Tại quốc gia Nam Âu, chi phí lao động  và đất đai khá cao, gây khó khăn cho việc cạnh tranh về giá với hàng nhập khẩu từ các nước châu Á. Do đó, những sản phẩm đạt đầy đủ chất lượng và có giấy chứng nhận, Italy luôn chào đón”, đại sứ Renzo Moro khẳng định.

Linh động với nhiều mùa vụ giúp Việt Nam vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa tận dụng cơ hội xuất khẩu

Tại Đại hội thành lập Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam ngày 11/12, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan  nhấn mạnh, thành tựu ngành lúa gạo Việt Nam hiện nay khiến thế giới ngả mũ kính phục, bởi từ một đất nước chạy ăn từng bữa, thậm chí độn khoai, độn sắn đã vươn lên thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Trước những cơ hội lớn của ngành lương thực, tại hội thảo, GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia ngành lúa gạo, bày tỏ sự lo ngại về vấn đề biến đổi khí hậu và ảnh hưởng El Nino trong năm 2024. Cùng với đó, động thái của Ấn Độ cũng khiến thị trường gạo toàn cầu trở nên khó đoán định.

Tuy vậy, vị chuyên gia cho rằng giá gạo ngày càng tăng, đây là cơ hội của ngành hàng khi Việt Nam có nhiều giống lúa ngắn ngày, chất lượng và năng suất cao.

Ngoài ra, Việt Nam cũng có nhiều chính sách giúp người nông dân được linh hoạt hơn trong việc lựa chọn đối tượng canh tác. Ví dụ như, các diện tích bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn có thể canh tác tôm xen lúa, đem lại lợi ích gấp 4 lần so với trồng lúa đơn thuần.

Cùng với đó, những công trình thủy lợi đã giúp ngành nông nghiệp Việt Nam có thể đối phó, sống chung với tình hình biến đổi khí hậu.

“Nếu năm 2024, nguồn cung lúa gạo vẫn ít hơn so với nhu cầu thì Việt Nam có thể nâng lên canh tác 4 vụ 1 năm với nhiều loại gạo chất lượng cao, tận dụng được cơ hội xuất khẩu. Gạo từ Việt Nam, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực cho Việt Nam mà còn đủ để chia sẻ cho nhiều quốc gia trên thế giới”, GS Võ Tòng Xuân nói.

Trả lời chất vấn của Đại biểu Lê Thị Song An (đoàn Long An) tại phiên họp 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 15/8 về việc do giá lúa liên tục tăng nên một số địa phương có hiện tượng mua gom lúa gạo ồ ạt, gây mất cân đối cung cầu cục bộ, đẩy giá mặt hàng này lên cao bất hợp lý và cũng là nỗi lo của người tiêu dùng, công nhân khi giá gạo tăng cao, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 3 “biến” lớn: biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng.

Trong điều kiện thế giới thay đổi hàng ngày, hàng giờ, những xung đột, những chính sách của các nước thay đổi liên tục, do đó, tính dự báo có tính ngắn hạn.

Về an ninh lương thực, ông Lê Minh Hoan cho biết, bộ đã có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng cũng đã có công điện chỉ đạo khi nảy sinh vấn đề mất an ninh lương thực, hoặc khi một số quốc gia cấm xuất khẩu gạo làm nảy sinh cơ hội, thời cơ cho chúng ta.

Bộ trưởng đề nghị, trong tình hình như vậy, cần có thái độ bình tĩnh, vì mọi vấn đề đều có thể phát sinh mặt trái nếu không quản lý tốt, nếu chỉ phân tích một khía cạnh, một phía thì sẽ không có được cái nhìn toàn diện. 

Bộ trưởng khẳng định, trong điều kiện hiện nay, nếu không có thiên tai, với tình hình biến đổi khí hậu ổn định như mấy năm qua, chúng ta hoàn toàn có thể đảm bảo tiêu dùng trong nước cũng như sản lượng xuất khẩu.