Nhiều tập đoàn muốn thâu tóm đại gia thịt lợn Dabaco, Chủ tịch Nguyễn Như So nói gì?
Chủ tịch HĐQT tập đoàn Dabaco Nguyễn Như So tiết lộ nhiều tập đoàn lớn, trong đó có Masan muốn thâu tóm 60% thậm chí 80% cổ phần doanh nghiệp chăn nuôi này.
Trong buổi gặp gỡ chuyên gia phân tích của các công ty chứng khoán ngày 15/3 để cập nhật tình hình kinh doanh của Tập đoàn Dabaco, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Như So lần đầu tiết lộ, nhiều tập đoàn lớn nước ngoài, có cả Masan muốn đặt vấn đề hợp tác với doanh nghiệp của mình.
“Tuy nhiên, ông nào cũng muốn nắm 60%, có ông muốn nắm tới 80% nên chưa đến được với nhau. Không ông nào chịu tôi 30%, ông 30%, thiên hạ 40% cả”, Chủ tịch Dabaco nói.
Nói thêm về thông tin này, ông So cho rằng lý do nhiều tập đoàn lớn muốn bắt tay với Dabaco vì doanh nghiệp của ông đứng đầu cả nước về năng suất nuôi lợn. Ngoài ra, nguồn nhân lực của công ty cũng ổn định, có tay nghề cao.
Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Dabaco – Mã DBC) có trụ sở tại Bắc Ninh. Dabaco được biết đến là một đại gia trong lĩnh vực chăn nuôi, giống gia súc, gia cầm và chế biến thực phẩm.
Chủ tịch HĐQT tập đoàn Dabaco Nguyễn Như So
Theo thông tin tự giới thiệu, Dabaco đang hoạt động tại 3 mảng cốt lõi là thực phẩm, nuôi lợn và giống gà. Song song, Công ty có nghề tay trái là bất động sản và mới thêm một nhà máy ép dầu.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, lãnh đạo Dabaco thông tin tổng đàn lợn nái của công ty hiện nay hơn 40.000 con. Mục tiêu trong tương lai sẽ tăng lên 60.000-65.000 con.
Các nhà máy của Dabaco tuân thủ quy trình khép kín với 60.000-70.000 con lợn thịt. Doanh nghiệp này cho biết hiện chỉ đứng sau tập đoàn Thái Lan CP về thịt lợn tại Việt Nam.
Ngoài ra, Dabaco còn có 2 nhà máy giống gà với tổng công suất dự kiến tăng từ 37 triệu lên 60 triệu con giống trong năm 2021. Tổng sản lượng trứng gà cũng dự kiến tăng 5% lên 155 triệu đơn vị.
Ngoài lĩnh vực cốt lõi là chăn nuôi và thực phẩm, Dabaco cũng đang phát triển hai dự án bất động sản tại trung tâm TP Bắc Ninh với tổng doanh thu dự kiến hơn 1.600 tỷ đồng.
Thông tin này rất đáng chú ý với các nhà đầu tư bởi lĩnh vực chăn nuôi lợn gần đây mang lại lợi nhuận rất lớn do giá thịt cao, đàn lợn suy giảm do dịch tả châu Phi. Mặt khác trong bối cảnh hiện nay, các tập đoàn Việt Nam đang rất chú trọng vào khâu chế biến nâng cao chất lượng và giá thành sản phẩm.
Trong năm 2020 vừa qua, Dabaco ghi nhận doanh thu gần 10.400 tỷ đồng (tăng gần 40%) tăng gần 40% so với 2019. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.400 tỷ đồng, tăng tới 360%. Cả hai chỉ tiêu kinh doanh này đều đạt mức cao kỷ lục trong lịch sử doanh nghiệp.
Dabaco là đại gia trong ngành thịt lợn
Tại buổi chia sẻ thông tin, Dabaco cũng cập nhật kết quả kinh doanh 2 tháng đầu năm với doanh thu 2.280 tỷ và lợi nhuận trước thuế 268 tỷ đồng. Như vậy, Dabaco hoàn thành xấp xỉ 30% mục tiêu lợi nhuận hơn 900 tỷ của cả năm 2021 chỉ sau 2 tháng.
Ông Nguyễn Như So cho biết kế hoạch lợi nhuận được xây dựng dựa trên tính toán thận trọng với giá lợn hơi bình quân hơn 50.000 đồng/kg. Tuy, với tình hình giá thực phẩm đang diễn biến có lợi cho tập đoàn khi giá lợn hơi đang ở mức 76.000 đồng/kg, lợi nhuận 2021 của Dabaco hoàn toàn có thể đi xa hơn nhiều con số dự kiến.
Chủ tịch tập đoàn Nguyễn Như So cũng dự báo giá lợn hơi khó xuống dưới mốc 75.000 đồng/kg. Lý do là giá nông sản đang tăng và yếu tố dịch bệnh tiếp tục tác động, chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn đứt gãy nên chi phí chăn nuôi của người nông dân vẫn sẽ ở mức cao.
Thời gian tới, Tập đoàn Dabaco cho biết ưu tiên đẩy mạnh hoàn thành, đưa vào hoạt động các dự án đang xây dựng. Nhà máy thức ăn thủy sản ủy sản Nutreco Hoàn Sơn dự kiến khánh thành ngay trong tháng 3. Các dự án khu chăn nuôi đã được phê duyệt tại Hòa Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa, Bình Phước sẽ được khẩn trương triển khai.
Cổ phiếu DBC của doanh nghiệp này theo đó tăng giá tới 184% trong năm 2020 từ chưa đến 20.000 đồng lên gần 57.000 đồng. Đóng cửa phiên 16/3, DBC giao dịch ở vùng giá 61.800 đồng. Vốn hóa doanh nghiệp tương ứng hơn 6.200 tỷ đồng.
Trong số những thông tin được tiết lộ, ông So chỉ nhắc đến duy nhất một cái tên đang muốn thâu tóm Dabaco đó là tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang. Masan trong vài năm gần đây đầu tư rất mạnh cho mảng chế biến và phân phối thịt với thương hiệu thịt mát Meat Deli.
Tính tới cuối 2020, tổng tài sản của Masan Meatlife tăng thêm 3,2 nghìn tỷ đồng so với đầu năm lên gần 18 nghìn tỷ đồng. Masan Meatlife có 3 công ty con sở hữu trực tiếp, 17 công ty con sở hữu gián tiếp và công ty liên kết. Masan Meatlife nắm giữ 24,9% tổng cổ phần các công ty sở hữu gián tiếp như CTCP Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (Anco), CTCP Việt - Pháp sản xuất thức ăn gia súc (Proconco), hay CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan)...
Gần đây Masan Meatlife mở rộng hoạt động sang thị trường thịt gà thông qua việc góp vốn 51% vào Công ty Cổ phần 3F Việt.
Mảng thịt của Masan tăng trưởng mạnh, gấp vài lần trong 2020, nhờ mở rộng thương hiệu tại 1.606 điểm bán ở cả hai miền Nam Bắc, trên hệ thống VinMart, VinMart+, chuỗi siêu thị Coopmart, BigC, Lotte, Aeon…
Xem thêm: Nhờ giá thịt lợn leo thang, Dabaco chính thức đặt chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận nghìn tỷ
Hà Ly