Masan báo lãi quý III tăng gần 15 lần, mảng bán lẻ là động lực tăng trưởng chính
Theo thông báo kết quả kinh doanh quý III vừa công bố, doanh thu thuần của Masan Group đạt 21.487 tỷ đồng, tăng 6,6% so với quý III/2023.
Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 701 tỷ đồng, gấp 14,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái nhờ sự tăng trưởng của hoạt động kinh doanh, chi phí lãi vay ròng giảm cùng việc không phát sinh chi phí do biến động tỷ giá hối đoái (Masan đã phòng ngừa rủi ro 100% khoản vay USD dài hạn từ đầu năm).
Trong đó, Masan Consumer (Mã: MCH) đạt mức tăng trưởng doanh thu hơn 10% so với cùng kỳ, đạt 7.987 tỷ đồng trong quý III.
MCH ghi nhận biên lợi nhuận gộp ở mức cao là 46,8%, cao hơn 20 điểm cơ bản so với qúy III/2023 nhờ triển khai chiến lược cao cấp hóa trong ngành hàng gia vị và thực phẩm tiện lợi.
EBITDA đạt 4.233 tỷ đồng trong quý III, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái, được thúc đẩy bởi đà tăng trưởng lợi nhuận tích cực của tất cả các mảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ.
Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ (lợi nhuận ròng) đạt 701 tỷ đồng trong quý III, gấp 14,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái nhờ sự tăng trưởng của hoạt động kinh doanh và chi phí lãi vay ròng giảm cùng việc không phát sinh chi phí do biến động tỷ giá hối đoái.
WinCommerce (WCM) ghi nhận doanh thu tăng trưởng 9% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý III, đạt 8.603 tỷ đồng trên toàn mạng lưới, được đóng góp chủ yếu bởi các mô hình cửa hàng mới WIN (phục vụ người mua sắm ở thành thị) và WinMart+ Rural (phục vụ cho người mua sắm ở nông thôn), đạt mức tăng trưởng tương đương so với cùng kỳ lần lượt là 12,5% và 11,5%.
Mô hình cửa hàng truyền thống đạt tăng trưởng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của WinCommerce đạt con số dương là 20 tỷ đồng trong quý III, lần đầu tiên đơn vị này có lãi kể từ thời kỳ Covid 19.
Masan MEATLife (MML) ghi nhận doanh thu mảng thịt bao gồm thịt lợn tươi, thịt gà và thịt chế biến tăng gần 14% so với cùng kỳ trong khi doanh thu mảng trang trại giảm 28% do công ty triển khai chiến lược tái cấu trúc mảng gà trang trại và tập trung hơn vào chuỗi giá trị ở hạ nguồn. Nhờ đó, doanh thu của MML tăng nhẹ gần 2% so với cùng kỳ lên 1.936 tỷ đồng trong quý.
EBIT của Masan High-Tech Materials (MHT) trong quý III giảm 117 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái do nhu cầu thị trường thấp hơn, hoạt động doanh nghiệp bị gián đoạn do cơn bão Yagi và kế hoạch bảo trì nhà máy trong bối cảnh được thuận lợi về giá bán trên thị trường. Còn doanh thu đơn vị này ghi nhận tăng gần 4% lên 3.727 tỷ.
Doanh thu thuần của Phúc Long Heritage tăng 12,8% so với cùng kỳ năm ngoái lên 425 tỷ đồng trong quý, chủ yếu nhờ đóng góp từ 21 cửa hàng mới ngoài WinCommerce được mở trong cùng quý. Phúc Long hiện vận hành 174 cửa hàng trên toàn quốc.
Luỹ kế 9 tháng, Masan đạt 2.726 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế và 1.308 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ (tăng 255% so với cùng kỳ). Tập đoàn đã hoàn thành 131% kế hoạch lợi nhuận kịch bản cơ sở được cổ đông phê duyệt vào đầu năm.
"Tôi tin rằng Masan sẽ tiến gần đến kế hoạch lợi nhuận sau thuế theo kịch bản tích cực là 2.000 tỷ đồng. Chúng tôi đã và đang tập trung kết hợp toàn bộ nền tảng tiêu dùng bán lẻ của mình, hướng đến mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận hợp nhất hai chữ số cho năm 2025", ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan nêu trong thông báo.
Về tình hình tài chính, công ty có tổng tài sản hơn 154.000 tỷ tính đến cuối quý III, tăng gần 5% so với đầu năm. Tiền và các khoản tương đương tiền còn hơn 16.000 tỷ. Nợ vay giảm nhẹ 5,5%, xuống còn 65.739 tỷ đồng.
Trong kế hoạch quý IV, Masan cho biết sẽ tiếp tục cải thiện kết quả kinh doanh với kỳ vọng tiến gần đến kế hoạch lợi nhuận kịch bản tích cực của năm 2024 nhờ tập trung vào trọng tâm là mảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ cốt lõi; Giảm nợ để cải thiện bảng cân đối kế toán và giảm chi phí tài chính; Giảm sở hữu ở các lĩnh vực kinh doanh ngoài ngành trong khi vẫn duy trì chiến lược phân bổ vốn chặt chẽ...