Nhiều thương hiệu nổi tiếng thất thế trước sự trỗi dậy của công nghệ

22:02 | 05/03/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Theo Bloomberg, hàng loạt thương hiệu nổi tiếng thế giới đang bị tác động tiêu cực bởi sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghệ, cụ thể là thương mại điện tử, các dịch vụ chia sẻ hay truyền thông xã hội.

Nhiều thương hiệu nổi tiếng thất thế trước sự trỗi dậy của công nghệ - ảnh 1
Thương hiệu thời trang Thuỵ Điển H&M đang thất thế trước các đối thủ nhanh nhạy hơn với xu hướng trực tuyến. Nguồn: Bloomberg. 
1. Hãng dịch vụ marketing và quảng cáo hàng đầu thế giới WPP Plc.

Trong một năm qua, vốn hoá của hãng quảng cáo lớn nhất thế giới này đã "bốc hơi" 1/3, xuống chỉ còn 11,5 tỷ USD. Điều này khiến các nhà đầu tư choáng váng khi đưa ra cảnh báo lần thứ 3 trong vòng một năm về doanh thu thấp hơn dự báo, đẩy giá cổ phiếu xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8/2017. Doanh thu của WPP được dự báo sẽ không tăng trưởng trong năm 2018.

Nhiều thương hiệu nổi tiếng thất thế trước sự trỗi dậy của công nghệ - ảnh 2
Năm 2017, doanh thu của công ty này liên tiếp không đạt mức dự báo. Nguồn: Bloomberg.
Đi lên từ con số không và phát triển qua hơn 3 thập kỷ thông qua hàng loạt thương vụ thâu tóm, WPP đã trở thành một đế chế thống trị ngành quảng cáo thế giới. Tuy nhiên, thế giới giờ đây đã thay đổi đáng kể so với 30 năm trước.

Ngành công nghiệp này bắt đầu chứng kiến sự thoái lui của nhiều khách hàng lớn trong bối cảnh cạnh tranh trực tuyến đang dần "rút kiệt" mảng kinh doanh cốt lõi của họ. Unilever Plc, gã khổng lồ về hàng tiêu dùng toàn cầu và cũng là khách hàng lớn của WPP đang dần rút về các chiến dịch quảng cáo tốn kém nhằm giảm chi phí.

2. Thương hiệu thời trang H&M

Hãng thời trang Thuỵ Điển Hennes & Mauritz AB (H&M) từng thành công với công thức tăng trưởng trong ngành thời trang "ăn liền" - liên tục mở các cửa hàng mới với tốc độ cao, phủ khắp các trung tâm thành phố và trung tâm mua sắm trên thế giới với những chiếc quần Jeans giá 20 USD hay áo phông giá 5 USD.

Nhiều thương hiệu nổi tiếng thất thế trước sự trỗi dậy của công nghệ - ảnh 3
Tỷ lệ cửa hàng đóng cửa so với mở mới của H&M ngày càng tăng, từ gần 20% năm 2017 lên hơn 40% năm 2018. Nguồn: Bloomberg. 
Tuy nhiên, các hãng thương mại điện tử như Amazon, Zara, cùng với hàng loạt chuỗi cửa hàng giảm giá như Primark của Associated British Foods Plc đã chiếm lĩnh thị trường của H&M.

Trong năm 2017, cổ phiếu của H&M giảm 33% khi công ty phải vật lộn để theo kịp xu hướng với các khoản đầu tư lớn vào thương mại điện tử và mô hình cửa hàng mới.

Cuối tháng 1 vừa qua, cổ phiếu này chứng kiến đợt giảm mạnh nữa khi H&M hãm lại chiến lược trên và bắt đầu đóng bớt các cửa hàng. Các quỹ đầu cơ liên tiếp bán tháo cổ phiếu này và cho rằng tình hình có thể sẽ còn tồi tệ hơn nữa.

3. Hãng cho thuê xe Hertz Global Holdings

Hertz với gần 10.000 điểm cho thuê xe trên toàn thế giới đang chịu ảnh hưởng lớn trước sự trỗi dậy của các loại hình chia sẻ phương tiện trên nền tảng công nghệ mới. Các dịch vụ gọi xe như Uber và Lyft dần thu hút ngày càng nhiều khách hàng tại các điểm sân bay – địa bàn mà Hertz và nhiều đối thủ từng có lượng đơn thuê xe khổng lồ.

Nhiều thương hiệu nổi tiếng thất thế trước sự trỗi dậy của công nghệ - ảnh 4
Doanh thu cho thuê xe của Herzt ngày càng giảm khi hành khách có thêm nhiều lựa chọn di chuyển khác nhau. Nguồn: Bloomberg. 
Cổ phiếu Hertz đã sụt 20% trong năm 2017 và quý 4/2017, hãng này ghi nhận khoản lỗ nặng hơn so với dự báo của giới phân tích.

Sự bùng nổ của dịch vụ gọi xe đẩy Hertz rơi vào thời kỳ đen tối nhất. Cựu CEO John Tague của hãng này đã phải bổ sung thêm đội xe để giành lại thị phần. Tuy nhiên, khi mà hành khách ngày càng chuyển sang dùng các dịch vụ gọi xe như Uber nhiều hơn, Hertz càng gặp khó khăn hơn trong hoạt động kinh doanh cũng như giữ cho giá cổ phiếu ổn định.

Nhiều cổ đông của Hertz lo sợ rằng sự suy giảm trong hoạt động cho thuê xe mới chỉ là điểm khởi đầu. Hertz cùng với các đối thủ có thể sẽ bị các startup gọi xe ứng dụng công nghệ "hất cẳng" ra khỏi thị trường.

Dù vậy, hi vọng cho Hertz vẫn còn. Năm ngoái, cổ phiếu này có được cú hích lớn khi Bloomberg đưa tin về việc Hertz đang phát triển một đội xe tự lái cho Apple.

4. Xerox và Fujifilm

Sự thống trị của email cùng các phương tiện giao tiếp điện tử khác đồng nghĩa với việc các công ty in ấn và photocopy đang chết dần. Đó là một trong những nguyên nhân đằng sau thương vụ công ty Fujifilm Holdings Corp Nhật thâu tóm cổ phần của hãng máy in-photocopy biểu tượng của Mỹ - Xerox trong liên doanh Fuji Xerox với giá  6,1 tỷ USD.

Việc kết hợp hai công ty nhằm cắt giảm chi phí và có được lợi thế về quy mô trong bối cảnh nhu cầu máy in-photocopy văn phòng xuống thấp chưa từng thấy.

Theo Gartner, từ năm 2016 đến 2021, số lượng máy in và máy photocopy giao toàn cầu được dự báo sẽ giảm 2,3%. Năm ngoái, doanh thu của mảng này của Fujifilm đã giảm hơn 7%.

Xerox và Fujifilm đang phải tập trung vào các dịch vụ quản lý in và hình ảnh y tế; mở rộng ra lĩnh vực y tế với hi vọng có thể thúc đẩy doanh thu nhờ nhu cầu các sản phẩm như siêu âm và nội soi.