Nhiều ứng dụng gọi xe ‘made in Vietnam’ bước vào cuộc đua với Grab
Theo kế hoạch, tháng 5/2018, một hệ thống nhận diện và thương hiệu mới là VATO sẽ chính thức ra mắt tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, quyết định rút lui của Uber tại Đông Nam Á nói chung, Việt Nam nói riêng đã thúc đẩy ứng dụng này ra mắt sớm hơn dự kiến.
Ứng dụng này tiền thân là ứng dụng Vivu, sau khi được hãng xe khách Phương Trang đầu tư 100 triệu USD và đổi tên thành VATO. Đây sẽ không chỉ là ứng dụng gọi xe mà tích hợp nhiều chức năng đi kèm, tạo thành một hệ sinh thái các ứng dụng, bao gồm thanh toán, gọi điện thoại, vận tải, giao hàng... Để thu hút người dùng, cũng như Uber và Grab những ngày đầu ra mắt, VATO sẽ dốc tiền cho các hoạt động khuyến mãi, dành cho hành khách lẫn tài xế.
Ngày 31/3 vừa qua, Công ty Cổ phần Công nghệ Go-ixe miền Nam cũng đã cho ra mắt ứng dụng công nghệ gọi xe Go-ixe, được lập trình bởi kỹ sư trẻ Hàng Bá Trí. Công nghệ gọi xe này mang nhiều điểm ưu việt so với các ứng dụng khác đang triển khai tại thị trường Việt Nam, nhất là các ứng dụng có nguồn gốc từ nước ngoài.
Giống như các ứng dụng khác, người sử dụng chỉ cần cài đặt phần mềm ứng dụng này trên nền tảng Android và iOS là có thể gọi bất kỳ loại hình dịch vụ chuyên chở nào từ Go-ixe mà không phải lo về giá vì giá tiền mỗi cuốc xe hiển thị ngay trên ứng dụng. Go-ixe hiển thị thông tin chi tiết về chuyến đi, làm cho khách hàng yên tâm sử dụng dịch vụ, có thể phản hồi đánh giá về tài xế giúp cho Go-ixe sàng lọc tạo ra một đội ngũ tài xế chất lượng và uy tín…
Hiện nay, Go-ixe đưa vào sử dụng các dịch vụ Go-taxi, Go-car, Go-bike và Go-travel tại các tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn, Thanh Hóa và Thành phố Hồ Chí Minh. Cùng với đó Go-ixe đang tiếp tục thử nghiệm và phát triển các dịch vụ: Go-air (vé máy bay), Go-truck (xe tải), Go-express (giao hàng), Go-everything, Go-pay (thanh toán), Go-food (đồ ăn), Go-rent (thuê xe) và Go-bus (xe buýt).
Một ứng dụng đặt xe nữa của Việt Nam là 123Xe, một sản phẩm của công ty trực thuộc VNG. Ứng dụng này cho phép người dùng đi xe đường dài theo yêu cầu của mình như đi chung xe hay thuê cả xe 45 chỗ. Về cơ bản dịch vụ này cao cấp hơn hẳn việc khách hàng mua vé xe khách qua các dịch vụ vé xe tuy nhiên chính điều này lại làm giảm sức hấp dẫn đối với những khách hàng cá nhân muốn chọn giải pháp di chuyển có chi phí phù hợp.
Lúc này chưa có thông tin gì về 123Xe có mở rộng hoạt động của mình sang vận chuyển nội thành không tuy nhiên với chiến lược phát triển về nông thôn, đây sẽ là một ứng dụng có tiềm năng trong thời gian sắp tới.
Một ứng dụng “made in Vietnam” khác là T.net cũng đang đẩy mạnh quảng bá rầm rộ những ngày qua. Liên tiếp từ cuối tháng 3, T.net tổ chức diễu hành tại nhiều tuyến phố tại Hà Nội, để người tiêu dùng nhận diện.
T.net vốn là một ứng dụng được phát triển bởi thầy trò Đại học FPT. Ứng dụng này đang tung ra nhiều chính sách chiêu mộ tài xế cũng như thu hút khách hàng. Theo thông tin hãng này tung ra, tài xế sẽ được thưởng 1 triệu khi giới thiệu thành công 100 hành khách trước ngày 30/4, thưởng 10.000 đồng/hành khách hoàn thành chuyến đi.
Một đối thủ lớn nữa của Grab chính là Mai Linh Bike cũng đã bắt đầu tăng tốc trong cuộc đua khốc liệt này. Thông tin từ hãng này cho biết, trong tuần qua đã có hàng trăm đối tác đến đầu quân. Mai Linh đã phải mở các lớp đào tạo cho lái xe vào cả thứ 7 và chủ nhật mới đáp ứng kịp số lượng tăng mạnh của tài xế.
Hiện Mai Linh Bike vẫn áp dụng mức chiết khấu 17% cho tài xế, miễn chiết khấu 2 tháng đầu tiên cho những người gia nhập mới. Giá cước Mai Linh Bike phổ thông được tính mức 11.000 đồng cho 2 km đầu. Từ km thứ 3 tính giá 3.700 đồng/km, không tính cước thời gian.
Như vậy, sự xuất hiện của các ứng dụng gọi xe công nghệ khác đã phần nào góp phần làm giảm đi lo lắng của các tài xế và khách hàng về sự độc quyền của Grab trên thị trường. Người dùng sẽ có nhiều lựa chọn hơn khi sử dụng dịch vụ của các hãng khác nhau.