Nhiều ý kiến trái chiều quanh nhận định phim “Người phán xử” làm gia tăng tội phạm xã hội đen

15:25 | 16/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trước ý kiến của Thiếu tướng Lê Tấn Tới, nhiều người trong giới cho rằng đây là nhận định mang tính chủ quan bởi phim thể loại tội phạm, hành động tương tự như "Người phán xử" đã xuất hiện từ lâu trong các nền điện ảnh khác của khu vực lẫn thế giới.

Mới đây, tại phiên thảo luận về dự án luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, thiếu tướng Lê Tấn Tới đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định cấm phim có tình tiết cổ xúy cho hành vi vi phạm pháp luật như: Phạm tội nhưng không bị xử lý; phản ánh quá chân thực, chi tiết về sự tự chuyển biến, tự chuyển hóa, làm người xem nhận thức sai và có thể bắt chước, làm theo.

Đáng chú ý, Thiếu tướng Lê Tấn Tới dẫn chứng bộ phim “Người phán xử” được chiếu trên VTV. “Sau khi VTV chiếu phim “Người phán xử” thì tình hình các băng ổ nhóm tội phạm "xã hội đen" xảy ra rất nhiều. Đất nước chúng ta quản lý xã hội bằng pháp luật, nhưng trong phim thì pháp luật không giải quyết được, mà đưa cho ông trùm làm người phán xử, kể cả phán xử lực lượng công an. Phán xử tất cả. Mà phim đó chiếu trên giờ vàng thì ai chịu trách nhiệm về vấn đề này?".

Cần có con số chứng minh

Trước nhận định của Thiếu tướng Lê Tấn Tới, nhiều người trong giới cho rằng đây là nhận định mang tính chủ quan bởi phim thể loại tội phạm, hành động tương tự như "Người phán xử" đã xuất hiện từ lâu trong các nền điện ảnh khác của khu vực lẫn thế giới. Phim truyền hình Việt cũng không thiếu thể loại về tội phạm, về thế giới ngầm.

Một thời gian dài, các phim xã hội đen của Hồng Kông cũng được chiếu khắp các đài Việt. Hiện nay, khán giả có thể xem vô số phim với đủ thể loại ở khu vực lẫn thế giới.

"Ở Mỹ và các nước khác theo tôi biết thì tội phạm tăng khi nền kinh tế bị suy sụp và người dân thất nghiệp. Điển hình cụ thể năm nay do Covid-19 gây ra. Nhưng ở Việt Nam thì khác với các nước trên thế giới một cách ngược đời ghê, chỉ có coi xi-nê mới làm tăng tội phạm" – đạo diễn Charlie Nguyễn viết trên trang cá nhân.

Cũng chia sẻ về vấn đề này với VOV, Nhà báo Việt Văn, Ủy viên Hội đồng duyệt phim quốc gia cho rằng, cần phải rất thận trọng khi đưa ra ý kiến cho rằng sau phim “Người phán xử”, tỷ lệ tội phạm tăng lên vì phải có những con số xác thực để chứng minh điều đó, ví dụ trước khi phim “Người phán xử” được chiếu thì tỷ lệ tội phạm cụ thể như thế nào, sau đó tỷ lệ tội phạm tăng lên bao nhiêu… Phải có khảo sát dựa trên thực tế thì mới khẳng định được vì phim đo mà tăng số lượng tội phạm. Tội phạm bị bắt có khai là vì bắt chước phim “Người phán xử” hay không?

Nhà báo Việt Văn cho rằng, “Người phán xử” có kịch bản nước ngoài, là phim “remake”, thành ra phải đảm bảo một số yếu tố nguyên tác, không thể hoàn toàn Việt hóa 100%. Phim cũng có khá nhiều cảnh bạo lực. Ngôn ngữ đường phố nhiều. Không giống như phim điện ảnh, phim truyền hình không dán mác giới hạn độ tuổi. Phim truyền hình dành cho đối tượng chung, cả trẻ em, người già… vì thế cũng nên hết sức thận trọng, hạn chế bạo lực.

"Tác động phim ảnh đến hành vi của người xem rất lớn, vì phim ảnh là loại hình nghệ thuật phổ biến, đại chúng và có sức ảnh hưởng rất mạnh đối với tâm lý, tình cảm, suy nghĩ và hành động của người xem. Nếu như phim chiếu rạp có sự phân định độ tuổi khán giả thì phim truyền hình cho đại chúng xem cần phải cân nhắc kỹ, có thể có cảnh báo không làm theo phim", nhà báo Việt Văn nêu ý kiến.

Phim phản ánh thực tế xã hội là cần thiết

Theo chuyên gia giáo dục, TS Vũ Việt Anh cho rằng việc sản xuất những bộ phim phản ánh thực tế xã hội là cần thiết để công chúng có thể thấy rõ được những góc khuất, những vấn đề nổi cộm.

"Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho phim ảnh. Việc sản xuất những bộ phim phản ánh thực tế xã hội, phục vụ đa dạng nhu cầu của khán giả là điều cần thiết. Dĩ nhiên những phim này phải phù hợp với quy định pháp luật và thuần phong mỹ tục của người Việt.

Việc một bộ phim có thể gây ảnh hưởng tốt hoặc xấu đến xã hội là hoàn toàn có thể xảy ra. Nhiều khi nằm ngoài sự chủ ý của đạo diễn. Các nhà khoa học giáo dục cũng đã nghiên cứu các ảnh hưởng khác đến xã hội như bắt chước hành vi, xu hướng trở nên bạo lực hơn, sống trong thế giới ảo tưởng...”.

TS Vũ Việt Anh cho rằng không thể phủ nhận những ảnh hưởng tích cực của phim ảnh đối với con người. Như truyền cảm hứng từ lối sống tốt đẹp, thúc đẩy hành động, sống tử tế và mạnh mẽ hơn. Trong nghiên cứu của Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, điểm nổi bật mà các bạn trẻ học được qua phim ảnh là ý chí vươn lên (18,5%), cách thể hiện tình yêu lãng mạn (56,2%), cách sống tự lập (39%), sự say mê trong công việc (23,4%), cách giữ tôn ti trật tự tại gia đình, công sở (20,5%) và sự nhẫn nại, chịu đựng (22,5%).

Đạo diễn, NSND Nguyễn Hữu Phần đề xuất các nhà làm phim cần có sự cân nhắc mức độ phản ánh hiện thực trong tác phẩm cũng như cần có sự quản lý, kiểm duyệt kĩ lưỡng, phân loại các bộ phim và khung giờ phát sóng phù hợp: “Để hạn chế khán giả nhỏ tuổi, ở nước ngoài, ngay cả phim phát sóng trên truyền hình người ta cũng có những khung giờ khác nhau. Ví dụ, trẻ dưới 13 tuổi thì không được xem phim thể loại này, trẻ dưới 16 tuổi thì không được xem phim kia. Phim dành cho khán giả lớn tuổi có thể chiếu sau 10h đêm…” 

 

"Người phán xử" là bộ phim hình sự dài 46 tập do bộ 3 đạo diễn Nguyễn Mai Hiền, Nguyễn Khải Anh, Nguyễn Danh Dũng cầm trịch. Phim công chiếu giờ vàng trên sóng truyền hình quốc gia vào tháng 3/2017.

Kịch bản phim được Việt hóa từ bộ phim cùng tên của nền điện ảnh truyền hình Israel, khai thác bức tranh đa chiều về đời sống, suy nghĩ, tình cảm, các mối quan hệ phức tạp và cuộc chiến giành quyền lực trong giới giang hồ hiện đại.

Tại giải thưởng Ấn tượng VTV 2017, phim "Người phán xử" đã giành được giải thưởng ở 2 hạng mục danh giá là giải Phim truyền hình ấn tượng và Diễn viên nam ấn tượng (NSND Hoàng Dũng).

Hà Lan

ĐỌC NHIỀU