Trong khuôn khổ chuyến công tác dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ, tại buổi gặp cộng đồng doanh nghiệp Mỹ do Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN (USABC) và Phòng Thương mại Mỹ (USCC) tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định Mỹ luôn là một trong những đối tác lớn nhất về đầu tư của Việt Nam và hợp tác kinh tế song phương vẫn nhiều dư địa phát triển.
Để minh chứng cho điều này, Lãnh đạo Chính phủ nêu ra nhiều con số tích cực: suốt 27 năm bình thường hóa quan hệ, tăng trưởng thương mại Việt - Mỹ đạt 17-20% mỗi năm; qua đó đưa Việt Nam thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Mỹ trên toàn cầu, đối tác lớn nhất của Mỹ tại ASEAN.
Thực tế, thương mại song phương Việt Nam – Mỹ đã có sự tăng trưởng vượt bậc trong 26 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đồng thời vẫn đang tiếp tục duy trì tiềm năng tăng trưởng đột phát trong tương lai.
Năm đầu tiên sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, tức năm 1996, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước chỉ đạt 450 triệu USD, tới năm 2021, con số này đã đạt 111,56 tỷ USD, tăng gấp 248 lần. Trong lịch sử ngoại thương của Việt Nam, Mỹ là đối tác thương mại thứ hai đạt được mốc kim ngạch thương mại song phương trên 100 tỷ USD (sau Trung Quốc).
Về kim ngạch xuất khẩu, năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 96,29 tỷ USD, tăng 24,9% so với năm 2020. Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam khi chiếm đến 28,6% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong suốt 26 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam đều là nước xuất siêu sang Mỹ với giá trị tăng dần qua các năm.
Cũng trong năm ngoái, có tới 13 nhóm hàng xuất khẩu sang Mỹ đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 3 nhóm đạt hơn 10 tỷ USD gồm máy móc, thiết bị với 17,82 tỷ USD, dệt may đạt 16,1 tỷ USD, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 12,76 tỷ USD.
Các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam cũng rất được ưa chuộng tại Mỹ với nhiều mặt hàng lọt nhóm “tỷ USD” như gỗ và sản phẩm gỗ (8,77 tỷ USD), thủy sản (hơn 2 tỷ USD), hạt điều (hơn 1 tỷ USD).
Sang 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 36,2 tỷ USD, tăng trưởng 21% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, có 6 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD gồm máy móc, thiết bị (6 tỷ USD), hàng dệt may (5,97 tỷ USD), máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (4,47 tỷ USD), điện thoại, linh kiện (4,19 tỷ USD), gỗ, sản phẩm gỗ (3,34 tỷ USD), và hàng giày dép các loại (3,16 tỷ USD).
Về kim ngạch nhập khẩu, năm 2021 Việt Nam chi 15,27 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ, tăng 11,4% so với năm 2020 và chiếm 4,6% kim ngạch cả nước. Trong đó có 2 nhóm hàng nhập khẩu với kim ngạch 1 tỷ USD trở lên là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 4,79 tỷ USD, bông 1,17 tỷ USD.
Còn tới 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 4,6 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó mới chỉ có mặt hàng máy móc, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt trên 1 tỷ USD (1,28 tỷ USD).
Nhiều ngành hàng của Việt Nam đã tìm được vị thế của mình, góp phần đưa Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với các nhóm hàng xuất khẩu đa dạng từ hàng nông sản, thủy sản, lâm sản đến những hàng hóa công nghệ cao như điện thoại, máy tính, máy móc… Trong đó, đặc biệt là bước phát triển vượt bậc của ngành dệt may.
Cách đây ít năm, ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - Vinatex (giai đoạn 1999 - 2010), từng ví von việc xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vào Mỹ là “giấc mơ thành hiện thực” để nói vể câu chuyện không dễ dàng trong việc tạo dựng thương hiệu tại Mỹ.
Bắt đầu từ cuối năm 2001, cuộc triển lãm đầu tiên của hàng dệt may Việt Nam và lễ ra mắt Văn phòng Đại diện thương mại của Vinatex tại New York đã được tổ chức. Khi đó, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam vào Mỹ mới chỉ đạt 47 triệu USD, xếp thứ 67 trong các quốc gia, vùng lãnh thổ xuất khẩu dệt may vào thị trường này. Và tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam năm 2001 cũng chỉ đạt chưa đầy 2 tỷ USD, trong khi Thái Lan đạt trên 6 tỷ USD và Indonesia đã đạt trên 8 tỷ USD.
Đến đầu năm 2002, nhờ các tác động tích cực của Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) với việc cho các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam hưởng biểu thuế ưu đãi tương đương với các quốc gia khác, một số công ty lớn như Limited Brand, Mast Industries và Target đã quyết định mở văn phòng đại diện của họ tại Việt Nam và bắt đầu đưa đơn hàng về đây. Ngay trong năm 2002, xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vào Mỹ đã đạt 957 triệu USD (gấp 20 lần năm 2001).
Sau khi cơ chế giám sát với hàng dệt may Việt Nam được phía Mỹ bãi bỏ vào giữa năm 2009, từ năm 2010 trở đi, ngành hàng này mới thực sự được đối xử bình đẳng như các thành viên khác trong WTO khi xuất khẩu vào Mỹ. Nhờ vậy, hàng năm, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ngành này lên tới hai con số. Đến năm 2019, xuất khẩu dệt may Việt Nam vào Mỹ đã đạt trên 15 tỷ USD, trở thành nước xuất khẩu dệt may vào Mỹ lớn thứ 2 trên thế giới sau Trung Quốc.
Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nhóm hàng dệt may với thị phần khoảng 50% kim ngạch xuất khẩu dệt may của cả nước. Đơn cử như năm 2021, xuất khẩu dệt may sang Mỹ đạt hơn 16 tỷ USD, tăng trưởng 7%, chiếm 49,2%.
Tới 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hàng dệt may đạt gần 6 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ, tương đương 37,5% kim ngạch xuất khẩu của năm trước.