Sau 12 năm xây dựng bắt đầu từ những ứng dụng trên điện thoại đen trắng, MoMo đã trở thành kỳ lân với mức định giá 2 tỷ USD.

Thời điểm hiện tại, thanh toán không tiếp xúc thông qua ví điện tử không còn là một điều quá mới mẻ. Theo một khảo sát của Visa vào năm ngoái, có tới 57% người tiêu dùng có từ 3 ví điện tử trở lên trong điện thoại. Tiến tới 2030, Visa dự đoán phần lớn người dân Việt Nam sẽ chuyển đổi sang các hình thức thanh toán kỹ thuật số và nói không với tiền mặt.

Tuy nhiên, vào thời điểm cách đây hơn 10 năm thì ví điện tử vẫn còn là một khái niệm tương đối xa lạ với người Việt Nam. Thói quen sử dụng, thanh toán tiền mặt vẫn tương đối phổ biến.

Cuộc hành trình của MoMo, ví điện tử có lượng người dùng hàng đầu Việt Nam thời điểm hiện tại cũng bắt đầu từ thời điểm ấy, cụ thể là vào năm 2010. Tính tới thời điểm đầu năm 2022, ví điện tử MoMo ghi nhận mốc 31 triệu người dùng và tiếp tục hướng tới mục tiêu đặt ra ở vòng gọi vốn Series D. Lượng người dùng cũng tăng mạnh trong giai đoạn đại dịch. 

 Tính đầu năm 2022, ví điện tử MoMo ghi nhận mốc 31 triệu người dùng  

Từ những phiên bản đầu tiên dung lượng chỉ vài chục kB...

Thời điểm công bố gọi vòng gọi vốn Series D đầu năm 2021 được tổ chức tại khách sạn Melia, Hà Nội, dàn lãnh đạo MoMo đã xúc động nhớ lại thời điểm cách đó hơn 10 năm, khi MoMo tuyên bố trở thành đơn vị đầu tiên tại Việt Nam cung cấp dịch vụ ví điện tử trên di động.

Ban đầu, đối tượng mục tiêu của Momo là hơn 20 triệu thuê bao Vinaphone thông qua ứng dụng được tích hợp trên sim. Với hạ tầng công nghệ của thời điểm ấy, MoMo chỉ tốn vài chục KB dung lượng trên mỗi chiếc điện thoại.

Những phiên bản ứng dụng đầu tiên của MoMo sở hữu tính năng tương đối hạn chế so với hiện tại. Ứng dụng cho phép người dùng chuyển tiền, nạp tiền điện thoại và nạp thẻ game thông qua sim điện thoại.

Đương nhiên với một ứng dụng chỉ nặng vài chục KB cộng với thời điểm smartphone chưa bùng nổ, những khó khăn bắt đầu xuất hiện. Chẳng hạn: chỉ có giao diện đen trắng, chỉ thích ứng trên mạng di động Vinaphone và đặc biệt là mỗi lần cập nhật ứng dụng phải thay mới thẻ Sim, tốn rất nhiều thời gian. Đây là những rào cản lớn cho một ứng dụng công nghệ ở thời điểm những năm đầu thập niên 2010. 

Sau lần đầu tiên thất bại, MoMo dần chuyển dịch sang xu hướng làm app trên smartphone và đã đưa sản phẩm lên kho ứng dụng của Apple và Goole vào tháng 6/2014 - cùng thời điểm thị trường điện thoại thông minh bắt đầu bùng nổ tại Việt Nam. Là ví điện tử nội địa đầu tiên "lên app", đây có thể coi là bước ngoặt với Momo trong hành trình vươn lên thành kỳ lân công nghệ.

Mô hình mà MoMo theo đuổi là Mobile Money, từng triển khai ở nhiều quốc gia trong khu vực (Philippines bắt đầu triển khai từ năm 2001). Momo tham vọng việc giảm chi phí chuyển tiền sẽ kích thích gia tăng lượng chuyển tiền của toàn xã hội, qua đó giúp tiền được luân chuyển nhanh hơn.

Ở thời điểm 2014, mô hình Mobile Money được đánh giá là thành công nhất là trên thế giới M-Pesa của Kenya. Lúc đó, M-Pesa đã có 17 triệu người dùng, tương đương 2/3 dân số của đất nước Kenya. Lượng giao dịch hàng năm thông qua M-Pesa tương đương tới 25% GDP quốc gia này.

Khi MoMo bước đầu triển khai ứng dụng di động ví điện tử thành công đồng nghĩa với việc kéo theo nhiều đối thủ cạnh tranh. Và trên thực tế cho tới thời điểm hiện tại, lượng ví điện tử tại Việt Nam liên tục tăng, nhất là vào giai đoạn bùng nổ 2017-2020 khi hàng loạt ví điện tử được Ngân hàng Nhà nước cấp phép.

Trong Talk-show “Cảm hứng khởi nghiệp” được tổ chức gần đây, ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc ví MoMo đã chia sẻ câu chuyện về những ngày đầu khởi nghiệp.

 
Ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc ví MoMo. Ảnh: Momo 

“Hành trình của MoMo đã kéo dài 12 năm rồi. Giai đoạn đầu, chúng tôi nói vui với nhau rằng chỉ startup chứ không biết bao giờ mới up. Trong suốt giai đoạn đó, chúng tôi nhận được rất nhiều lời động viên, chia sẻ giúp mọi người có động lực đi tiếp”, ông Tường đùa vui.

Thanh toán điện tử là một thị trường tương đối màu mỡ, đặc biệt là tại Đông Nam Á với dân số lớn cùng với việc còn nhiều dư địa. Tuy nhiên, MoMo thời điểm sau đó đã vấp phải sự cạnh tranh của nhiều đối thủ, cả trong và ngoài nước như Grab (ví Moca) hay Shoppee (ví AirPay, giờ là ShopeePay...

CEO MoMo cũng kể thêm rằng công ty thậm chí đã sang tận Mỹ để đặt vấn đề hợp tác với Google, Apple hay Facebook. Ông cũng chia sẻ rằng MoMo là ví điện tử đầu tiên hợp tác cùng Apple, và là ví điện tử thứ hai làm việc cùng Google sau Paytm.

... đến một trong "bộ tứ kỳ lân" của Việt Nam qua loạt vòng gọi vốn

Để trở thành kỳ lân (thuật ngữ chỉ startup có định giá 1 tỷ USD trở lên) như hiện tại, MoMo cũng trải qua nhiều vòng gọi vốn.

Theo số liệu được ghi nhận từ TechInAsiaCrunchBase thì ngay từ tháng 1/2013 MoMo đã gọi vốn thành công vòng Series A từ Goldman Sachs, một ngân hàng đầu tư đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ.

Tới tháng 3/2016 Goldman Sachs tiếp tục rót vốn vào MoMo cùng đối tác là Standard Chartered Private Equity với tổng số vốn đầu tư vòng Series B này là 28 triệu USD. Lúc này, ví đã có 2,5 triệu người dùng.

Từ "kỳ lân" được nhắc đến nhiều hơn vào đầu năm 2021 khi công ty công bố vòng gọi vốn Series D. Số vốn mà công ty huy động không được tiết lộ, nhưng một nguồn tin từ Bloomberg cho rằng con số lên đến 100 triệu USD.

Cũng tại vòng gọi vốn này, khi được hỏi liệu công ty đã thành kỳ lân chưa, ban lãnh đạo MoMo khẳng định bản thân muốn thành "đại bàng", có khả năng bay cao bay xa hơn là kỳ lân. Lúc này, MoMo đặt mục tiêu đạt 50 triệu người dùng tại Việt Nam.

Cuối cùng, điều gì tới cũng đã tới. Ở vòng gọi vốn Series E vào cuối năm 2021, MoMo đã chính thức trở thành kỳ lân với mức định giá vượt qua mốc lên đến 2 tỷ USD, cũng theo nguồn tin từ Bloomberg.

Từ "kỳ lân" được nhắc đến nhiều hơn vào đầu năm 2021 khi Momo công bố vòng gọi vốn Series D. Ảnh: Momo

Tham vọng xây dựng một hệ sinh thái

Cũng tại vòng gọi vốn Series D, Momo đưa ra tầm nhìn trong 5 năm gồm việc phát triển một hệ sinh thái: Tạo hạ tầng kết nối số, đưa mọi khía cạnh của Việt Nam (sức khỏe, giáo dục, giải trí...) lên nền tảng số và xây dựng hệ sinh thái số thông qua các nền tảng số khác bằng cách thành lập Quỹ đổi mới sáng tạo.

Việc phục vụ nhiều nhu cầu người dùng trên cùng một app đã thể hiện rõ tham vọng siêu ứng dụng của MoMo, cũng giống như cách một vài siêu ứng dụng khác như Grab cũng đang xây dựng.

Ảnh: Momo

Để xây dựng hệ sinh thái, MoMo cũng bắt đầu có những thương vụ đầu tư ngược vào các startup. Đây là mô hình mà các ứng dụng khác trên thế giới như Grab hay Uber đều đã triển khai.

Ngoài cạnh tranh thì hợp tác cũng là một mặt khác để cùng đưa doanh nghiệp phát triển.

Một ví dụ rõ nhất là việc Gojek từng mua lại ví điện tử Wepay vào năm 2020. Tưởng chừng hãng gọi xe gốc Indonesia muốn xây dựng hệ sinh thái bao gồm cả thanh toán điện tử cho riêng mình nhưng sau cùng Gojek lại quyết định bắt tay với MoMo để cùng tận dụng tốt nhất từng thế mạnh của nhau.