Nhờ khai báo y tế Công an TP.HCM đã phát hiện được 30 F0 di chuyển trên đường

20:12 | 31/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đại diện Công an TP.HCM cho biết, trong những ngày qua, lực lượng trực chốt kiểm soát COVID-19 đã phát hiện 30 trường hợp F0 di chuyển trên đường thông qua quét mã QR.

Chiều ngày 31/8, thông tin với báo chí về công tác chống dịch trên địa bàn TP.HCM, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho hay, có hai vấn đề dư luận đang rất quan tâm là tình hình lưu thông trong thời gian TP.HCM tăng cường các biện pháp giãn cách và khai báo y tế thông qua phần mềm của Bộ Công an.

Theo ông Hà, mật độ người tham gia giao thông những ngày gần đây ổn định, không tăng giảm đột biến, không có ùn tắc tại các chốt kiểm tra.

Liên quan đến việc khai báo y tế “di chuyển nội địa” cho biết, nhờ việc hai báo mã y tế bằng mã QR khi qua trạm kiểm soát COVID-19, lực lượng chức năng đã phát hiện 30 F0 di chuyển trên đường và 2 vụ làm giả giấy đi đường của Công an TP, tại quận 10 và 12. Công an thành phố đang điều tra, làm rõ.

Nhờ khai báo y tế Công an TP.HCM đã phát hiện được 30 F0 di chuyển trên đường - ảnh 1

Lực lượng trực chốt kiểm soát COVID-19 đã phát hiện 30 trường hợp F0 di chuyển trên đường

Để việc qua các chốt nhanh chóng, ông Hà đề nghị người dân nên khai báo trước khi di chuyển ra khỏi nhà và lưu lại mã code. Khi đến chốt, người đi đường chỉ cần trình mã cho lực lượng chức năng, không nên đến chốt mới khai báo.

Theo ông Hà, hiện nay Công an TP đang phối hợp với Sở Y tế, cùng các cơ quan nghiệp vụ cập nhật dữ liệu F0 vào dữ liệu dân cư. Trong bối cảnh F0 trong cộng đồng nhiều như hiện nay, việc khai báo y tế sẽ giúp cơ quan chức năng nhanh chóng phát hiện ngay F0 ra đường để có biện pháp xử lý phù hợp, tránh lây nhiễm cho cộng đồng.

Trả lời câu hỏi công an cầm điện thoại của người dân quét mã QR có an toàn hay không, ông Hà cho biết, ông an là lực lượng tuyến đầu nên đa số đã được tiêm 2 mũi vaccine, hằng tuần đều lấy mẫu xét nghiệm. Riêng lực lượng trực chốt đều âm tính trước khi đưa ra thực hiện nhiệm vụ. Do đó, nguy cơ lây từ lực lượng công an cũng ít.

"Tuy nhiên, việc cầm điện thoại vẫn tiềm ẩn nguy cơ, nên chúng tôi sẽ quán triệt lực lượng đứng chốt chỉ đề nghị người đi đường đưa điện thoại ra quét mã code", ông Hà nói và cho biết Công an TP.HCM đang cố gắng sớm nhất hoàn thiện phần mềm tích hợp camera, chỉ cần đưa mã code vào camera quét sẽ đủ điều kiện qua chốt.

Trước đó, sau 15 ngày tạm ngưng, lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát khu vực nội đô đồng loạt kiểm tra việc khai báo "di chuyển nội địa", vào sáng 29/8.

Hiện, người dân khi muốn khai báo trước khi ra đường có thể truy cập suckhoe.dancuquocgia.gov.vn, hoặc dùng camera điện thoại quét mã QR có trên giấy đi đường của mình, để vào trang web nói trên, tiến hành khai báo, sau đó nhận một mã QR phục vụ việc kiểm tra.

Phần mềm khai báo "di chuyển nội địa" được Bộ Công an triển khai để quản lý công dân vùng dịch thông qua kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Phần mềm sẽ thống kê tình hình người dân ra, vào vùng dịch hàng ngày; truy vết người nghi vấn F0, F1, F2 khi cần thiết. Sau khai báo thành công, người dùng sẽ được cấp một mã QR và có thể dùng trong 3 ngày, sau đó phải khai báo lại.

TP.HCM siết chặt giãn cách xã hội theo nguyên tắc "ai ở đâu ở yên đó" từ ngày 23/8 và hiện chỉ một số nhóm công việc được phép ra đường. Giấy thông hành do Công an TP.HCM in, ký, đóng dấu, cấp cho cá nhân thuộc các nhóm được đi lại. Hiện, lượng xe chạy ngoài đường ở thành phố giảm gần 90% so với trung bình ngày thường và giảm 25% so với ngày 22/8.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong ngày 31/8, TP.HCM ghi nhận thêm 5.444 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca mắc được ghi nhận lên 221.254 ca.

Trong quãng thời gian siết chặt giãn cách xã hội, số bệnh nhân tử vong do dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM có xu hướng giảm.

Trong 7 ngày thực hiện các biện pháp siết chặt, tăng cường giãn cách xã hội, TP.HCM đã mở rộng xét nghiệm COVID-19 với người dân ở "vùng đỏ", "vùng cam". Toàn địa bàn đã lấy hơn 1,6 triệu mẫu test nhanh cho người dân và phát hiện hơn 64.000 trường hợp dương tính SARS-CoV-2.

Những ngày qua, người nghèo, người gặp khó khăn trên địa bàn đã thực nhận 2.181 tỷ đồng tiền hỗ trợ của TP.HCM. Lũy kế đến nay, thành phố đã phát hơn một triệu túi an sinh cho người dân tại các quận, huyện và thành phố Thủ Đức.

Về lộ trình tiêm vaccine phòng COVID-19, ông Phạm Đức Hải, phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM cho biết, trong thời gian từ ngày 29/8 đến hết năm 2021 lộ trình tiêm vaccine sẽ được chia thành  giai đoạn.

Cụ thể, từ ngày 29/8 tới 15/9, tiêm mũi 1 cho khoảng 680.000 người để đạt tỉ lệ 90% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1, và tiêm nhắc mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo từng loại vaccine, với khoảng gần 2,1 triệu người.

Giai đoạn 2, từ 16/9 đến 30/9, TP.HCM tiêm bao phủ mũi 1 cho 10% dân số còn lại, ước tính có 720.000 người, đồng thời tiêm nhắc mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 với gần 657.000 người.

Giai đoạn 3, từ 1/10 đến 15/10, khi không còn phải tiêm mũi 1, TP sẽ tập trung tiêm nhắc mũi 2 cho 2,6 triệu người đã tiêm mũi 1, trong khi đó giai đoạn 4, từ 16/10 đến 31/12, TP tiêm nhắc mũi 2 cho 1,4 triệu người đã tiêm mũi 1.

Như vậy, tổng số vaccine COVID-19 TP.HCM cần sử dụng từ 29/8 đến 31/12/2021 đối với mũi 1 là 1,4 triệu liều và hơn 6,7 triệu liều cho mũi 2, theo nguyên tắc người dân lần 1 tiêm vaccine gì thì lần 2 tiêm vacine tương thích.

Dù có lộ trình tiêm vaccine cụ thể, nhưng theo ông Hải, việc phân phối vắc xin COVID-19 là của Bộ Y tế, do vậy việc khi nào TP nhận đủ lượng vaccine thì TP không quyết định được.

Mặt khác, ông Hải nhắc lại việc "vaccine tốt nhất là vaccine tiêm sớm nhất”, tiêm vaccine là quyền lợi và nghĩa vụ của người dân.

Mỹ Tịch

Xem thêm: Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm giãn cách xã hội trong kỳ nghỉ lễ 2/9