Nhộn nhịp ngày sản xuất đầu Xuân Tân Sửu

10:48 | 18/02/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Với khí thế mừng xuân mới, ngay từ đầu năm, các doanh nghiệp đã bắt tay vào sản xuất, kinh doanh; trên các công trường xây dựng khắp cả nước, không khí lao động rất nhộn nhịp.
Không còn “tháng Giêng là tháng ăn chơi”
 
Theo tờ Sài Gòn giải phóng, bới khí thế mừng xuân mới, ngay từ đầu năm, các doanh nghiệp đã bắt tay vào sản xuất, kinh doanh; trên các công trường xây dựng khắp cả nước, không khí lao động cũng hết sức hối hả, nhộn nhịp.

 

 Nhộn nhịp ngày sản xuất đầu Xuân Tân Sửu - ảnh 1

Sản phẩm sữa hạt cao cấp của Vinamilk xuất khẩu đi Trung Quốc có quy cách đóng gói và thiết kế bao bì khác biệt phù hợp với thị hiếu

 

Ngày 17-2, Bộ GTVT cho biết, ngay từ ngày đầu tiên đi làm trở lại, các công trường, dự án giao thông trên cả nước tổ chức ra quân làm việc ngay để đảm bảo tiến độ theo kế hoạch. Với các dự án giao thông trọng điểm, lãnh đạo Bộ GTVT và các ban quản lý dự án đã xuống công trường để đôn đốc thi công các gói thầu đang triển khai. Bộ GTVT cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các công trường giao thông phải tuân thủ triệt để các biện pháp phòng dịch. Bộ GTVT sẽ xử lý nghiêm khắc người đứng đầu đơn vị nếu để lơ là về tiến độ và công tác phòng dịch.
 
 
Để đảm bảo tiến độ dự án, các đơn vị thi công công trình sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai) đã động viên cán bộ, công nhân làm việc xuyên tết. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai, chủ đầu tư Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, cho biết, hiện dự án cơ bản đã hoàn thành khoảng 80%. Tuy nhiên, để đảm bảo tiến độ, nhiều đơn vị đã động viên cán bộ, công nhân ở lại đón tết ngay trên công trường bởi Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định tiến độ các dự án thành phần khác của công trình sân bay quốc tế Long Thành, xong dự án này người dân mới có chỗ ở để bàn giao toàn bộ mặt bằng cho các đơn vị thi công khác.
 
 
Bắt đầu từ sáng 17-2, hàng ngàn doanh nghiệp hoạt động tại các khu kinh tế, khu công nghiệp ở miền Trung đồng loạt ra quân, khởi đầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm mới. Ông Phạm Phước Hiền Hòa, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Xi măng Đồng Lâm (Thừa Thiên - Huế) cho biết, đáp ứng nhu cầu xây dựng đầu năm nên lò nung của nhà máy vận hành xuyên tết. 70 công nhân làm việc mỗi ngày, vừa sản xuất vừa phòng chống dịch Covid-19. Tương tự, từ rạng sáng mùng 3 Tết Tân Sửu, 60 công nhân cạo mủ của Nông trường Cao su Quyết Thắng thuộc Công ty TNHH Một thành viên Cao su Quảng Trị cũng ra quân sản xuất đầu năm.
 
 
Nhộn nhịp ngày sản xuất đầu Xuân Tân Sửu - ảnh 2

 Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn qua Thừa Thiên - Huế được thi công trở lại từ mùng 6 Tết

 

Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng, cho biết, tất cả 492 doanh nghiệp với hơn 70.000 công nhân tại Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng đều đi làm trở lại sau những ngày nghỉ tết. Tại Quảng Nam, hầu hết công nhân các KCN đã trở lại làm việc, chỉ riêng KCN Điện Nam - Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn) sẽ bắt đầu làm việc vào ngày 19-2.
 
 
Theo tờ Kinh tế đô thị, ngay ngày đầu tiên trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết, các công sở trên cả nước cũng như TP Hà Nội đã nhanh chóng nối mạch guồng máy phục vụ người dân nhanh chóng, thuận lợi.
 
 
Trên nhiều công trường, nhà máy, người lao động đã trở lại làm việc bình thường trong tâm thế tuân thủ nghiêm quy định phòng dịch. Khí thế bắt tay ngay vào công việc, cụ thể là tập trung phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả và phấn đấu quyết tâm hoàn thành thắng lợi mọi mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021 ngay từ những ngày đầu Xuân mới đang được thể hiện rõ.
 
 
Dịch bệnh vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, lo ngại về hoạt động kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng đang hiện hữu. Nhưng khó khăn gấp đôi cần cố gắng gấp 3, gấp 4 là yêu cầu và cũng là động lực đang được các cấp, các ngành, đơn vị xác định rõ. Bởi thế, việc phải bắt tay ngay vào công việc ngay từ ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tránh sa đà vào tình trạng "tháng Giêng là tháng ăn chơi" hay còn "vương vấn" Tết... càng cần thiết hơn bao giờ hết.
 
Như Chính phủ đã nhiều lần quán triệt mạnh mẽ tinh thần: Chỉ có duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh, mới có thể tạo điều kiện tốt cho chống dịch. Đoàn kết chống dịch nhưng vẫn phải duy trì cuộc sống, bảo đảm “sức khỏe” của nền kinh tế. Nhanh hơn nữa, mạnh hơn nữa, quyết tâm hơn nữa trong hành động để biến thách thức thành cơ hội ngay từ những tháng đầu, ngày đầu năm mới.
 
Tinh thần khẩn trương tập trung giải quyết, xử lý công việc ngay những ngày làm việc sau Tết, bảo đảm chất lượng và tiến độ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng được lãnh đạo các địa phương quán triệt mạnh mẽ. Tại Hà Nội, không khí làm việc những ngày đầu Xuân Tân Sửu 2021 rất tích cực. Các cán bộ, công chức, viên chức đã trong tâm thế sẵn sàng phục vụ người dân, đồng thời thực hiện nghiêm túc quy định chống dịch Covid-19. Tinh thần làm việc ở các đơn vị hành chính công, các đơn vị, cơ quan liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp đã “như ngày bình thường” khi mở cửa tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho công dân, làm tốt công tác phòng dịch.
 
Tại các doanh nghiệp, tinh thần sản xuất, kinh doanh cũng được thúc đẩy ngay từ những ngày đầu năm mới. Trước Tết, lãnh đạo TP cũng đã yêu cầu, ngay sau kỳ nghỉ Tết, các cơ quan, tổ chức, đơn vị không được để chậm trễ công việc, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm hoạt động của các cơ quan, đơn vị diễn ra bình thường, thông suốt.
 
Ngoài việc các đơn vị tự kiểm tra, giám sát nội bộ việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, để đôn đốc tinh thần làm việc, năm nay, TP Hà Nội vẫn thành lập các đoàn kiểm tra công vụ, kiểm tra các đơn vị, đặc biệt đối với các bộ phận trực tiếp thực thi công vụ và giải quyết công việc thường xuyên của người dân, doanh nghiệp, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
 
Kỷ cương, kỷ luật chính là động lực thành công. Nhiều người kỳ vọng rằng, với những chỉ đạo rất quyết liệt từ T.Ư đến địa phương, việc nêu gương trong trách nhiệm của người đứng đầu, siết kỷ cương trên mọi lĩnh vực là điều cần thiết để vượt qua những khó khăn, không để mọi việc ách tắc vì lý do dịch bệnh hay bất cứ điều gì. Đồng hành cùng những quyết tâm của lãnh đạo T.Ư và TP, mỗi người đều mong rằng, ngay từ những ngày làm việc đầu tiên của năm mới, từ quyết tâm cao, những dấu ấn mới trong kỷ cương hành chính sẽ tiếp tục được xác lập. Đây chính là hành động cụ thể, thiết thực nhất góp phần hình thành tác phong chuyên nghiệp, giúp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giúp tăng chỉ số cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng… tạo đà bứt phá mạnh mẽ trong một bối cảnh không mấy dễ dàng bởi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
 
 
Dồn dập đơn hàng xuất khẩu
 
Cũng theo Sài gòn giải phóng, ngay ngày đầu làm việc của năm mới Tân Sửu 2021, nhiều doanh nghiệp (DN) đã hoạt động trở lại với 100% công suất. Các DN đang chạy đua sản xuất nhằm đáp ứng cho các đơn hàng xuất khẩu “khủng” sang thị trường nhiều nước, nhất là những thị trường thành viên Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Anh (UKVFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… Nhiều DN cho rằng, đây là thời gian “vàng” mà các hiệp định thương mại mang lại để đưa hàng Việt vào nhanh và sâu tại thị trường các nước đối tác.
 
 
Đại diện Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Cát Thái cho biết, những ngày nghỉ tết, công ty vẫn duy trì sản xuất với lượng công nhân khoảng hơn 150 người. Từ mùng 6 Tết, hơn 1.600 công nhân đã trở lại nhà máy hoạt động sản xuất bình thường. Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đang tăng tốc nhằm đáp ứng đơn hàng xuất khẩu “xông đất” năm mới sang thị trường Trung Quốc. Đó là đơn hàng gồm 10 container sản phẩm sữa hạt cao cấp (gồm sữa hạt đậu nành hạnh nhân và đậu đỏ) xuất đi vào tháng 1-2021 vừa cập cảng và bắt đầu lên kệ ở chuỗi cửa hàng tiện lợi tại thị trường lớn nhất thế giới này. Một lô hàng khác với 5 container sản phẩm sữa đặc có đường cũng đang được Vinamilk đẩy mạnh sản xuất để lên đường “xuất ngoại”. Ông Võ Trung Hiếu, Giám đốc Kinh doanh Quốc tế Vinamilk, cho biết, đây là tín hiệu lạc quan, hứa hẹn một năm mới khởi sắc của ngành sữa. Hiện công ty mới có thêm một nhà máy được cấp mã xuất khẩu cho sản phẩm sữa xuất đi Trung Quốc và đồng thời được chứng nhận đạt tiêu chuẩn Organic của Trung Quốc. Điều này góp phần mở rộng cơ hội kinh doanh cho các nhóm sản phẩm thế mạnh và cao cấp của Vinamilk tại thị trường tiềm năng này trong thời gian tới. 
 
 
Hòa chung không khí vui tươi đầu năm, ông Phạm Xuân Hồng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Sài Gòn 3, cho biết vừa đàm phán ký kết xong hợp đồng xuất khẩu dệt may cho thương hiệu lớn là Uniqlo của Nhật Bản với trị giá hợp đồng đủ để công ty duy trì hoạt động sản xuất cả năm 2021.
 
 
Tại ĐBSCL, trong tháng 1 đã có 8 container hàng với hơn 160 tấn tôm của Công ty cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang (KCN Sông Hậu, giai đoạn 1, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) xuất thành công sang thị trường EU, Mỹ và Nhật Bản. Tháng đầu năm là thời điểm nhu cầu gạo chưa quá cao, tuy nhiên xuất khẩu gạo cả năm 2021 được dự báo vẫn tốt khi các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Philippines, châu Phi... tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam. Thêm vào đó, nhiều nước có nhu cầu lớn về gạo thơm, gạo nếp - vốn là mặt hàng có lợi thế của doanh nghiệp Việt. Tận dụng những lợi thế thị trường, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành lúa gạo đều đã có kế hoạch tìm kiếm khách hàng ở những thị trường mà Việt Nam vừa có FTA. Ngay từ đầu năm, lãnh đạo các tỉnh, thành trong vùng đã cùng nông dân ra đồng chăm sóc vụ lúa đông xuân, hứa hẹn một vụ mùa bội thu, góp phần cùng cả nước vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
 
 
Theo Tổng cục Hải quan, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trong những ngày Tết Tân Sửu 2021 sôi động hơn nhiều so với dịp Tết Canh Tý 2020. Thống kê sơ bộ đến ngày 17-2, có 960 doanh nghiệp Việt Nam xuất nhập khẩu hàng hóa (tăng 363 doanh nghiệp so với dịp Tết Canh Tý 2020) với tổng cộng 10.300 tờ khai xuất nhập khẩu, tăng mạnh 59% so với số tờ khai đăng ký trong dịp Tết Canh Tý 2020. Cũng trong tháng 1, cả nước ghi nhận có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 67,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.
 
 
Hiện nay, thị trường xuất khẩu hàng hóa chủ lực của các doanh nghiệp vẫn là Hoa Kỳ. Chỉ tính trong tháng 1, kim ngạch hàng hóa Việt Nam xuất vào thị trường này đã đạt khoảng 7,5 tỷ USD, tăng 57,4% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là thị trường Trung Quốc, đạt khoảng 5,8 tỷ USD, tăng 111,6%. Thị trường EU tuy chỉ đạt 2,8 tỷ USD nhưng so với cùng kỳ năm trước đã tăng khá (14,8%). Các thị trường ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng lần lượt duy trì mức tăng 31,9%, 22,7% và 24,2%. Điều này cũng cho thấy, dự ước xuất khẩu hàng hóa Việt Nam khởi sắc hơn trong năm 2021.
 
Mang theo sự hứng khởi và niềm tin
Tờ Lao động cho biết: Trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhiều công nhân mang theo sự hứng khởi và niềm tin vào một năm mới lao động sản xuất phát triển hơn.
 
Mùng 6 Tết, anh Nguyễn Thế Anh, quê ở Thái Bình thức dậy từ sớm sắp đồ lên xe máy để chuẩn bị hành trình trở lại Hưng Yên, bắt đầu ngày làm việc đầu tiên của năm mới. Trong số những thứ mang theo, anh Thế Anh không quên xếp bánh chưng, hộp kẹo và một ít rau củ cẩn thận. Hôm nay, đúng 7h, công ty nơi anh làm việc bắt đầu trở lại sản xuất sau thời gian nghỉ Tết. Anh Thế Anh nói, dậy sớm như vậy là vừa kịp sang làm việc.
 
Năm 2020 đã qua là một năm khó khăn với anh Thế Anh và gia đình. Đứa con thứ hai của anh phải nhập viện điều trị điếc bẩm sinh với kinh phí hơn 500 triệu đồng; vợ anh phải nghỉ việc để ở nhà chăm con nên mọi gánh nặng về kinh tế đè nặng lên đôi vai anh Thế Anh. Trong chương trình Tết Sum vầy 2021 do Liên đoàn Lao động tỉnh Hưng Yên tổ chức (ngày 22.1), anh Thế Anh là một trong số những công nhân lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nhận hỗ trợ. Lúc đó, anh đã không kìm nổi nước mắt vì xúc động.
 
Chia sẻ cảm xúc của mình trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới, anh Thế Anh cho biết, anh rất hào hứng. “Suốt những năm làm việc, tôi được công đoàn và công ty tạo điều kiện, quan tâm giúp đỡ rất nhiều. Đó là điểm tựa tinh thần vô cùng lớn lao để tôi yên tâm lao động sản xuất. Đầu xuân năm mới tôi vô cùng hào hứng trở lại làm việc để được gặp gỡ mọi người. Tôi hy vọng và cũng tin tưởng năm nay công ty chúng tôi và các đơn vị doanh nghiệp khác sẽ ngày càng phát triển” – anh Thế Anh hào hứng chia sẻ.
 
 Bên cạnh đó, anh Thế Anh cũng cho biết, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19 hiện nay, khi trở lại làm việc, anh luôn chủ động thực hiện các biện pháp để phòng, chống dịch để làm sao bảo đảm sức khoẻ cho bản thân và mọi người yên tâm sản xuất.
 
 
Nhộn nhịp ngày sản xuất đầu Xuân Tân Sửu - ảnh 3
 Hình ảnh công nhân xưởng sản xuất nơi anh Thế Anh đang làm việc gặp gỡ đầu năm trước khi bắt tay vào làm việc.
 
Còn anh Đàm Ngọc Hoàn – công nhân Công ty Canon Quế Võ (Bắc Ninh) sẽ trở lại đi làm vào ngày mai (Mùng 7 Tết), nhưng cũng bày tỏ sự háo hức cho ngày đi làm trở lại.
 
 
Anh cho hay: "Sau ngày công nhân bắt đầu nghỉ Tết đến trước ngày đi làm trở lại, công ty tôi đều yêu cầu tất cả mọi người khai báo tình trạng sức khoẻ để phòng chống dịch COVID-19, ổn định sản xuất". Anh Hoàn được công ty gửi tin nhắn nhắc nhở khai báo y tế, tham gia phòng, chống dịch.
 
Năm vừa qua, dịch COVID-19 tác động không nhỏ đến việc làm, thu nhập của một bộ phận công nhân lao động nhưng may mắn công ty của anh Hoàn không bị ảnh hưởng của dịch. Theo đó, đời sống việc làm cũng như thưởng Tết của công nhân lao động vẫn ổn định như mọi năm.

 

“Dịch COVID-19 bùng phát trở lại, tôi cũng không tránh khỏi lo lắng. Nhưng tôi tin với sự cố gắng và luôn trong tâm thế chống dịch như chống giặc, năm mới này, dịch bệnh sẽ sớm qua đi. Và khi đó, những công nhân như tôi càng thêm yên tâm lao động sản xuất, góp phần khôi phục kinh tế chung" - anh Hoàn nói.

 

Minh Hoa

 

Xem thêmViệt Nam xuất khẩu 280.000 tấn gạo trong tháng đầu năm 2021