PMI Việt Nam giảm lần đầu tiên sau 4 tháng, PMI toàn khối ASEAN về gần vùng 50 điểm
PMI sản xuất Việt Nam tháng 3 còn 51,7 điểm
Viện dẫn tình trạng thiếu hụt lao động trong lĩnh vực sản xuất khi làn sóng dịch COVID-19 lên đỉnh vào tháng 3 kéo theo sản lượng nhà máy giảm và lượng công việc tồn đọng tăng, IHS Markit cho biết chỉ số PMI tháng 3 của Việt Nam đã giảm xuống mức 51,7 điểm. Đây là tháng giảm đầu tiên của PMI sản xuất tại Việt Nam sau 5 tháng tăng liên tiếp.
Theo IHS Markit, mặc dù nhìn chung các điều kiện kinh doanh trong nước đang tốt lên nhưng tốc độ cải thiện trong tháng 3 vừa qua là ít đáng kể nhất trong 6 tháng gần đây kể từ khi nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại. “Tình trạng thiếu hụt nhân công khiến các công ty không thể duy trì khối lượng sản xuất, và sản lượng đã giảm lần đầu tiên trong 6 tháng”, báo cáo của IHS Markit nêu rõ.
Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global cũng đưa ra nhận định tương tự: “Sự bùng phát số lượng ca nhiễm COVID-19 ở Việt Nam trong tháng 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới lĩnh vực sản xuất, từ đó đẩy sản lượng lùi trở lại vùng suy giảm. Điều này chủ yếu là do tình trạng thiếu hụt lao động, khi có nhiều công nhân nghỉ làm vì nhiễm bệnh khiến các nhà máy không thể duy trì khối lượng sản xuất”.
Ảnh hưởng từ môi trường địa chính trị toàn cầu đến tình hình sản xuất trong nước cũng được nhắc đến tại báo cáo của IHS Markit. Theo cơ quan này, áp lực lạm phát trong nước - mà chủ yếu bắt nguồn từ lạm phát nhập khẩu - đã góp phần làm giảm sản lượng cũng như giảm số lượng đơn đặt hàng mới vào cuối quý I/2022.
Hơn 50% trong số 400 doanh nghiệp được IHS Markit khảo sát thừa nhận giá đầu vào đã tăng so với tháng trước, mà nguyên nhân chính là giá dầu và khí đốt tăng, ngoài ra giá nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển cũng tăng. Tốc độ tăng chi phí đầu vào đã nhanh hơn và đạt mức tăng nhanh nhất trong gần 11 năm, báo cáo cho biết. Trong bối cảnh đó, các nhà sản xuất đã tìm cách bù đắp thông qua tăng giá bán hàng.
“Trong khi các công ty hy vọng mức độ nhiễm bệnh sớm giảm bớt, và ảnh hưởng của nó cũng nhẹ đi, chiến sự ở Ukraine lại tiếp tục gây cản trở. Ảnh hưởng dễ nhận thấy nhất cho các công ty Việt Nam trong tháng 3 là về giá cả. Chi phí đầu vào đã tăng mạnh nhất trong gần 11 năm khi chi phí mua dầu và khí đốt tăng sau khi chiến tranh nổ ra. Điều này đã làm tiêu tan hy vọng rằng áp lực lạm phát có thể dịu đi trong những tháng tới”, ông Andrew Harker nói thêm.
Mặc dù làn sóng dịch COVID-19 và quan ngại về rủi ro lạm phát đang gây áp lực lên dự báo tương lai, đa số các doanh nghiệp trong cuộc khảo sát của IHS Markit lạc quan rằng sản lượng sản xuất của Việt Nam sẽ tăng trong năm tới khi đại dịch suy yếu và số lượng đơn đặt hàng mới tăng.
PMI sản xuất khối ASEAN đối diện thách thức
Cũng theo báo cáo của IHS Markit, PMI sản xuất chung của các nền kinh tế ASEAN đạt 51,7 điểm vào tháng 3; giảm từ mức 52,5 điểm trong tháng 2. 5 trong số 7 quốc gia được khảo sát ghi nhận PMI trong lãnh thổ tích cực (trên 50 điểm) vào tháng 3, trong đó Singapore tiếp tục dẫn đầu.
Cụ thể, trong tháng 3, Singapore ghi nhận mức PMI đạt 55 điểm, phản ánh sự duy trì động lực tăng trưởng mạnh mẽ trong sản xuất. Tuy nhiên so với mức PMI 58,3 điểm hồi tháng 2, con số tháng 3 vẫn cho thấy sự giảm động lực sản xuất đáng kể.
Tại Philippines, mức PMI 53,2 điểm đạt được trong tháng 3 là mức tăng đáng kể từ con số 52,8 điểm hồi tháng 2. IHS Markit đánh giá tốc độ cải thiện các điều kiện sản xuất kinh doanh trong tháng 3 của quốc gia này đã đạt mức nhanh nhất trong hơn 3 năm trở lại đây.
Với mức PMI 51,8 điểm, Thái Lan cũng ghi nhận chỉ số giảm tương đối so với mức PMI 52,5 điểm hồi tháng 2. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho biết các nhà sản xuất hàng hóa của Thái Lan vẫn đang nằm trong xu hướng phục hồi mạnh mẽ.
Tương tự, PMI sản xuất tại Việt Nam tháng 3 đạt 51,7 điểm, giảm từ mức 54,3 điểm hồi tháng 2, phản ánh sự chững lại trong việc cải thiện điều kiện sản xuất kinh doanh trong kỳ.
Tại Indonesia, chỉ số PMI tháng 3 đạt 51,3 điểm, cải thiện nhẹ từ mức 51,2 điểm hồi tháng 2 và là tốc độ tăng tổng thể gần thấp nhất trong 6 tháng gần nhất.
Đi ngược lại xu thế cải thiện sức khỏe lĩnh vực sản xuất của khối, có hai quốc gia ghi nhận lĩnh vực sản xuất suy giảm trong tháng 3 là Malaysia và Myanmar. Kết thúc thời kỳ tăng kéo dài 5 tháng, chỉ số PMI tại Malaysia giảm còn 49,6 điểm từ con số 50,9 điểm hồi tháng 2.
Trong khi đó, PMI của Myanmar đạt 47,1 điểm, thấp hơn mức 47,3 điểm trong tháng 2, vẫn nằm trong lãnh thổ thu hẹp và thể hiện dấu hiệu suy giảm vững chắc.
Nhìn chung, IHS Markit nhận định kết quả khảo sát cho thấy gánh nặng chi phí tăng mạnh với các nhà sản xuất ASEAN trong bối cảnh áp lực lạm phát tăng.
Bà Maryam Baluch, chuyên gia kinh tế tại S&P Global nhận định: “Chỉ số PMI toàn phần cho thấy tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất ASEAN đã bị mất động lực khi sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng chậm lại… Trong khi tâm lý kinh doanh nói chung vẫn là tích cực, dữ liệu kỳ này đã chỉ ra những lực cản. Lĩnh vực sản xuất tiếp tục chịu ảnh hưởng của những khó khăn về phía cung và tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu ở nhiều nơi, và điều này dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra trong năm tới.”
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (Purchasing Managers' Index - PMI) được xây dựng ở nhiều quốc gia để cung cấp cho các chuyên gia mua hàng, những người ra quyết định kinh doanh và các nhà phân tích kinh tế bộ dữ liệu kịp thời để giúp hiểu rõ hơn về các điều kiện ngành kinh doanh. Dữ liệu PMI sản xuất tháng 2/2022 nói trên được thu thập trong khoảng thời gian 10/2 đến 18/2/2022. Chỉ số có giá trị từ 0 đến 100 với cột mốc 50 là trung tính, kết quả trên 50 thể hiện một mức tăng tổng thể so với tháng trước và dưới 50 thể hiện một mức giảm tổng thể.