Lợi nhuận cao nhờ liên kết trong sản xuất nông nghiệp

Hoàng Nhị/TTXVN 19:57 | 18/12/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Liên kết trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã giúp gia tăng về chất lượng sản phẩm; đầu ra, giá cả sản phẩm đều ổn định, người trồng yên tâm sản xuất. Việc liên kết sản xuất, tiêu thụ cây khoai mài trên địa bàn xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc là một điển hình.

 

Gia đình chị Vòng Bạt Mùi, ngụ ấp Phú Lộc, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc trước đây trồng các loại cây tiêu, điều, cà phê… Tuy nhiên, các loại cây trồng này giá cả bấp bênh, thu nhập của gia đình chị vì thế mà cũng không ổn định. Cách đây 6 năm, gia đình chị Mùi được Công ty cổ phần Nông nghiệp Thương mại Du lịch Bàu Mây đặt vấn đề liên kết sản xuất trồng cây khoai mài, gia đình chị đã quyết định chuyển 6 ha sang trồng loại cây này.

Theo chị Vòng Bạt Mùi, sau 6 năm trồng cây khoai mài chị nhận thấy, do là loại cây mọc hoang, khi được trồng trong vườn nhà cây phát triển rất tốt, năng suất cao, dễ và ít tốn thời gian chăm sóc. Gia đình chị đã lắp đặt hệ thống tưới, bón phân tự động nên việc tưới nước và bón phân hầu như không tốn thời gian và nhân công, mỗi ha trồng khoai mài 1 vụ gia đình chị bỏ ra chi phí khoảng 120-150 triệu đồng tiền bón phân hữu cơ, tiền điện và công thu hoạch.

Một vụ khoai mài kéo dài từ 7 - 8 tháng, sau khi thu hoạch vào cuối mùa khô, người trồng sẽ chờ mưa xuống và tiến hành xuống giống sản xuất cho vụ sau. Hiện nay, mỗi ha khoai mài gia đình chị thu khoảng hơn 60 tấn, sau khi trừ chi phí còn lời trên 300 triệu đồng/ha.

“Việc liên kết trong sản xuất giúp nông dân chúng tôi yên tâm sản xuất, từ khâu đầu tư ban đầu, khâu giống, cách chăm sóc đều được phía công ty hướng dẫn rất kỹ càng. Sau khi thu hoạch, khoai mài sẽ được công ty thu mua hết, với giá cả dao động từ 20-30 nghìn đồng/kg”, chị Vòng Bạt Mùi chia sẻ.

Gia đình chị Mai Thị Thủy, ngụ ấp Phú Vinh, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc có 2 ha đất trước đây trồng các loại cây như mít, điều, nhãn… nhưng thu nhập bấp bênh, giá cả các loại nông sản này thường xuyên rơi vào tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Được phía Công ty cổ phần Nông nghiệp Thương mại Du lịch Bàu Mây giới thiệu về mô hình trồng khoai mài, gia đình chị đã chuyển toàn bộ diện tích qua trồng loại cây này.

Chị Thủy chia sẻ, hiện nay mỗi ha gia đình chị thu về trên 60 tấn, có năm chăm sóc tốt cho tới gần 100 tấn/ha sau khi trừ chi phí mỗi năm gia đình chị lời khoảng 300 triệu đến 600 triệu đồng.

“Trồng khoai mài chỉ tốn chi phí lớn cho năm đầu, đó là chi phí đầu tư cho việc lắp đặt hệ thống tưới tự động, dây điện, khoan giếng...., những năm tiếp theo chỉ tốn chi phí cho giống, phân bón, điện và công thu hoạch vào khoảng trên 120 triệu đồng. Đây là chi phí không lớn so với thu nhập từ loại cây trồng này”, chị Thủy thông tin thêm.

Ông Lâm Ngọc Nhâm, Chủ tịch HĐQT Công ty Công ty cổ phần Nông nghiệp Thương mại Du lịch Bàu Mây chia sẻ, hiện nay việc triển khai thực hiện liên kết trong sản xuất cây khoai mài phía doanh nghiệp không chỉ thực hiện tại Bà Rịa-Vũng Tàu mà còn ở các tỉnh như Bình Thuận, Bình Phước, Gia Lai, Đắk Lăk…, với khoảng 1.200ha. Riêng tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã liên kết trồng được khoảng 100ha của hơn 20 hộ dân.

Doanh nghiệp liên kết với các hộ dân, các công ty trồng cây khoai mài với quy mô lớn và bao tiêu toàn bộ sản phẩm để hướng đến sản xuất chế biến sâu để xuất khẩu. Phía công ty đã hỗ trợ bà con về kỹ thuật trồng, các quy trình trồng, chăm bón loại cây này để người dân trồng được dễ dàng hơn.

“Tiềm năng phát triển của cây mài là rất lớn, không chỉ là cây lương thực, thực phẩm mà còn là cây dược liệu rất tốt cho sức khỏe con người. Đặc biệt, phía doanh nghiệp chúng tôi không chỉ chế biến thô mà còn chế biến sâu để tăng lên tính tiện dụng cho người tiêu dùng, nâng cao giá trị sản phẩm và đưa sản phẩm ra thị trường thế giới”, ông Lâm Ngọc Nhâm chia sẻ.

Hiện công ty cũng đã triển khai chế biến sâu và cho ra thị trường rất nhiều sản phẩm từ củ khoai mài như củ khoai mài sắt lát sấy khô, bột khoai mài, bún khoai mài, sữa khoai mài…. Không những tiêu thụ thị trường trong nước, hiện nay phía công ty cũng đang làm các thủ tục để xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đến nay, trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp đang thực hiện liên kết với các hợp tác xã và nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi trên một số loại cây trồng, gồm hồ liêu, lúa, ca cao, rau các loại, cây ăn quả, cây dược liệu… với tổng diện tích rau các loại, cây ăn quả, với tổng diện tích khoảng 16.697 ha.

Trong chăn nuôi, có 28 cơ sở nuôi lợn với tổng đàn khoảng 29.580 con nái và 67.400 con heo thịt, 25 cơ sở chăn nuôi gà với tổng đàn 2,168 triệu con gà thịt và 90.000 con gà giống liên kết theo hình thức chăn nuôi gia công. Trong nuôi trồng thủy sản có khoảng 310 ha nuôi tôm.

Ông Vũ Ngọc Đăng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, liên kết trong sản xuất có vai trò đặc biệt quan trọng, giúp nông dân có đầu ra ổn định cho sản phẩm, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, quản lý chất lượng nông sản thuận lợi. Qua đó, sản phẩm được nâng cao giá trị, nông dân tăng thu nhập, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành nông nghiệp.

Tỉnh cũng đã triển khai áp dụng nhiều chương trình hỗ trợ từ Nghị định 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thị sản phẩm nông nghiệp.

Bên cạnh đó, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã ban hành Nghị quyết 21/2020/NQ/HĐND của HĐND tỉnh về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, tỉnh đã dành những nguồn lực, cơ chế thu hút các doanh nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất để người dân, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp có cơ hội để phát triển liên kết.

Tuy nhiên, liên kết sản xuất phải có thị trường tiêu thụ ổn định, tổ chức sản xuất phải bài bản, quy mô diện tích sản xuất phải lớn, vốn đầu tư cũng phải đòi hỏi nhiều… đây là thách thức rất lớn của người dân, trang trại, hợp tác xã và doanh nghiệp.

“Các mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh đang là hướng đi mang tính bền vững, lợi cho cả nông dân và doanh nghiệp. Do đó, để phát triển, nhân rộng chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, ngành nông nghiệp sẽ tập trung phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực; đẩy mạnh cấp mới và quản lý mã số vùng trồng”, ông Vũ Ngọc Đăng thông tin thêm.