Những bước chuyển mình trong hệ sinh thái của ACB và Sacombank
Trong xu hướng ngày càng rõ nét của ngành ngân hàng hiện nay, việc xây dựng hệ sinh thái tài chính đa năng không chỉ là mục tiêu chiến lược mà còn là phương tiện để các nhà băng tối ưu hóa tệp khách hàng và gia tăng giá trị.
Đối với ACB và Sacombank – hai ngân hàng cổ phần tư nhân lớn, đều đang có những bước đi riêng trong việc phát triển công ty con, đặc biệt là công ty chứng khoán, như một phần trong chiến lược mở rộng hoạt động đầu tư và hỗ trợ tín dụng gián tiếp.
ACBS: Bước chuyển mình trong hệ sinh thái ACB
Nhìn vào bản đồ hệ sinh thái, ACB hiện tại chỉ sở hữu một công ty con chủ lực trong lĩnh vực đầu tư là Công ty Chứng khoán ACB (ACBS). Đây là một trong những công ty chứng khoán lâu đời nhất trên thị trường, thành lập từ năm 2000, cùng thời điểm với sự ra đời của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên, trong thời gian dài, ACBS không tạo được sức bật so với các tên tuổi lớn như SSI, HSC, VNDIRECT hay gần đây là VBS.

Ông Lê Hoài Ân, CFA, Chuyên gia nghiên cứu chiến lược ngân hàng. (Ảnh: Minh Nguyệt).
Chia sẻ tại chương trình Data Talk | The Catalyst của VietnamBiz thực hiện ngày 21/5, chuyên gia Lê Hoài Ân cho biết nguyên nhân phần lớn đến từ khẩu vị rủi ro an toàn của ACB – khiến ngân hàng không sử dụng ACBS như một công cụ khuếch đại sức mạnh trên thị trường vốn giống như cách Techcombank làm với TCBS.
Dù vậy, theo ông Ân, ACBS vẫn được nhìn nhận là một trong những công ty chứng khoán có nền tảng khá tốt trong khối ngân hàng tư nhân.
"Chức năng chính của ACBS hiện tại có thể chưa đóng góp nhiều về mặt lợi nhuận (khoảng 3–5%) của ngân hàng mẹ. Tuy nhiên, trong hai năm trở lại đây (2023–2024), ACBS tăng trưởng rất mạnh. Kế hoạch 2025 cũng cho thấy tăng trưởng mạnh cả về tổng tài sản", ông Ân chia sẻ thêm.
Cụ thể, tổng tài sản của công ty này tăng nhanh, từ dưới 7.000 tỷ đồng năm 2022 lên kế hoạch khoảng 32.000 tỷ đồng trong năm 2025 – tương đương gấp gần 5 lần chỉ sau 3 năm.
"Đó là một tốc độ 'thánh gióng', như vậy, có thể thấy ACB đang bắt đầu thực sự quan tâm đến việc phát triển ACBS", chuyên gia nói.
Trong hai năm vừa qua, ACB đã gặp nhiều khó khăn trong việc giải ngân ra, có thể do đó định hướng chiến lược thay đổi – chuyển dịch sang hoạt động chứng khoán, thông qua công ty con là ACBS.
Việc này giúp công ty con đóng vai trò như cánh tay nối dài để thực hiện các chiến lược tài chính hơn như cho vay margin, cho vay các thương vụ (deal) trên thị trường.Về nguyên tắc, định hướng hoạt động của công ty con luôn phải nằm trong chiến lược tổng thể của ngân hàng mẹ.
"Tuy ACBS có thể không hoạt động quy mô như TCBS của Techcombank, nhưng vai trò phụ trợ của nó có thể tác động đến định giá của ACB trong tương lai", chuyên gia nhấn mạnh.

(Nguồn: Wigroup)
Sacombank: Đặt nền móng cho giai đoạn hậu tái cơ cấu
Đối với Sacombank, tính đến nay, ngân hàng chỉ còn nắm khoảng 13% cổ phần tại Công ty Chứng khoán DNSE (SPS) và không có ý định tăng sở hữu tại đây. Tuy nhiên, tại Đại hội đồng cổ đông năm 2025, Sacombank đã hé lộ kế hoạch mua lại một công ty chứng khoán với tỷ lệ sở hữu trên 50%.
Động thái này được giới phân tích đánh giá là bước đi chiến lược, chuẩn bị cho giai đoạn sau tái cơ cấu – khi ngân hàng cần một nền tảng đủ mạnh để triển khai các hoạt động tài chính đa dạng hơn.
Theo chia sẻ từ ông Ân, suốt 15 năm qua, Sacombank hầu như không đặt vấn đề phát triển công ty chứng khoán như một phần trong hệ sinh thái tài chính. Tuy nhiên, trong bối cảnh vừa hoàn tất phần lớn lộ trình tái cơ cấu, ngân hàng này được cho là đang tính toán lại chiến lược mở rộng – bao gồm cả việc sở hữu hoặc thành lập một công ty chứng khoán để bổ trợ hoạt động kinh doanh ngân hàng.
“Tôi cho rằng Sacombank sẽ không chọn mô hình phát triển như Techcombank, bởi mức độ rủi ro cao có thể khiến cơ quan quản lý hạn chế một chút. Thay vào đó, họ có thể đi theo hướng với ACBS, một chiến lược an toàn hơn và phù hợp với đặc điểm ngân hàng,” ông Ân nhận định.

(Nguồn: Wigroup)
Chuyên gia này cũng chỉ ra rằng so với ACB, Sacombank từng có vị thế tương đương trong quá khứ, nhưng hiện nay quy mô tổng tài sản đã chênh lệch đáng kể. Trong khi ACB đạt khoảng 900.000 tỷ đồng, thì Sacombank chỉ vào khoảng 750.000 tỷ – mức chênh lệch (150.000 tỷ) phần lớn đến từ tốc độ tăng trưởng thấp trong giai đoạn dài.
“Trong khoảng 15 năm qua, tăng trưởng bình quân của các ngân hàng niêm yết rơi vào khoảng 10–18% mỗi năm, nhưng Sacombank chỉ đạt khoảng 12%. Điều đó khiến ngân hàng này dần thu hẹp quy mô so với các đối thủ,” ông Ân cho biết.
"Nhưng mà bù lại cái đó là Sacombank có bao nhiêu tăng trưởng bấy nhiêu, còn đối với ACB đang đối mặt với bài toán được phân bổ nhiều room nhưng dùng không hết thì lãng phí, mà dùng vào đâu cũng cần tính toán kỹ. Có thể vì vậy, ACB đang hướng dòng vốn sang hoạt động chứng khoán. Và rất có thể Sacombank cũng đang cân nhắc theo hướng này," chuyên gia nhận định.
Với giả định room tín dụng có thể được nới sau tái cơ cấu, ông Ân cho rằng việc thành lập hoặc sở hữu một công ty chứng khoán sẽ giúp Sacombank linh hoạt hơn trong việc phân bổ vốn, đặc biệt khi dư địa tăng trưởng tín dụng không được sử dụng hết.
Việc mua công ty chứng khoán, về nguyên tắc, không phải để cấp margin trực tiếp từ ngân hàng mẹ, nhưng công ty chứng khoán có thể huy động vốn riêng (qua trái phiếu), hoặc được ngân hàng mẹ góp vốn tăng vốn điều lệ – từ đó gián tiếp hỗ trợ giải ngân.
"Quan điểm cá nhân phỏng đoán, theo tôi nhiều khả năng Sacombank đã có sự chuẩn bị cho chiến lược này trong giai đoạn 3 năm tới", ông Ân cho hay.
Hội thảo Khoa học ‘Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế’ do Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam chủ trì, Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam tổ chức. Hội thảo khoa học sẽ diễn ra vào lúc 8h00 ngày 26/05/2025, tại Khách sạn Thắng Lợi, 200 Yên Phụ, TP Hà Nội.
Hội thảo có sự hiện diện và tham gia thảo luận của đại diện một số cơ quan Đảng, bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế đầu ngành, đại diện Hội và hiệp hội, đại diện ngân hàng, doanh nhân tư nhân…
Bên cạnh các bài tham luận riêng từ đại diện cơ quan Đảng, các chuyên gia và đại diện hiệp hội, … Hội thảo cũng tập trung thảo luận các nhóm vấn đề chính như cơ hội, tiềm năng, thách thức của kinh tế tư nhân trong sứ mệnh một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, cũng như việc thể chế hóa đầy đủ và khoa học Nghị quyết 68/NQ-TW vào thực tiễn trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.