Những chàng trai bỏ bằng đại học về quê chăn nuôi làm giàu

12:29 | 04/06/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Nhiều thanh niên trẻ hiện nay đã từ bỏ bằng đại học với công việc văn phòng có đồng lương ít ỏi ở thành phố để về quê phát triển chăn nuôi làm giàu cho quê hương.

Thầy giáo trẻ rời bục giảng lên rừng nuôi ong

Theo thông tin trên báo VnExpress, năm 2010, ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, anh Đỗ Nguyên Đức, xã Cự Thắng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ đã rời chốn thành đô, mang ước vọng trở thành thầy giáo, gieo con chữ cho các em nhỏ nơi vùng quê nghèo nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, sau 3 năm giảng dạy, anh Đức nhận thấy cơ hội để phát triển nghề nghiệp không nhiều. Cùng thời điểm đó, anh trăn trở về hướng phát triển kinh tế gia đình - nuôi ong. Sau khi tìm hiểu thị trường, để ý thấy nghề này có nhiều tiềm năng và mang lại lợi nhuận ổn định, anh đã mạnh dạn từ bỏ công việc hiện tại và quyết tâm nối nghiệp cha.

Những chàng trai bỏ bằng đại học về quê chăn nuôi làm giàu - ảnh 1
Anh Đỗ Nguyên Đức tâm huyết với nghề nuôi ong.

Khi biết ý định của anh Đức, nhiều bạn bè, hàng xóm đều xì xào ngờ vực. Ở nông thôn, ít ai tin một cử nhân đại học đã mất 4 năm đèn sách lại quyết định gác bỏ tất cả để lên rừng nuôi ong. Bất chấp mọi lời can ngăn, chàng cử nhân Sư phạm vẫn quyết tâm khởi nghiệp. Cha của anh Đức vốn có thâm niên trong nghề, vì vậy ông đã truyền hết mọi kinh nghiệm, tâm huyết của mình cho con trai.

Đang tuổi sức dài vai rộng, lại thêm sự ủng hộ nhiệt tình của cha, anh Đức không ngừng học hỏi kinh nghiệm ở khắp nơi với hy vọng sẽ sớm nhân đôi, nhân ba số ong hiện có của gia đình. 

Những chàng trai bỏ bằng đại học về quê chăn nuôi làm giàu - ảnh 2
Đàn ong của anh Đức ngày càng nhân rộng.

Kết quả, sau 5 năm kiên trì, số đàn ong của gia đình anh từ 10 đàn đã tăng lên gấp nhiều lần, mô hình nuôi ong của anh Đức đã nhanh chóng trở thành hướng đi tiêu biểu của thanh niên xã Cự Thắng. Khi quy mô phát triển, anh di chuyển toàn bộ đàn ong lên khu rừng phòng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho chúng lấy mật hoa rừng và thu hút nhiều đàn ong rừng về làm tổ.

Anh Đức chia sẻ: "Kể từ khi nắm được kỹ thuật, tôi quản lý đàn ong dễ dàng, chu kỳ quay mật là 15 ngày một lần. Một tháng tôi thu hoạch hơn 100 lít và luôn đảm bảo đầu ra đền đặn, thu nhập dao động từ 20-25 triệu đồng".

Anh Đức chia sẻ, trong năm tới lượng ong của anh sẽ được nhân lên gấp 3 lần và anh sẽ tiếp tục mở rộng quy mô để phát triển kinh doanh. Anh Đức hướng tới xây dựng thương hiệu mật ong riêng với mong muốn người dân được tiếp cận với loại mật đảm bảo và chất lượng tốt.

Cử nhân Quản trị Kinh doanh thành "tỷ phú nuôi lợn"

Báo Lao động kể câu chuyện, anh Đỗ Mạnh Hùng sinh năm 1991 ở Thái Thụy, Thái Bình, sau khi tốt nghiệp ngành Quản trị Kinh doanh, ĐH Ngoại ngữ Tin học Thành phố Hồ Chí Minh, quyết định về quê mở trang trại nuôi lợn.

Hiện nay, 9x này được biết đến là ông chủ của trang trại Nam Sơn, là người có công đầu tiên trong xây dựng mô hình nuôi lợn rừng Thái lớn nhất tỉnh Thái Bình. Nhiều người dân trong vùng gọi anh với cái tên "tỷ phú nuôi lợn".

Tới cuối năm 2017, anh đã có gần 100 con lợn giống và nhân giống ra khoảng gần 500 lợn con mỗi lứa. Một tháng doanh thu của trang trại khoảng 100-200 triệu đồng.

Mọi thành công đều được thử thách bởi nhiều gian lao. Khi quyết định từ chối công việc có thu nhập cao ở thành phố để về quê nuôi lợn, Hùng đã vấp phải sự phản đối của gia đình. Bởi trong suy nghĩ của nhiều người, đã tốn công sức và tiền bạc ăn học ở thành phố thì phải làm việc ở thành phố, huống chi đây lại về quê và trở thành nông dân. Nhưng những kiến thức Đỗ Mạnh Hùng thu thập được sau quãng thời gian học tập không hề bỏ phí, anh đã vận dụng linh hoạt kiến thức vào thực tiễn.

Những chàng trai bỏ bằng đại học về quê chăn nuôi làm giàu - ảnh 3
Với Đỗ Mạnh Hùng, bỏ bằng đại học nhưng những kiến thức học được trong thời gian này lại không hề bỏ phí.

Bước đầu, những khó khăn liên tục cản trở anh hoàn thiện ước mơ làm giàu. Khởi nghiệp với gần 100 triệu đồng với các giống gà, ngan, vịt thì đều thất bại. Đặc biệt, cơn bão năm 2013 “thổi bay” trang trại khiến anh mất trắng. Chính những bài học thất bại đó đã khiến Đỗ Mạnh Hùng tích lũy kinh nghiệm thực tế để không vấp thêm lần nào nữa, nông trại cứ thế tiến bước phát triển.

Học hỏi kinh nghiệm khắp nơi, trải qua những bài học do chính mình trải nghiệm, Hùng chọn ra hướng đi mới là nuôi lợn rừng Thái. “Giống lợn Thái có nhiều ưu điểm hơn so với lợn Việt Nam, như sức đề kháng cao, ít tốn công chăm sóc, tự thụ tinh chứ không cần sự can thiệp của con người, chuồng trại đơn giản, chi phí chăn nuôi thấp”, anh Hùng nói.

Ngoài ra, trang trại Nam Sơn kết hợp mô hình ao cá, cây trồng... mang lại thu nhập ổn định, tạo việc làm cho một số lao động trong khu lân cận.

Trang trại Nam Sơn ngày càng thu hút nhiều bà con nông dân đến học hỏi kinh nghiệm, mở rộng phạm vi làm giàu, góp phần vào sự phát triển của địa phương.

Đỗ Mạnh Hùng trong tương lai cũng có ý định cải tiến trang trại theo hướng khoa học - công nghệ, thu hút nhiều lao động địa phương.

Anh tâm niệm, chỉ cần có lòng kiên trì thì mọi việc sẽ thành công.

Kỹ sư Hóa học về quê mở trang trại

Câu chuyện tương tự được chia sẻ trên báo Nhà đầu tư. Sau khi tốt nghiệp Khoa Hóa, Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội, anh Trần Văn Phóng (sinh năm 1983, thôn Trần Phú, xã Vũ Đông, thành phố Thái Bình) làm việc tại một số công ty ở Hà Nội. Làm được một thời gian, anh bỏ việc về quê đầu tư vào chăn nuôi. 

Khi biết việc làm này của anh, nhiều người ở làng trên, xóm dưới bảo anh bị “khùng” khi bao năm đèn sách mà giờ bỏ về quê chăn nuôi, phí công học hành. 

Gạt bỏ những lời bàn tán của mọi người, năm 2007, anh Phóng vay mượn được 5 triệu đồng cùng với số tiền ít ỏi của mình để đầu tư mua 5 lợn nái và 30 lợn thương phẩm. Anh kể: “Thiếu rất nhiều vốn, lại chưa có kinh nghiệm, tôi đi học tập cách làm ở các trang trại làm ăn hiệu quả và đọc thêm các sách kỹ thuật về chăn nuôi. Nhiều đêm tôi thức trắng lo cho mấy con lợn ốm, rồi lặn lội đi tìm những bác sĩ thú y giỏi để chữa trị và học hỏi thêm kinh nghiệm”.

Quá trình chăn nuôi, lượng thức ăn, loại thức ăn cho mỗi con vật được anh Phóng ghi chép cẩn thận. Năm đầu tiên, anh thu lãi khoảng 45 triệu đồng. Năm 2008, 2010 có dịch lở mồm long móng, bệnh tai xanh ở lợn, vừa làm anh vừa phải học hỏi kinh nghiệm, xây dựng phác đồ điều trị, phục hồi dần dần nên thiệt hại không đáng kể, vẫn duy trì được đàn.

Căn cứ nhu cầu của thị trường để sản xuất, chăn nuôi, năm 2010 anh Phóng nuôi thí điểm một đôi lợn rừng, sau đó học hỏi kinh nghiệm các trang trại rồi từng bước mở rộng quy mô. Năm 2011 anh chuyển toàn bộ đàn lợn từ khu dân cư sang vùng đất chuyển đổi. Với diện tích 11.000 m2, anh đầu tư chuồng trại chăn nuôi lợn, bò sinh sản, thả cá.

Những chàng trai bỏ bằng đại học về quê chăn nuôi làm giàu - ảnh 4
Mô hình nuôi thỏ New Zealand trong trang trại chăn nuôi do anh Trần Văn Phóng (trái) gây dựng.

Bên cạnh đó, năm 2013 anh đầu tư xây chuồng, học kinh nghiệm để nuôi thỏ New Zealand. Toàn bộ chất thải của thỏ đều được tận dụng làm thức ăn cho giun quế, góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Lượng giun thu được anh đã sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, phân giun bán cho những người trồng rau sạch và hoa lan. 

Sau nhiều nỗ lực đầu tư, đến nay gia trại của gia đình anh Phóng đã cho “quả ngọt”. Hiện tại, anh đang nuôi 30 lợn nái, 300 lợn thịt thương phẩm, 20 lợn nái rừng, 100 lợn rừng thương phẩm, khoảng 200 thỏ sinh sản, hơn 500 thỏ thương phẩm, 6 sào ao thả cá. Mỗi năm mô hình chăn nuôi của anh thu lãi hơn 200 triệu đồng và tạo việc làm cho một số lao động.

Chàng kỹ sư hóa học ngày nào đã trở thành một nông dân chính hiệu với thu nhập cao và nhận được sự thán phục, đồng cảm, trân trọng của bạn bè và những người thân trong gia đình. Trang trại của anh Phóng cũng là một “địa chỉ đỏ” cho nhiều thanh niên đến học tập kinh nghiệm.

Hiện nay, khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đang là lĩnh vực nhận được sự quan tâm, hỗ trợ lớn của Nhà nước. Chính phủ cũng như các tổ chức như Hội Nông dân Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã  Việt Nam, Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ... liên tục đưa ra những chương trình thúc đẩy sự phát triển của phong trào khởi nghiệp tại nông thôn. Mới đây nhất, chương trình “Khởi nghiệp xanh trên quê hương Việt Nam” do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ phối hợp tổ chức đã huy động được 200 tỷ đồng để hỗ trợ cho các ý tưởng khởi nghiệp phát triển nông nghiệp nông thôn nhằm thu hút trí thức trẻ khởi nghiệp và hỗ trợ thanh niên nông thôn làm giàu bền vững trên mảnh đất quê hương.

My Anh (T/h)

ĐỌC NHIỀU