Những `chiến binh` trong phòng xét nghiệm SARS-CoV-2
“Xuyên đêm” lấy mẫu xét nghiệm…
Từ khi dịch bùng phát tại Quảng Bình,, ngành Y tế tỉnh này đã khẩn trương truy vết, khoanh vùng các khu vực phát hiện những ca mắc nhằm triển khai các biện pháp dập dịch, không để lây lan ra cộng đồng.
Là một trong những lực lượng tuyến đầu có vai trò tiên quyết trong việc phát hiện các ca nhiễm, những ‘chiến binh’ của Phòng xét nghiệm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Bình vẫn ngày đêm luân phiên nhau kiểm tra hàng nghìn mẫu bệnh phẩm mỗi ngày.
Cán bộ CDC Quảng Bình kiểm tra các mẫu bệnh phẩm trước khi đưa vào phòng xét nghiệm
“Để công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả thì công tác xét nghiệm được coi là then chốt. Trong những ngày cao điểm phát hiện các ca dương tính, số lượng mẫu bệnh phẩm liên quan cần phải xử lý tăng đột biến, có khi lên đến gần 2.000 mẫu. Do đó, đội ngũ y bác sĩ và nhân viên phòng xét nghiệm từ ngày phát hiện các ca nhiễm đầu tiên hầu như đều phải luôn túc trực 24/24 để thực hiện nhiệm vụ” - ông Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc CDC Quảng Bình cho biết.
Đáng nói hơn, hiện CDC Quảng Bình chỉ có 5 người đủ tiêu chuẩn để thực hiện xét nghiệm nên vào những ngày cao điểm, khối việc công việc đối với họ là rất lớn. Do đó, để đảm bảo công tác kiểm tra mẫu bệnh phẩm được thực hiện liên tục, những‘chiến binh’ phía sau cánh cửa phòng xét nghiệm phải tiến hành phân chia công việc theo từng ca một cách khoa học.
Vất vả là thế nhưng ai cũng trong tâm thế đầy năng lượng với sự cẩn trọng trong từng công đoạn, tất cả đều nỗ lực với mục tiêu nhanh chóng có kết quả xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm chính xác nhất. Điều này quyết định rất lớn trong việc hỗ trợ công tác khoanh vùng, dập dịch, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.
“Nhân lực của CDC không được dồi dào nên chúng tôi phải sắp xếp, chia các ca làm việc một cách khoa học nhất. Nhiều lúc có người phải làm 2 – 3 ca trong bộ đồ bảo hộ kín mít nhưng mỗi chúng tôi ai cũng nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Cùng với đó là sự quan tâm, khích lệ của sở và ban lãnh đạo cấp trên cũng tiếp thêm cho chúng tôi nguồn động lực rất lớn trong những lúc cao điểm xét nghiệm.” - chị Đoàn Thị Ngọc Mai, Cán bộ Phòng xét nghiệm CDC Quảng Bình chia sẻ.
Từ khi dịch bùng phát, trụ sở CDC Quảng Bình dường như luôn đỏ đèn từ tối cho tới sáng
Dịch bùng phát và diễn biến phức tạp, CDC Quảng Bình trở thành trung tâm đầu não trong hệ thống xét nghiệm của tỉnh để phát hiện các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Mỗi ngày, hàng nghìn mẫu bệnh phẩm được đội ngũ lấy mẫu vận chuyển trong các hòm về cơ sở để tiến hành xét nghiệm.
Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, số lượng mẫu bệnh phẩm cần xét nghiệm SARS-CoV-2 tăng đột biến nên hơn 1 tháng nay chị Đoàn Thị Ngọc Mai vẫn chưa được về nhà. Thời điểm này, chị Mai và các đồng nghiệp hầu như phải làm việc xuyên đêm trong căn phòng xét nghiệm không bao giờ tắt đèn của CDC Quảng Bình. Họ đang ngày đêm thầm lặng, từng giờ từng phút chạy đua với thời gian để nhanh chóng có kết quả các mẫu xét nghiệm sao cho chính xác nhất.
“Khi đội lấy mẫu chuyển mẫu bệnh phẩm từ cơ sở về là bọn mình tiến hành xét nghiệm ngay để có kết quả sớm nhất. Dù vất vả vì phải thường xuyên thức khuya đến 2 - 3h sáng nhưng chúng tôi vẫn luôn cố gắng để có được những kết quả xét nghiệm nhanh chóng và chính xác nhất”, chị Mai tâm sự.
Cần mẫn thầm lặng hi sinh
Làm việc trong môi trường độc hại và nguy cơ lây nhiễm cao, đội ngũ cán bộ nhân viên phòng xét nghiệm CDC Quảng Bình bắt buộc phải mặc những bộ đồ bảo hộ nóng bức trong suốt quãng thời gian làm việc. Họ phải chia thành nhiều kíp để làm việc xuyên ngày, xuyên đêm nên việc ‘tắm’ mình trong hóa chất những ngày cao điểm thực hiện nhiệm vụ là chuyện hết sức bình thường.
Bởi, đằng sau cần mẫn của những con người đó chính là sự chờ đợi, hy vọng của cả ngành y tế tỉnh và người dân về kết quả của các mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2.
Cán bộ y tế trong những bộ đồ kín mít trong phòng xét nghiệm...
Chị Nguyễn Thị Kiều, một nhân viên của CDC Quảng Bình cũng chia sẻ: “Ở trong phòng xét nghiệm thời điểm này thì gần như không có định nghĩa về thời gian. Có những khi các nhân viên CDC theo xét nghiệm mà quên bữa, nhiều lần dùng bữa tạm bằng mì gói rồi tiếp tục công việc. Lúc nào rảnh lắm thì cũng chỉ kịp nhờ anh chị trong đơn vị đặt giúp một tô bún hay gì đó ăn cho đỡ ngán mì...”
Vì trách nhiệm công việc, mấy tháng nay chị Kiều hầu như cũng không còn thời gian để chăm sóc gia đình, đặc biệt là 2 đứa con nhỏ. Chồng đi làm xa, để yên tâm công tác, chị Kiều phải gửi con cho người quen chăm sóc hộ.
“Nhà cách cơ quan cũng không xa, nhưng lâu lắm chưa về nhà. Tôi phải nhờ và động viên các con để cháu không khóc đòi mẹ. Lúc rảnh mình cũng tranh thủ gọi điện để trò chuyện với các con. Các cháu hỏi khi nào mẹ về thì phải nói đợi mẹ bắt được con COVID rồi mẹ về” - chị Kiều kể.
... đến những bữa ăn vội ngay tại cơ quan
Theo các nhân viên CDC Quảng Bình, để thực hiện tốt việc xét nghiệm, ngoài kỹ năng chuyên môn còn đòi hỏi người thực hiện có sự tập trung, kiên nhẫn, tỉ mỉ, khéo léo… Bởi chỉ cần một tí sao nhãng mà bỏ qua hoặc thao tác sai dù chỉ một bước nhỏ thì quy trình xét nghiệm cả trăm mẫu sẽ cho kết quả sai.
Cùng với đó, việc hàng ngày phải tiếp xúc gần với những mẫu bệnh phẩm có nguy cơ cao là tác nhân gây bệnh cũng khiến họ không khỏi lo lắng. Tuy nhiều áp lực nhưng mọi người không bao giờ có suy nghĩ sẽ bỏ cuộc, bởi họ hiểu được ý nghĩa công việc của bản thân
Ông Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc CDC Quảng Bình cho biết thêm, hiện nay khi số lượng mẫu bệnh phẩm cần xử lý, xét nghiệm vẫn còn nhiều. Hiểu được những khó khăn của các cán bộ, nhân viên, Giám đốc CDC Quảng Bình luôn quan tâm động viên để họ có thêm động lực vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Vũ Hoàng - Tố Nhã
Xem thêm: Hai cha con ở Quảng Bình lái xe cấp cứu vào TP.HCM hỗ trợ chống dịch