Những ‘cơn sốt’ vàng trong 15 năm qua

Hạ An 13:05 | 15/06/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
15 năm qua, giá vàng trong nước đã trải qua nhiều đợt thăng trầm, hiện tượng tăng vọt rồi giảm sâu tạo ra các “cơn sóng” vàng - điều không còn quá xa lạ với các nhà đầu tư.

 

Theo dữ liệu chúng tôi có được, trong giai đoạn gần 15 năm qua, kể từ năm 2011, thị trường vàng Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn biến động mạnh, ước tính có 5 cơn sốt vàng đã diễn ra với “độ nóng” khác nhau.

Cơn sốt 2011 – 2012

Mốc thời gian này được lựa chọn là cơn sốt vàng gần nhất trước khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 24 siết chặt hoạt động của thị trường vàng. Ở những năm trước đó, giá vàng cũng liên tục tăng giảm không theo quy luật nhưng chịu chi phối nhiều bởi giá vàng thế giới, xu hướng chung vẫn là tăng giá.

Nếu như mức giá bình quân mỗi lượng vàng vào những năm 2000 là 6,8 triệu đồng thì đến cuối năm 2011, giá vàng đã đạt mức 42 triệu đồng/lượng, tăng khoảng 16,8% so với cuối năm trước. Trong tháng 8/2021, có thời điểm giá vàng đã gần chạm ngưỡng 49 triệu đồng/lượng (theo dữ liệu từ NHNN).

Những diễn biến nóng của giá vàng khiến NHNN ban hành Thông tư 24 với nhiều biện pháp quản lý giá vàng và hạn chế tình trạng vàng hoá trong nền kinh tế.

Năm 2012, giá vàng biến động nhẹ vào đầu năm và tiếp tục ghi nhận cơn sốt vào thời điểm tháng 8 đến tháng 10 khi NHNN đóng trạng thái vàng của các ngân hàng thương mại – một hoạt động gây rủi ro, mất an toàn của hệ thống ngân hàng.

Đầu tháng 8/2012, dòng tiền ồ ạt đổ vào thị trường đã đẩy giá mặt hàng này tăng nhanh từng ngày, trái ngược với tình cảnh ảm đạm như các kênh đầu tư khác cùng thời điểm đó. Giá tăng mạnh vượt qua mốc 43 triệu đồng/lượng chỉ trong một thời gian ngắn rồi đứng ở mức cao, dù diễn biến giá vàng trên thị trường thế giới đã bớt “nóng”.

Từ cuối tháng 10 kéo sang tháng 11, thị trường vàng trong nước thêm một lần nữa lại “dậy sóng”. Cơn sốt vàng lần này chủ yếu là do các ngân hàng thương mại đẩy mạnh mua để thực hiện quy định của Nghị định 24.

Dù có những cơn sốt giá, nhưng giá vàng năm 2012 vẫn không vượt qua kỷ lục của năm 2011.Giá vàng xác lập đỉnh trong năm 2012 tại xấp xỉ 48,5 triệu đồng/lượng vào trung tuần tháng 10, đầu tháng 11.

2012 cũng là năm mà vàng SJC được chọn làm thương hiệu vàng miếng của Nhà nước, loại vàng làm chuẩn cho toàn quốc, bắt đầu từ đây, có sự chênh lệch giá rất lớn giữa vàng SJC và các thương hiệu vàng khác. Khi ấy, giá vàng SJC dao động trong khoảng 46,3 triệu đồng/lượng.

Đến năm 2013, giá vàng giảm dần, không còn các đợt sốt như những năm trước. Giá vàng SJC phiên đầu năm được niêm yết ở giá 46,34 - 46,74 triệu đồng/lượng (mua – bán), đến phiên cuối năm 2013 giảm về còn 34,7 - 34,78 triệu đồng/lượng. Như vậy, sau một năm, giá vàng SJC giảm 11,64 triệu đồng/lượng chiều mua vào và giảm 11,96 triệu đồng/lượng chiều bán ra, tương đương giảm khoảng 26% trong một năm.

Cơn sốt 2016 - 2017

Trải qua ba năm giá vàng giảm dần và không có nhiều biến động, năm 2016 giá vàng nổi một “cơn sốt nhẹ”.

Rất hiếm khi giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới, nhưng lần đầu tiên trong năm 2016, giá vàng SJC thấp hơn hai lần so với giá vàng thế giới.  Lần thứ nhất xảy ra vào ngày 10/3, giảm hơn 130.000 đồng/lượng. Lần thứ hai xảy ra vào ngày 30/6, giảm khoảng 290.000 đồng/lượng.

Trong năm 2016, giá vàng có lúc chạm mốc 40 triệu đồng/lượng, nhưng nhanh chóng ổn định ngay sau đó và biến động rất chậm cả ở trong nước và quốc tế. Đầu năm 2017, giá vàng tăng nhẹ lên 36,1 triệu đồng/lượng, cuối năm, giá vàng neo ở mức 36,44 triệu đồng/lượng.

Cơn sốt 2020 – 2021

Giá vàng một lần nữa dậy sóng mạnh trong năm 2020 khi cả thế giới trải qua đại dịch COVID-19. Trong những giai đoạn nền kinh tế khó khăn, xã hội bất ổn thì vàng luôn là một kênh trú ẩn an toàn.

Giá vàng tăng nhanh, tăng liên tục, đạt đỉnh vào ngày 9/8 ở mức 60,32 triệu đồng/lượng tại thị trường Việt Nam. Giá vàng SJC cao hơn giá vàng thế giới rất nhiều, giá mua vào cao hơn 4 triệu đồng/lượng và giá bán ra cao hơn 2 triệu đồng/lượng. Dù vào cuối năm, giá vàng có giảm nhưng chỉ là mức giảm rất nhẹ.

Sang năm 2021, giá vàng biến động vô cùng thất thường như những bất định của nền kinh tế thế giới. Tuần đầu tiên của năm, giá vàng ở mức 57,32 triệu đồng/lượng, đến cuối năm, giá vàng tăng lên ở mức 61 triệu đồng/lượng.

Theo các chuyên gia, sự biến động thất thường của thị trường vàng trong năm 2021 là hậu quả của rất nhiều yếu tố bao gồm: dịch bệnh, lạm phát, chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới. Đồng thời, giá vàng cũng chịu tác động trong sự thay đổi của đồng USD, do đồng USD có tăng giá trên 7% so với các đồng tiền dự trữ khác. Chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới ghi nhận khoảng cách lớn, lên đến 12 triệu đồng/lượng.

 

Cơn sốt 2022 – 2023

Không chỉ dậy sóng, giá vàng tiếp tục tăng phi mã khi Nga chính thức xung đột với Ukraine từ ngày 24/2/2022. Trong 8 tháng đầu năm 2022, giá vàng tăng 6,5% và phải đến quý III mới hạ nhiệt. Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Tuy nhiên, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và vàng quốc tế đã được kéo xa.

Cuối tháng 9/2022, giá vàng thế giới đạt 1.787 USD/ounce, tăng khoảng 3,2% so với mức giá của tháng trước đó. Tuy nhiên, ở Việt Nam giá vàng tăng mạnh lên mức khoảng 66-67 triệu đồng/lượng, chênh với vàng thế giới khoảng 19 triệu đồng/lượng.

Chênh lệch giá vàng vào tháng 9/2022 cũng là mức cao nhất lịch sử, tương đương 42% giá vàng thế giới.

Đến năm 2023, nhu cầu vàng trên thế giới hầu hết suy yếu khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt mạnh mẽ và liên tục tăng lãi suất.

Cơn sốt vàng 2024

Sang đến đầu năm nay, giá vàng trở lên “điên loạn” và lại tiếp tục không tuân theo một quy luật nào. Giá vàng trong nước liên tục tăng và lập đỉnh mới trong khi giá vàng thế giới đi ngang, nới rộng chênh lệch giá vàng.

Mở đầu năm 2024, giá vàng khởi đầu ở mức khoảng 70 triệu đồng/ lượng nhưng sau 5 tháng đã tạo đỉnh mới tại mốc 92 triệu đồng/lượng vào ngày 11/5. Giá kim loại quý này biến động mạnh sau khi Chính phủ yêu cầu khẩn trương kiểm tra quản lý thị trường vàng và NHNN công bố đấu thầu vàng miếng.

Tuy nhiên, khác với năm 2013 giá vàng giảm ngay sau khi NHNN đấu thầu, năm nay giá vàng không những không giảm mà còn tiếp tục tăng lên đỉnh lịch sử 92 triệu đồng/ lượng. Sau 9 phiên đấu thầu, giá vàng vẫn giữ ở khoảng trên dưới 90 triệu đồng.

Người dân xếp hàng mua vàng tại Vietcombank sáng 10/6. (Ảnh: H.Mĩ).

Sau đó, để giải quyết tình trạng “nhảy múa” của giá vàng, NHNN đã phải thực hiện bán vàng trực tiếp tới tay người dân thông qua 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước gồm: BIDV, Agribank, VietinBank Vietcombank và Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC).

Ngay sau khi tiết lộ thông tin sẽ bán vàng miếng qua các ngân hàng, giá vàng lập tức giảm mạnh đến hơn 10 triệu đồng/lượng chỉ trong vài ngày ngắn ngủi. Giá vàng mà NHNN bán cho các ngân hàng chỉ khoảng 78,9 triệu đồng (ngày 3/6) và giảm tiếp xuống 77,9 triệu đồng (ngày 4/6), sau đó là 76,9 triệu đồng (ngày 5/6), 75,9 triệu đồng (ngày 6/6) và đi giữ nguyên đến thời điểm hiện tại.

Do đó, giá vàng cũng liên tiếp giảm theo giá bán của NHNN, các ngân hàng thương mại và SJC chỉ bán cao hơn giá NHNN 1 triệu đồng và hiện giao dịch ở mức 76,98 triệu đồng/lượng kéo dài từ 6/6 đến nay.

Như vậy, động thái mạnh mẽ của NHNN có thể đã kết thúc cơn sóng vàng 2024 khi mức giá hiện tại đã giảm tới 13 triệu đồng so với mốc 92 triệu đồng được ghi nhận hồi tháng 5. Đồng thời, mức chênh lệch giữa giá vàng thế giới và vàng trong nước đã được thu hẹp đáng kể chỉ còn khoảng 6 – 7 triệu đồng/lượng.