Những đặc điểm của một người sếp 'trên cả tuyệt vời'
Chắc có đôi lần, bạn từng nghe đến một câu ngạn ngữ: “Người ta không từ bỏ công việc, mà chỉ từ bỏ ông chủ”. Đúng vậy, mỗi một người thương yêu thích một công việc, nghề nghiệp và gắn bó với nó suốt đời nhưng lại không thể làm việc ở đời ở một công ty, một cơ quan nào. Một trong những nguyên nhân chính nằm ở chỗ những vị sếp. Sếp tốt sẽ giữ chân nhân viên lâu, sếp không tốt sẽ nhanh chóng mất đi những nhân viên tài giỏi.
Từ "sếp" ở Việt Nam được dùng để nói chung về ông chủ (Boss), là người quản lý (Manager) hoặc người lãnh đạo (Leader), trong ngôn ngữ nói được hiểu chung là cấp trên.
Nếu bạn may mắn được làm việc cùng những vị sếp có các đặc điểm dưới đây thì hãy cố gắng, tiếp tục làm việc, cống hiến hết mình nhé. Bởi họ thực sự là những người sếp tốt, ở lại càng lâu với họ, bạn sẽ học hỏi được nhiều điều.
Khen công khai, phê bình riêng tư
Trong cuốn sách Đắc nhân tâm (How to Win Friends & Influence People), Dale Carnegie đã nói rằng: "Hãy chân thành khi cảm kích người khác, và đừng tiết kiệm lời khen tặng". Điều này không thể đúng hơn khi nói về những người đang làm nhiệm vụ quản lý hay các ông chủ.
Con người ai cũng thích được khen ngợi và không bao giờ có giới hạn về số lời khen cả. Càng được khen, chúng ta sẽ cảm thấy tự hào, tin tưởng và cố gắng nhiều hơn để luôn được nghe những mỹ từ đó. Đây là bản năng của con người và cũng nhờ đó mà chúng ta phát triển. Một ông chủ tuyệt vời sẽ hiểu được quy luật này và biết cách vận dụng nó để thúc đẩy tinh thần làm việc của đội ngũ nhân sự.
Ngược lại, nếu bạn mắc phải sai lầm nào đó, sếp gọi bạn vào phòng riêng để phê bình, nhắc nhở, đồng thời có thể cho bạn những lời khuyên hữu ích/ những gợi ý để bạn khắc phục sai lầm đó. Điều đó thể hiện sếp của bạn luôn nghĩ tốt cho bạn, họ bắt buộc phải phê bình bạn để bạn nhận ra sai lầm & tiến bộ hơn nhưng bằng cách phê bình khéo léo để giữ thể diện cho bạn trong mắt đồng nghiệp và mọi người.
Luôn thân thiện với nhân viên
Bạn có thấy hạnh phúc khi một ngày đẹp trời, sếp đưa tên mình vào trong lời chào: “Chào…, chúc em buổi sáng tốt lành” hay thi thoảng sếp hỏi han ngày sinh nhật, trò chuyện một cách thân mật về khó khăn trong công việc, chuyện gia đình, đưa ra đề nghị được giúp đỡ, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn… Đây thực sự là một vị sếp rất đáng kính đấy.
Những ông sếp tuyệt vời thường quan tâm đến nhân viên một cách chân thành, giản dị và sẵn sàng hỗ trợ cho nhân viên khi cần thiết, không phân biệt làm việc ngoài giờ hay ngày nghỉ.
Trao quyền tự quyết cho nhân viên
Nếu sếp của bạn biết được khi nào nên để cho nhân viên của mình tự xử lý công việc, thì hãy yên tâm rằng, đó không phải là một ông sếp độc đoán muốn kiểm soát bạn từng ly từng tý một.
Sẽ thật là tồi tệ khi có sếp chỉ biết giao việc cho người khác mà không có trật tự hay tổ chức gì cả.
Điều mà bạn sẽ nhận thấy ở người sếp tốt đó là, họ sẽ ủy thác, phân công công việc một cách phù hợp, vì họ biết rõ được thế mạnh và điểm yếu của từng nhân viên.
Họ cũng sẽ không áp dụng cách quản lý chuyên quyền độc đoán mà tạo điều kiện để nhân viên có thể chủ động giải quyết công việc một cách dễ dàng.
Coi nhân viên như khách hàng
Nhân viên là những khách hàng đầu tiên của bạn, là nòng cốt để tạo ra sản phẩm chất lượng và đưa công ty phát triển. Đối xử tốt với họ nghĩa là sẽ có thêm nhiều khách hàng mới, khách hàng tiềm năng và khách hàng trung thành.
Những người sếp tuyệt vời luôn hiểu rõ điều này và đối xử với nhân viên như những báu vật quý giá nhất.
Thường xuyên trao đổi kinh nghiệm với nhân viên
Những nhân viên may mắn là người được làm việc dưới quyền một vị sếp quan tâm đến nghề nghiệp của họ và luôn tìm cách giúp họ được thăng tiến.
Một vị sếp giỏi sẽ xác định được đâu là điểm mạnh của nhân viên và giao cho những dự án để họ có cơ hội tỏa sáng.
Luôn công bằng
Nếu một nhân viên nào đó được yêu thích hơn những người khác sẽ tạo nên những cuộc cạnh tranh không cần thiết trong công ty.
Một vị sếp giỏi sẽ tìm mọi cách để loại bỏ sự cạnh tranh không lành mạnh đến từ việc cố gắng để được yêu thích này và thay vào đó là khuyến khích mọi người cùng nhau làm việc vì lợi ích chung của tổ chức, bộ phận.
Đưa ra mục tiêu rõ ràng trong công việc
Đặt ra những mục tiêu quá cao để chắc chắn rằng nhân viên không thể hoàn thành, từ đó có lý do để trách mắng hoặc cắt thưởng, không tăng lương… chỉ là những chiêu trò hạ đẳng của những ông sếp tồi. Cũng có những ông sếp đưa ra mục tiêu mơ hồ mà ngay chính bản thân họ cũng không thể làm rõ nhưng lại muốn nhân viên hoàn thành mục tiêu “đó” .
Một ông sếp tuyệt vời sẽ đánh giá được khả năng của nhân viên của mình để đưa ra những mục tiêu rõ ràng, phù hợp. Từ đó, tạo điều kiện cho nhân viên phát huy hết khả năng của mình. Và sau đó, họ cũng biết cách ghi nhận, đánh giá và thưởng phạt tương xứng với những cố gắng, kết quả nhân viên đạt được để khích lệ, động viên.
Dám chịu trách nhiệm
Trên thực tế, bạn sẽ thường gặp những người sếp rất vui vẻ khi nhận được sự tán dương cho những thành tích tốt. Nhưng không phải ai cũng có cơ hội làm việc với một nhà quản lý dám đứng lên thừa nhận sai lầm và chịu trách nhiệm khi có sự cố ngoài mong muốn xảy ra.
Để công ty phát triển, bạn không thể mong đợi hoàn toàn vào nhân viên. Nếu bạn muốn thành công thì nhất thiết phải trở thành một người sếp tốt, một người sẵn sàng sống và làm việc cùng nhân viên.