Những điều chưa biết về tân Chủ tịch Coteccons thay thế ông Nguyễn Bá Dương
Ngày 6/10, Công ty CP Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD) đã công bố thông tin ông Nguyễn Bá Dương xin từ nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Coteccons từ 2/10, đồng thời bổ nhiệm ông Bolat Duisenov vào vị trí này từ 5/10.
Như vậy, cuộc chiến giữa nhóm cổ đông ngoại - nội tại Coteccons kéo dài nhiều năm qua có thể đã chấm dứt với sự ra đi của ông Nguyễn Bá Dương, người sáng lập, điều hành Coteccons từ những ngày đầu năm 2004, từ chức vụ Tổng Giám đốc và sau đó là Chủ tịch HĐQT Coteccons.
Ông Nguyễn Bá Dương rút khỏi Coteccons.
Trong hơn 17 năm lãnh đạo, ông Dương đã cùng đội ngũ của mình đạt được nhiều dấu mốc quan trọng. Ông Dương gửi lời cảm ơn đến tất cả cổ đông, thành viên HĐQT, người lao động qua các thời kỳ và chúc Coteccons phát triển ổn định và thành công trong thời gian tới.
Được biết, trước khi giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Coteccons từ ngày 5/10 thay ông Nguyễn Bá Dương, ông Bolat Duisenov cùng với ông Herwig Guido H.Van Hove (quốc tịch Bỉ) được bầu vào HĐQT Coteccons hồi tháng 6 vừa qua với tỷ lệ đồng ý 66,42% và không đồng ý cũng khá cao tới 33,58%.
Đến tháng 9/2020, ông Bolat Duisenov được bổ nhiệm vào vị trí Trưởng Tiểu ban Chiến lược trực thuộc HĐQT thay ông Nguyễn Bá Dương.
Đồng thời, toàn bộ Ban Thư ký HĐQT Coteccons đều đồng loạt từ nhiệm trong tháng 9 vừa qua gồm các ông Vũ Duy Lam, Vũ Kiên Hòa Nhân và Trần Quý Việt Tuấn.
Ông Bolat Duisenov (giữa) phát biểu tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 hồi tháng 6 của Coteccons.
Như vậy, dàn lãnh đạo cao nhất của Coteccons, những đại diện của nhóm cổ đông Kusto và The8th Pte Ltd (nắm 28% vốn) đã sở hữu 4/7 ghế HĐQT. Trong đó, Giám đốc Kusto Việt Nam - ông Bolat Duisenov đã giữ vị trí Chủ tịch HĐQT và Trưởng Tiểu ban Chiến lược, nhân sự mới cũng được bổ nhiệm vào vị trí trọng yếu như Kế toán trưởng.
Ông Bolat Duisenov sinh năm 1981, quốc tịch Kazakhstan, có bằng Thạc sĩ Luật, hiện đang sống tại khu dân cư Đảo Kim Cương, quận 2, TP HCM.
Ông Bolat từng công tác tại Ngân hàng Kaspi và Ngân hàng Texaco - Kazakhstan (2002-2005), Tổng giám đốc Tập đoàn Tandem - Kazakhstan (2005-2008), và từ 2008 đến nay là Tổng giám đốc Kusto Việt Nam. Đồng thời, ông còn là thành viên sáng lập PilotX, Thành viên HĐQT CTCP Gemadept (GMD) và CTCP FiinGroup.
Ngoài ra, ông Bolat cũng là người quản lý phần vốn góp tại nhiều đơn vị khác như 50,99% vốn CTCP Atrix, 50,99% vốn tại CTCP Đầu tư AM, 14% vốn tại CTCP FiinGroup, 98,7% vốn tại PilotX Ventures. Và một số cổ phần tại Tập đoàn Hà Đô - HDG (1.200 cp), Tập đoàn Hoà Phát - HPG (19.500 cp), CTCP Container Việt Nam (28.500 cp).
Vợ ông Bolat là bà Gulmira Zhussupova còn nắm 19,51% vốn của CTCP PHL.
Theo VietNamNet, hồi tháng 6/2020, căng thẳng giữa ban lãnh đạo Coteccons và nhóm cổ đông ngoại Kusto bước vào giai đoạn căng thẳng chưa từng có khi mà có thêm 1 cổ đông ngoại lớn khác chính thức đặt vấn đề loại bỏ những lãnh đạo của doanh nghiệp này.
The 8th Pte Ltd (The8th), một công ty có trụ sở tại Singapore và là một trong những cổ đông lớn khác của Coteccons (nắm giữ 10,42% cổ phần) đã gửi thư tới HĐQT của Coteccons để yêu cầu đưa thêm một số vấn đề vào chương trình họp ĐHĐCĐ thường niên 2020.
Theo đó, The8th yêu cầu bãi nhiệm tư cách thành viên HĐQT Coteccons của ông Nguyễn Bá Dương (khi đó là chủ tịch và đại diện pháp luật của CTD) và ông Nguyễn Sỹ Công (là thành viên HĐQT và TGĐ của CTD).
Trước đó, nhóm cổ đông ngoại Kusto cũng đã yêu cầu các thành viên điều hành chủ chốt bao gồm ông Nguyễn Bá Dương và ông Nguyễn Sỹ Công từ chức khỏi tất cả các vị trí trong Coteccons.
Mâu thuẫn tại Coteccons đã diễn ra trong nhiều năm qua và đây được xem là lý do khiến giá cổ phiếu CTD giảm mạnh, từ mức gần 230.000 đồng/cp (giá điều chỉnh) xuống còn 50.000-70.000 đồng/cp như hiện tại.
Nhóm cổ đông ngoại cho rằng, ban lãnh đạo doanh nghiệp đã gây ra xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, giao dịch với các bên liên quan, sử dụng tài nguyên và uy tín của Coteccons cho lợi ích của các công ty khác trong Cotecon Group (cụ thể là đối thủ cạnh tranh Ricons) mà các thành viên có liên quan của HĐQT và Ban giám đốc có các lợi ích liên quan...
Ở chiều ngược lại, ban lãnh đạo Coteccons cho rằng, nhóm cổ đông ngoại có mục đích thâu tóm doanh nghiệp, có những nhận định mang tính chất thù địch, bôi nhọ danh dự ban lãnh đạo CTD,... Coteccons vẫn hoạt động theo pháp luật và được kiểm toán bởi Big 4.
Coteccons có 4 nguồn doanh thu chính là dịch vụ thiết kế và xây dựng (chiếm 99,8% trong tổng doanh thu trong 1H20), thuê văn phòng (không gian trong tòa nhà trụ sở chính), buôn bán vật liệu xây dựng (thông qua công ty con Unicons) và cho thuê thiết bị thi công. Doanh thu từ dịch vụ xây dựng đến từ các dự án dân dụng và công nghiệp. Các loại hình dự án từ tòa nhà cao tầng, khu mua sắm phức hợp, nhà máy công nghệ cao cho đến khách sạn và resort.
Năm 2020, Coteccons đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 16.000 tỷ đồng, giảm gần 33% so với năm 2019. Lợi nhuận hợp nhất 600 tỷ đồng, cũng giảm gần 16% và cổ tức là 30%.
An Vy (T/h)
Xem thêm: Ông Nguyễn Bá Dương từ chức chủ tịch, Coteccons biến động mạnh về nhân sự