Những điều người dân TP.HCM cần biết trong đợt siết giãn cách từ 23/8

15:55 | 22/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
UBND TP.HCM có công văn về việc tăng cường kiểm soát các nhóm được phép lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Theo đó, người dân tham gia lưu thông trên đường bắt buộc phải có giấy đi đường.

Trong thời gian từ 23/8 đến 6/9, TP.HCM sẽ siết chặt giãn cách xã hội theo nguyên tắc nhà cách ly với nhà; tổ dân phố, tổ nhân dân cách ly với tổ dân phố, tổ nhân dân; khu phố, ấp cách ly với khu phố, ấp; phường, xã, thị trấn cách ly với phường, xã, thị trấn.

Những đối tượng nào sẽ được phép ra đường?

Trong thời gian này, các nhóm đối tượng được phép tham gia lưu thông trên đường, theo khung giờ vẫn thực hiện theo Công văn 2718. Điều kiện là những người này bắt buộc phải có giấy đi đường và dấu hiệu nhận diện theo quy định. Các ngành có đồng phục ngành và công nhân thực hiện các dịch vụ công ích; công chức, viên chức và các nhóm lực lượng tham gia, hỗ trợ phòng chống dịch khác mặc áo nhận diện do TP cấp.

Đối với lực lượng giao hàng sử dụng ứng dụng công nghệ (shipper) tạm ngưng hoạt động tại TP.Thủ Đức và các quận, huyện: 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Hóc Môn. Đối với các quận, huyện còn lại, shipper chỉ hoạt động trong quận, không chạy liên quận và có dấu hiệu nhận diện riêng.

Những điều người dân TP.HCM cần biết trong đợt siết giãn cách từ 23/8 - ảnh 1

Người dân tham gia lưu thông trên đường bắt buộc phải có giấy đi đường.

TP cũng quy định rõ các đối tượng được cấp giấy đi đường. Cụ thể, thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp; lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch; xử lý hạ tầng kỹ thuật; Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị  (không quá 10% trên tổng số) và một số nhóm công việc khác.

Cũng từ 0 giờ ngày 23/8, tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của TP, Trung ương đóng trên địa bàn TP triển khai thực hiện phương án 3 tại chỗ hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến” (tối đa 1/4 tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị). Những người này phải có mặt tại cơ quan, đơn vị trước 00 giờ ngày 23/8.

Người dân sẽ được phân theo nhóm để đi chợ

Để cung ứng hàng hóa cho người dân trong điều kiện siết chặt giãn cách xã hội, TP.HCM phân loại 312 phường, xã thành 2 nhóm với 4 vùng nguy cơ. Nhóm 1 là vùng xanh, vàng; nhóm 2 là vùng cam, đỏ.

Trong 14 ngày giãn cách, TP sẽ cung cấp cho các phường, xã, thị trấn gần 3.000 địa chỉ cung ứng hàng hóa... Các địa bàn thiếu điểm cung cấp hàng hóa thì TP sẽ đưa xe lưu động, mang hàng tới để người dân mua.

Đối với vùng xanh, vùng vàng

+ Những người dân có điều kiện chưa cần sự hỗ trợ thì được đi chợ 1 lần/tuần.

+ Những người dân có hoàn cảnh khó khăn sẽ nhận được gói hỗ trợ. Theo đó, TP đã thành lập Trung tâm An sinh, chuẩn bị 2 triệu gói hỗ trợ và nhiều hơn nữa, chuyển xuống quận, huyện, phường, xã, sau đó chuyển trực tiếp đến người dân. Người dân chỉ cần ra lấy phần lương thực, thực phẩm mỗi tuần 1 lần.

Đối với vùng cam và vùng đỏ

+ Nếu người dân có điều kiện chưa cần sự giúp đỡ thì ghi phiếu các nhu cầu mua, Tổ công tác sẽ đi chợ thay và người dân trả tiền.

+ Nếu người dân có hoàn cảnh khó khăn đều nhận được gói hỗ trợ như ở vùng xanh - vàng.

 

 

 

Sở Công Thương TP.HCM cho biết toàn TP có 3.000 điểm cung ứng hàng hóa gồm siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi...

Hiện, TP chỉ có 194/234 chợ truyền thống; 3 chợ đầu mối; 168/2.895 cửa hàng tiện lợi; 9/106 siêu thị tạm ngưng hoạt động.

Trong thời gian siết chặt giãn cách, các điểm bán này vẫn mở cửa phục vụ người dân. Riêng tại các "vùng đỏ", lực lượng của tổ công tác đặc biệt ở phường, xã, thị trấn sẽ đi chợ thay theo nhu cầu của người dân. Lực lượng này có thể là Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, quân đội... tùy vào sự sắp xếp của tổ công tác đặc biệt ở từng địa phương.

Người dân vẫn được đi tiêm vaccine

Theo Công văn 2718 của UBND TP.HCM, người đi tiêm vaccine thuộc diện được phép ra đường. Do đó, trong thời gian 2 tuần siết chặt giãn cách xã hội, người dân vẫn được đi tiêm vaccine theo sự tổ chức của địa phương.

Mục tiêu của TP là phấn đấu đến ngày 15/9, hơn 70% người dân (trên 18 tuổi) được tiêm mũi 1 và 15% người dân được tiêm mũi 2.

Cụ thể, từ ngày 15/8 đến 31/8, TP.HCM đặt mục tiêu hoàn thành tiêm hơn 3 triệu liều vaccine để đảm bảo hơn 70% người dân được tiêm mũi 1, hoàn thành mũi 2 cho khoảng 1 triệu người.

Từ ngày 1/9 đến 15/9, TP.HCM tổ chức tiêm vaccine cho những người còn lại và tiêm nhắc mũi 2 theo quy định (400.000 người); có thể mở rộng tiêm cho người từ 12-18 tuổi nếu có nguồn vaccine cho phép tiêm trong độ tuổi này.

TP sẽ tổ chức xét nghiệm đại trà

Trong 2 tuần tới, các địa phương sẽ xét nghiệm toàn bộ hộ dân "vùng đỏ" bằng phương thức test nhanh, mẫu gộp.

Ngoài ra, TP bổ sung xét nghiệm một số đối tượng: Nhân viên siêu thị, lái xe vận chuyển hàng hóa, nhân viên cửa hàng thuốc tây, nhân viên công ty môi trường đô thị, công ty dịch vụ công ích thu gom rác (lái xe, thu gom rác), lực lượng trực các chốt, lực lượng hỗ trợ phòng, chống dịch, nhân viên cửa hàng xăng dầu (7 ngày/lần).

TP triển khai phương án xét nghiệm với từng vùng nguy cơ, theo Kế hoạch 2716.

Việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm phải có sự tham gia của tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố, tổ nhân dân; ban điều hành khu phố, ấp.

Về địa điểm, ngành y tế có thể lấy mẫu tại hộ gia đình hoặc vị trí thuận lợi, mời lần lượt từng hộ gia đình ra lấy mẫu và thực hiện đúng nguyên tắc 5K của Bộ Y tế để tránh lây nhiễm chéo.

Nếu người dân có thể tự lấy mẫu, nhân viên y tế hoặc đội lấy mẫu cung cấp dụng cụ rồi thu thập kết quả. Trung tâm y tế thu gom mẫu xét nghiệm và vận chuyển về đơn vị xét nghiệm vào 3 thời điểm: 11h; 18h và 23h.

Riêng các khu vực xa trung tâm như Củ Chi, Hóc Môn, TP.Thủ Đức, quận 12, Cần Giờ, Nhà Bè, TP điều xe xét nghiệm lưu động tới để xét nghiệm.

Những điều người dân TP.HCM cần biết trong đợt siết giãn cách từ 23/8 - ảnh 2

Các địa phương sẽ xét nghiệm toàn bộ hộ dân "vùng đỏ" bằng phương thức test nhanh, mẫu gộp.

Bên cạnh đó, TP tiến hành lập 400 trạm y tế lưu động (1 bác sĩ; 2 y tá, điều dưỡng; 4 tình nguyện viên) tại các khu vực nhiều F0.

Trạm y tế được trang bị các túi thuốc, 3-5 bình oxy, máy đo SpO2, dụng cụ test nhanh... Sở Y tế chuẩn bị 100.000 túi thuốc điều trị F0 tại nhà.

Trạm y tế lưu động có chức năng chăm sóc F0 tại nhà, điều trị nhiều bệnh lý khác, tiêm vaccine... Dự kiến, mỗi trạm y tế lưu động quản lý và chăm sóc 50-100 F0 trên địa bàn thông quan phần mềm "Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh Covid-19" và "Khai báo y tế điện tử".

Nhân viên trạm y tế lưu động di chuyển bằng xe máy, xe taxi để vận chuyển F0 tới các tầng điều trị.

Các doanh nghiệp được hoạt động theo 4 phương án

Doanh nghiệp sẽ được tiếp tục tổ chức sản xuất nếu bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo một trong bốn phương án. Cụ thể:

Phương án 1: Tiếp tục thực hiện phương thức “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ) hoặc phương án “3 tại chỗ theo kíp” (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ luân phiên theo kíp sản xuất).

Phương án 2: Tiếp tục thực hiện phương thức “1 cung đường - 2 địa điểm” hoặc phương án “1 cung đường - 2 địa điểm” mở rộng (doanh nghiệp tổ chức nhiều nơi lưu trú tập trung tại nhiều địa điểm khác nhau và tổ chức đưa đón công nhân từ nơi lưu trú tập trung đến nơi làm việc).

Phương án 3: Tổ chức hoạt động theo phương châm “4 xanh” gồm người lao động xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh, nơi ở xanh (“người lao động xanh” được đi lại bằng phương tiện cá nhân giữa “nơi làm việc xanh”, “nơi ở xanh” theo một “cung đường xanh” (không dừng, đỗ dọc đường và không đi ngang qua các vùng có nguy cơ lây nhiễm cao và rất cao) trong các khung giờ phù hợp).

Phương án 4: Kết hợp các phương thức nêu tại các phương án nêu trên.

Các nhóm được phép đi đường theo công văn số 2718 của UBND TP.HCM

- Người đi tiêm vaccine, cấp cứu, các lực lượng làm công tác phòng, chống dịch hoặc các lực lượng hỗ trợ theo yêu cầu điều phối của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.

- Nhân viên các hệ thống siêu thị, cửa hàng bình ổn, cửa hàng tiện lợi được lưu thông để chuẩn bị công tác hậu cần, sắp xếp hàng hóa và vệ sinh, khử khuẩn khu vực kinh doanh.

- Các tổ bay đi công tác theo kế hoạch của chuyến bay đã được cấp phép và cán bộ, người lao động của các đơn vị trực thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam khu vực phía Nam để thực hiện nhiệm vụ phục vụ các chuyến bay chở hàng, trang thiết bị y tế, vắc xin.

- Nhân viên của các doanh nghiệp sản xuất và cung cấp các dịch vụ thiết yếu (lương thực thực phẩm, thiết bị, vật tư y tế); nhân viên giao hàng các thiết bị, vật tư y tế như bình oxy cho người mắc Covid-19 đang cách ly, điều trị tại nhà (các ca bệnh không có triệu chứng và triệu chứng nhẹ), các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19.

- Nhân viên của các đơn vị cung cấp suất ăn cho các bếp ăn từ thiện, các cơ sở điều trị, cơ sở cách ly, bệnh viện, các cơ sở y tế phục vụ cho công tác phòng, chống dịch.

- Cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn TP, bao gồm cả công tác phát hành báo.

- Dịch vụ vận chuyển bưu chính và lực lượng thực hiện nhiệm vụ cung ứng dịch vụ bưu chính KT1 (phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước, văn bản mật).

- Lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đô thị; lực lượng xử lý sự cố về: điện, nước, hệ thống thông tin, công trình giao thông và hạ tầng kỹ thuật.

Dấu hiệu nhận diện: Giấy đi đường; Đồng phục đối với các ngành có đồng phục ngành và công nhân thực hiện các dịch vụ công ích. Riêng công chức, viên chức và các nhóm lực lượng tham gia, hỗ trợ phòng chống dịch khác thì mặc áo nhận diện do TP cấp.

P.Giang (T/h)