Những doanh nghiệp dệt may đầu tiên công bố BCTC quý II: Không tránh khỏi lợi nhuận giảm sút
Theo bảng tổng hợp của người viết, đa phần các doanh nghiệp dệt may đã công bố BCTC tính đến nay ghi nhận doanh thu và lãi ròng đi lùi so với cùng kỳ (svck) 2022 do tình trạng khan hiếm đơn hàng, ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế chung trên thị trường quốc tế.
Đầu tiên, 'ông lớn' CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) báo doanh thu thuần đạt khoảng 714 tỷ đồng, giảm 32% svck. Lợi nhuận ròng theo đó chỉ đạt 2,2 tỷ đồng, giảm mạnh xấp xỉ 25 lần, đánh dấu mức lãi hàng quý thấp nhất của công ty kể từ quý IV/2021.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt 1.590 tỷ đồng, giảm khoảng 27% svck. Trong đó, xuất khẩu chiếm 87% doanh thu với gần 1.388 tỷ đồng. Công ty chủ yếu xuất khẩu sang thị trường châu Á (chiếm 65,1%), tiếp đến thị trường châu Mỹ (29,2%), thị trường châu Âu (4,8%). Lợi nhuận ròng 6 tháng đầu năm giảm 55% so cùng kỳ, đạt hơn 57 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa năm, công ty chỉ thực hiện được 23% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2023.
Theo TCM, do suy thoái kinh tế, lạm phát cao tại Mỹ và EU, khiến tình hình xuất khẩu của công ty sang các khu vực này giảm sút svck. Tuy nhiên, nhờ vào chiến lược đa dạng hóa thị trường sang châu Á và chú trọng phát triển thị trường nội địa đối với mảng vải - sợi nhằm giảm thiểu rủi ro và gia tăng tỷ trọng xuất khẩu, phần nào duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong giai đoạn khó khăn của doanh nghiệp.
Ngoài ra, công ty vẫn chưa hoạt động tối đa công suất, thiếu đơn hàng cho quý III và theo dự báo, kinh tế thế giới chậm phục hồi cho đến hết năm 2023, phần nào cũng ảnh hưởng đến tình hình đơn hàng những tháng còn lại của năm nay. Tính đến hiện tại, doanh nghiệp đã nhận khoảng 76% kế hoạch doanh thu đơn hàng cho quý III và 86% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý IV.
Tiếp theo, Tổng Công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ (UPCoM: HTG) ghi nhận doanh thu thuần 1.039 tỷ đồng và lãi ròng 33,9 tỷ đồng, giảm lần lượt 16,3% và 46% svck năm trước. Đây cũng là mức lãi ròng hàng quý thấp nhất trong 2 năm gần đây của công ty.
Theo báo cáo giải trình, HTG cho biết nhu cầu mua sắm hàng may mặc của khách hàng giảm trong quý II đã phản ánh qua việc sụt giảm doanh thu. Biên lãi gộp rơi từ 12% xuống 8,6%, trong khi lãi suất tăng mạnh dẫn đến chi phí lãi vay tăng tới 82%.
Mặt khác, doanh thu hoạt động tài chính kỳ này đã cải thiện 29%, các chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp được tiết giảm lần lượt 49% và 5% so với cùng kỳ.
Cũng như các doanh nghiệp khác trong ngành, kết quả quý II ảm đạm của HTG được đặt trong bối cảnh nửa đầu năm, ngành dệt may chịu ảnh hưởng bởi sự sụt giảm đơn hàng từ các thị trường chính như Mỹ, EU. Kim ngạch xuất khẩu dệt may 6 tháng ước đạt 18,6 tỷ USD, giảm 17,6% so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng, HTG ghi nhận doanh thu thuần gần 2.310 tỷ đồng và lãi trước thuế hơn 100 tỷ đồng, tương ứng giảm 11% và 41% so cùng kỳ. Như vậy, công ty thực hiện được một nửa kế hoạch về lợi nhuận (200 tỷ đồng). Riêng lãi ròng thu về gần 82 tỷ đồng, thấp hơn 39%.
CTCP May Hữu Nghị (UPCoM: HNI) cũng báo doanh thu thuần trong quý đạt 305 tỷ đồng, giảm 11,6% svck năm ngoái nhưng đã cải thiện 77,2% so với quý I/2023. Trong kỳ, doanh thu tài chính giảm 24%, trong khi chi phí tài chính tăng mạnh 123% lên 2,6 tỷ đồng. Các khoản chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng lần lượt khoảng 13% và 19% svck. Lãi ròng tuy vậy tăng nhẹ 5,5% lên 11 tỷ đồng cùng kỳ 2022 và tăng 32,5% so với quý trước.
Công ty cũng cho biết thị trường hàng hóa thế giới trong năm nay sụt giảm làm cho doanh thu giảm do công ty chuyên xuất khẩu. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần và lãi ròng công ty đều giảm lần lượt 16,7% và 15% xuống còn 478 tỷ đồng và 19,4 tỷ đồng do kết quả
So với kế hoạch cả năm 2023, HNI đã thực hiện được 55% doanh thu và 61% lãi ròng.
CTCP Đầu tư và Phát triển TDT (HNX: TDT) ghi nhận doanh thu thuần quý II đạt 146,9 tỷ đồng, tăng 26,6% svck. Lãi ròng đạt 2,18 tỷ đồng, giảm nhẹ cùng kỳ 2022 trong bối cảnh các chi phí cùng tăng: chi phí tài chính tăng gấp rưỡi cùng kỳ lên 4,2 tỷ đồng, chi phí bán hàng giảm còn 3,2 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 9,1% lên 15,5 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng, TDT thu về 224 tỷ đồng, tăng 7,1% đồng thời đã hoàn thành 41% kế hoạch doanh thu cả năm. Tổng lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 2,9 tỷ đồng, hoàn thành 9% kế hoạch năm. Trừ thuế, lãi ròng giảm 24,2% còn 2,5 tỷ đồng.
Lạc quan hơn so với đa phần doanh nghiệp trong ngành, CTCP Dệt may Huế (UPCoM: HDM) dù ghi nhận doanh thu thuần chỉ đạt 319 tỷ đồng trong quý II, giảm 40% svck năm trước; tuy nhiên, giá vốn giảm mạnh khoảng 45% còn 265 tỷ đồng giúp lợi nhuận gộp của doanh nghiệp đạt hơn 53 tỷ đồng, gân như đi ngang svck. Biên lãi gộp cải thiện từ 10% lên 17%.
Doanh thu tài chính tăng 24,7% lên 11,6 tỷ đồng, chi phí tài chính đạt 8,4 tỷ đồng, tăng 42,2%. Cùng đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm đáng kể svck 2022 lần lượt 80% và 33% xuống 11 tỷ đồng và 14,3 tỷ đồng dẫn đến lãi trước thuế trong quý gấp đôi cùng kỳ lên 31 tỷ đồng.
Trừ thuế, lãi ròng công ty đạt 25,3 tỷ đồng, cũng gấp gần 2 lần cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, giá vốn và chi phí giảm mạnh là nguyên nhân giúp lợi nhuận HDM tăng trưởng trong quý vừa rồi mặc dù doanh thu giảm đáng kể.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của công ty đạt khoảng 923 tỷ đồng, giảm 18,3% svck năm trước. Lãi ròng chỉ đạt 46,5 tỷ đồng, giảm 35% do kết quả kinh doanh quý trước kém khả quan svck (lãi ròng quý I/2023 đạt 21 tỷ đồng, giảm gần 3 lần so với quý I/2022).
Trong năm 2023, công ty đặt kế hoạch doanh thu 1.932 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 120 tỷ đồng. Như vậy, hết quý II, HDM đã hoàn thành 32% kế hoạch doanh thu và 56% chỉ tiêu về lợi nhuận năm.
Cùng chịu ảnh hưởng nặng vì là doanh nghiệp đầu nguồn, CTCP Sợi Thế Kỷ (HOSE: STK) vừa báo doanh thu thuần quý II đạt 407,3 tỷ đồng, giảm 23% svck. Lãi gộp giảm từ hơn 105 tỷ xuống còn hơn 60,2 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp trong quý giảm từ 19,9% xuống 14,8%.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính báo lỗ hơn 6,2 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gần 5,4 tỷ đồng. Chi phí bán hàng đã được tiết giảm từ 4,8 tỷ đồng xuống 3,8 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 13,8% lên 16,5 tỷ đồng.
Kết quả, STK ghi nhận lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt đạt 36 tỷ và hơn 37,5 tỷ đồng; giảm 52,7% và 47,9% cùng kỳ năm trước.
Công ty cho biết, trong quý II/2023, doanh số và giá bán bình quân thấp hơn cùng kỳ là do khách hàng gián tiếp và trực tiếp thu hẹp quy mô đơn hàng. Mặc dù chi phí tài chính và thuế thu nhập doanh nghiệp đã giảm so với cùng kỳ những vẫn không cải thiện được chỉ tiêu lợi nhuận trước và sau thuế của Công ty.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, STK ghi nhận doanh thu đạt gần 695,2 tỷ đồng, giảm 40,6% svck năm ngoái. Lãi ròng đạt hơn 39,1 tỷ đồng, giảm 73,5%. Năm 2023, STK đặt mục tiêu doanh thu 2.149,3 tỷ đồng và lợi nhuận dự kiến đạt 253,1 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã thực hiện được 32,3% kế hoạch doanh thu và 15,4% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Mặc dù so với cùng kỳ năm ngoái, bức tranh KQKD quý II của Sợi Thế Kỷ còn ảm đạm, nhưng nếu so với quý I năm nay, tín hiệu khởi sắc đã bắt đầu thấy rõ khi lãi ròng của doanh nghiệp này ghi nhận tăng vọt gần 23 lần. Tương tự, Dệt May Huế, May Hữu Nghị và Đầu tư phát triển TDT đều chứng kiến lợi nhuận quý II cải thiện so với quý I.