Những mặt hàng nào Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ nhiều nhất?

Anh Tuấn 08:05 | 03/07/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong 5 tháng đầu năm 2025, có 10 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD với tổng kim ngạch đạt 50,52 tỷ USD, chiếm 87,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ.

Theo số liệu từ Hải Quan Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2025, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ lượng hàng hóa có trị giá 57,1 tỷ USD tăng 27,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Có 10 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD với tổng kim ngạch đạt 50,52 tỷ USD, chiếm 87,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ 5 tháng đầu năm 2025.

Trong đó có 4 nhóm hàng chiếm tỷ trọng trên 10% bao gồm máy tính và linh kiện với 14,5 tỷ USD (25,5%); máy móc thiết bị với 9,2 tỷ USD (16,2%) và dệt may với 6,7 tỷ USD (11,8%).

Nguồn: Cục Hải quan (Anh Tuấn tổng hợp)

Xếp sau lần lượt là các nhóm hàng: điện thoại các loại và linh kiện (4,4 tỷ USD); gỗ và sản phẩm gỗ (3,7 tỷ USD); hàng hóa khác (3,6 tỷ USD); giày dép các loại (3,5 tỷ USD); đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận (1,6 tỷ USD); sản phẩm từ chất dẻo (1,4 tỷ USD); phương tiện vận tải và phụ tùng (1,3 tỷ USD).

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Mỹ 5 tháng đầu năm 2025

Nguồn: Cục Hải quan (Anh Tuấn tổng hợp)

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, vào lúc 10h25 sáng 2/7 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đăng trên mạng xã hội Truth Social rằng ông vừa có một thỏa thuận thương mại với Việt Nam.

Tổng thống Trump viết: “Tôi vừa đạt được một thỏa thuận thương mại với Việt Nam. Các chi tiết sẽ được cung cấp sau!”

20 giờ ngày 2/7 (giờ Việt Nam), Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump về quan hệ Việt Nam-Mỹ và đàm phán về thuế đối ứng giữa hai nước, theo TTXVN.

Hai nhà Lãnh đạo bày tỏ vui mừng trước sự phát triển mạnh mẽ và tốt đẹp của quan hệ song phương. Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump hoan nghênh việc hai đoàn đàm phán của hai nước đã thống nhất Tuyên bố chung Việt Nam–Mỹ về Khuôn khổ Hiệp định thương mại đối ứng, công bằng và cân bằng.

Tổng thống Donald Trump đánh giá cao việc Việt Nam cam kết giành quyền tiếp cận thị trường ưu đãi cho hàng hóa của Mỹ, trong đó có xe ô tô phân khối lớn.

Ông khẳng định Mỹ sẽ cắt giảm đáng kể thuế đối ứng cho nhiều hàng hóa xuất khẩu  của Việt Nam và sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong giải quyết những vướng mắc ảnh hưởng đến quan hệ thương mại song phương, nhất là trong các lĩnh vực mà hai bên ưu tiên.

Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị phía Mỹ sớm công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường và bỏ hạn chế xuất khẩu đối với một số mặt hàng công nghệ cao.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump cũng đã trao đổi một số phương hướng, biện pháp lớn thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trong những năm tới.

Trước đó, ngày 2/4, tổng thống Mỹ Donald Trump công bố thuế đối ứng với nhiều nước. Trong đó, mức thuế dành cho Việt Nam thuộc top đầu, lên tới 46%. Tuy nhiên, sau đó ít ngày, ông lại tuyên bố hoãn việc áp thuế đến ngày 9/7.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cho biết họ trong giai đoạn tháng 4,5 họ tranh thủ xuất khẩu hàng sang thị trường này. Theo đại diện từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), kể từ tháng 4, khi câu chuyện thuế đối ứng của Mỹ bắt đầu nổi lên thì các doanh nghiệp đổ xô vào xuất khẩu trước khi thuế đối ứng áp dụng ở mức cao hơn từ ngày 9/7. Do đo, nhu cầu từ các thị trường đều sự tăng tốc mạnh mẽ.

Ở mặt hàng gỗ, nhiều doanh nghiệp cũng tranh thủ thời gian hoãn thuế để xuất hàng.Tuy nhiên, trao đổi tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 diễn ra chiều ngày 8/5, ông Lê Đức Nghĩa, Chủ tịch HĐQT CTCP Gỗ An Cường cho biết biên lợi nhuận năm nay có thể thấp hơn vì giảm phải giảm giá cho khách hàng do vấn đề cước tàu đội lên cao và khuyến khích khách đặt các đơn lớn, thúc đẩy doanh số.