Những quy định cần biết về đặt tên doanh nghiệp

13:10 | 15/05/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đặt tên doanh nghiệp là một bước vô cùng quan trọng trong hành trình kinh doanh của bạn. Để giúp bạn đọc có thể đặt được tên doanh nghiệp và đúng với quy định của pháp luật, Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam xin giới thiệu tới độc giả những quy định cần biết khi đặt tên doanh nghiệp.
Tên doanh nghiệp là gì? 
Tên doanh nghiệp là dấu hiệu để nhận biết của công ty hay đơn vị kinh doanh.

Tên doanh nghiệp cần đảm bảo yếu tố có đầy các thành phần theo quy định. Thể hiện được loại hình và dấu hiệu nhận biết riêng biệt so với các đơn vị đăng ký trước đấy. 

Tên doanh nghiệp phải viết được bằng tiếng Việt, có thể kèm theo chữ số và ký hiệu, phải phát âm được và có ít nhất hai thành tố sau đây: Loại hình doanh nghiệp và tên riêng.
Ví dụ: Công ty Cổ phần Hoàng Lan, Công ty TNHH Hoàng Anh, Công ty TNHH một thành viên My An.
Ngoài tên tiếng Việt, công ty có thể đặt thêm tên bằng tiếng nước ngoài để tiện trong quá trình giao dịch quốc tế. Khi dịch sang tiếng nước ngoài, tên riêng của doanh nghiệp có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài.
Cùng với đó, doanh nghiệp có thể đặt tên viết tắt theo tên tiếng Việt hoặc tên tiếng Anh của doanh nghiệp.
Tên giao dịch của công ty chính là tên sử dụng trên thực tế của doanh nghiệp. Tên giao dịch có thể là tên đầy đủ hoặc tên viết tắt doanh nghiệp theo đăng ký kinh doanh
Tên doanh nghiệp hiện nay không chỉ dừng ở chỗ tạo nên sự phân biệt giữa các chủ thể kinh doanh trên thương trường mà trong nhiều trường hợp đã trở thành tài sản có giá trị lớn (thương hiệu).
Hướng dẫn cách đặt tên cho công ty, doanh nghiệp đúng pháp luật

Để tên doanh nghiệp được hợp lệ, đúng quy định pháp luật thì tên doanh nghiệp phải không thuộc vào các trường hợp vi phạm quy định đặt tên như sau được quy định tại Điều 39 của Luật doanh nghiệp 2014:

- Thứ nhất, tên doanh nghiệp không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên các doanh nghiệp khác đã đăng ký.

Xuất phát từ cơ chế bảo hộ tên doanh nghiệp, doanh nghiệp không được đặt tên gây nhầm lẫn hay trùng với doanh nghiệp khác.

Tên trùng ở đây là sự tương đồng hoặc trùng lặp hoàn toàn ở phần tên riêng của doanh nghiệp, còn loại hình doanh nghiệp không được xem là yếu tố đánh giá.

Ví dụ:
Công ty Cổ phần ABC Việt Nam & Công ty TNHH ABC Việt Nam.
 Đây là 2 tên công ty trùng nhau do phần tên riêng là ABC Việt Nam trùng lặp hoàn toàn. Phần loại hình “Công ty Cổ phần” và “Công ty TNHH” không được xem là yếu tố đánh giá.
 Công ty Cổ phần XYZ Hà Nội & Công ty Cổ Phần XYZ Hà Nam
 Đây là 2 tên công ty phân biệt, vì thành phần tên riên là “XYZ Hà Nội” & “XYZ Hà Nam” có sự phân biệt rõ ràng. Tuy nhiên bạn cũng cần lưu ý trong trường hợp tên “XYZ” đã được bảo hộ độc quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ thì việc đặt tên trên cũng không được phép.

- Thứ hai, sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.

- Thứ ba, tên doanh nghiệp có sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Theo quy định Điều 2, Thông tư 10/2014/TT-BVHTTDL quy định về những trường hợp đặt tên vi phạm truyền thống lịch sử dân tộc.

  • Sử dụng tên trùng tên danh nhân, trừ các trường hợp theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 2 thông tư 10/2014/TT-BVHTTDL;
  • Sử dụng tên đất nước, địa danh trong các thời kỳ bị xâm lược và tên những nhân vật trong lịch sử bị coi là phản chính nghĩa, kìm hãm sự tiến bộ.
  • Sử dụng tên của những nhân vật lịch sử là giặc ngoại xâm hoặc những người có tội với đất nước, với dân tộc.
  • Các trường hợp khác về sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử theo quy định của pháp luật.