Những trụ cột lớn thu hút nguồn lực phát triển TP Thủ Đức - kỳ vọng một “Singapore” thu nhỏ

22:28 | 17/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau khi được UBTV Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện để thành lập thành phố Thủ Đức, TP HCM đã có nhiều chủ trương thu hút các nguồn lực phát triển với nhiều trụ cột lớn.
TP Thủ Đức trực thuộc TP HCM vừa được UBTV Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực thi hành kể từ 1/1/2021. Với diện tích khiêm tốn trên 211,5km2, dân số hơn 1,5 triệu người, nhưng dự kiến đóng góp tới 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP HCM, tương đương 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả nước.
 

8 trụ cột lớn của TP Thủ Đức

 
Theo kế hoạch, có 8 khu đô thị lớn đang được UBND TP HCM kêu gọi đầu tư, bao gồm Trung tâm tài chính (gắn với Khu đô thị mới Thủ Thiêm); Trung tâm Thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc; Trung tâm sản xuất ứng dụng công nghệ cao; Trung tâm Giáo dục - Đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ; Trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo lớn nhất Việt Nam; Trung tâm Công nghệ sinh thái (khu vực Tam Đa và ĐH Long Phước); Trung tâm Giao thông (kết nối vùng Đông Nam bộ và cảng container Cát Lái) và Khu đô thị cảng Trường Thọ (thuộc Q.Thủ Đức hiện nay).
 
Những trụ cột lớn thu hút nguồn lực phát triển TP Thủ Đức - kỳ vọng một “Singapore” thu nhỏ - ảnh 1
TP.Thủ Đức được kỳ vọng sẽ giúp chuyển đổi cơ cấu kinh tế TP HCM
 
Để xây dựng và phát triển 8 trụ cột lớn nêu trên, từ 22/12 TP HCM bắt đầu phát hành và nhận tiền mua trái phiếu chính quyền địa phương TP HCM, với tổng khối lượng phát hành trái phiếu của đợt này là 2.000 tỷ đồng. Văn bản khẩn của Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã được gửi Bộ Tài chính để thông báo kế hoạch phát hành trái phiếu chính quyền địa phương nêu trên. Các trái phiếu có các kỳ hạn 15 năm, 20 năm, 30 năm và được phát hành dưới hình thức bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử.
 
Đây là một trong những chủ trương đầu tiên của TP HCM ngay sau khi Quốc hội thông qua đề án TP Thủ Đức nhằm tăng cường nguồn vốn đầu tư phát triển để thực hiện các chương trình, dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được HĐND TP thông qua. Nguồn vốn từ trái phiếu cũng tăng khả năng bổ sung nguồn chi cho đầu tư phát triển của thành phố.
 
Trong năm 2021, TP HCM có kế hoạch vay khoảng 16.026 tỷ đồng từ nguồn Chính phủ để triển khai cho vay lại. Trong đó, mục đích của kế hoạch này để bù đắp bội chi ngân sách của thành phố hiện nay; một phần trả nợ gốc và cũng giải quyết các vấn đề lớn về ngân sách của thành phố, bao gồm cả tăng cơ chế và phân quyền cho TP Thủ Đức vừa được Thường vụ Quốc hội đồng ý cho triển khai.
 
Có 20 chỉ tiêu phát triển được TP HCM dự kiến triển khai, trong đó ưu tiên tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) phấn đấu đạt từ 6% trở lên. Các nguồn lực được kỳ vọng sẽ khởi sắc từ TP Thủ Đức, nơi sẽ được áp dụng các cơ chế, phân cấp đặc thù trong thời gian tới. Đặc biệt, kỳ vọng thúc đẩy tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60% và GRDP bình quân đầu người đạt 6.500 USD/người và tỷ lệ người dân hài lòng với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước ở từng lĩnh vực đạt 91% trở lên.
 
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, TP Thủ Đức ngay trong năm đầu có hiệu lực hoạt động, sẽ tạo ra khoảng 20.000 việc làm trình độ cử nhân, kỹ sư và chuyên gia (2020-2025).
 
Bà Phan Thị Bình Thuận -Phó Giám đốc sở Tư pháp TP cho rằng, với các trụ cột quan trọng, TP Thủ Đức có đầy đủ động lực để xây dựng nền kinh tế tri thức, sáng tạo, thúc đẩy kinh tế TP. Muốn vậy, thành phố cần căn cứ theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương và vận dụng Nghị quyết 54 để tăng phân cấp và uỷ quyền cho TP Thủ Đức, nhất là tăng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cho thành phố này khi được thành lập. Dù vậy, cũng theo bà Thuận thì trước mắt phải giải quyết được những tồn tại, hạn chế kéo dài thời gian qua, như vấn đề khiếu nại, khiếu kiện về đất đai ở KCN cao (Q.9) cũng như tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2).
 
Trong khi đó, ông Diệp Văn Sơn, Chuyên viên cao cấp, nguyên Phó Vụ trưởng cơ quan đại diện phía Nam - Bộ Nội vụ nhìn nhận vai trò của TP Thủ Đức như một cú hích mới để quay lại nhịp điệu tăng trưởng cao cho TP HCM. Vấn đề là chính quyền đô thị của thành phố này phải đảm bảo một bộ máy quản lý hành chính thống nhất, hiệu quả, phát huy sức mạnh tổng hợp các nguồn lực của cả ba đơn vị cấu thành là quận 2, 9 và Thủ Đức. Nhất là, quy hoạch vùng của TP Thủ Đức phải gắn được với quy hoạch chung của TP HCM để tạo động lực tăng trưởng, hỗ trợ, tránh trùng lặp định hướng phát triển dễ dẫn tới phân tán nguồn lực.
 
Nhiều chuyên gia đặt ra kỳ vọng rất lớn vào TP Thủ Đức, với việc hình thành một không gian đô thị đủ sức hút đối với những người tài trong và ngoài nước, đồng thời cũng đặt tiền đề cho một đô thị có các không gian vật lý, không gian kinh tế- xã hội, hành chính- quản trị và không gian quy hoạch- kiến trúc đạt chuẩn đô thị phát triển của thế giới.

 

Hình thành một “Singapore” trong TP HCM

 
Tờ Pháp luật TP HCM đã trích dẫn nhiều ý kiến hiến kế của các chuyên gia, học giả, nhà kinh tế.
Theo TS. Huỳnh Thế Du, giảng viên Đại học Fulbright VN, cần một cơ chế đặc thù, đột phá dành cho Thủ Đức giống như Trung Quốc đã làm với Thượng Hải, Bắc Kinh và Phố Đông. Đơn cử, có thể ưu tiên cho đô thị này giữ lại nguồn thu ở mức tỷ lệ tối đa, thậm chí giữ lại toàn bộ nguồn thu trong 10 - 20 năm đầu để đầu tư cho phát triển, đặc biệt là hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Đây được gọi là vốn mồi để Thủ Đức phát triển, thu hút nguồn lực từ xã hội và khuyến khích đầu tư từ nước ngoài.
 
 
Những trụ cột lớn thu hút nguồn lực phát triển TP Thủ Đức - kỳ vọng một “Singapore” thu nhỏ - ảnh 2
Cần một cơ chế đặc thù, đột phá dành cho TP Thủ Đức 
 
Việc thành lập một “đặc khu” cho TP HCM rất quan trọng trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay. TPHCM là đô thị lớn và quan trọng nhất cả nước, nhưng đang gặp phải nhiều vấn đề. Muốn có những thử nghiệm cải cách sẽ rất khó và rủi ro. Thành lập một TP mới như Thủ Đức sẽ giải quyết hết các vấn đề hiện hữu, tạo ra cơ chế đặc biệt, vượt trội giúp TP HCM nói riêng, cũng như Việt Nam nói chung nâng cao năng lực cạnh tranh với các đô thị lớn trong khu vực.
 
So sánh với kinh nghiệm triển khai những ý tưởng tương tự tại các nước như Gangnam (phía nam sông Hàn) ở Seoul (Hàn Quốc) và Phố Đông ở Thượng Hải (Trung Quốc), ông Du đánh giá TP.Thủ Đức ra đời trong bối cảnh thuận lợi hơn nhiều, thiên thời và địa lợi. Cụ thể, xu hướng dịch chuyển chuỗi giá trị toàn cầu khỏi Trung Quốc đang diễn ra, mà tác động của dịch Covid-19 sẽ làm cho tiến trình xảy ra nhanh hơn. Thủ Đức có thể hướng tới việc đón làn sóng đầu tư đang có xu hướng dịch chuyển khỏi Trung Quốc, sắp xếp lại chuỗi giá trị toàn cầu. Về địa lợi, Thủ Đức thuộc TP.HCM - trung tâm kinh tế lớn nhất nước với truyền thống đi đầu về những ý tưởng đột phá, đang mong muốn lấy lại vị thế của mình. Hạ tầng bên trong và kết nối đã rất cơ bản, phần đất sẵn sàng cho các dự án có thể xây dựng còn rất nhiều. Dư địa không gian, dư địa phát triển, mức độ phát triển là rất lớn.
 
“Năm 1990, Thượng Hải thành lập Phố Đông với diện tích khoảng hơn 200 km2, dân số hơn 1 triệu người, tương đương khu đông của TP.HCM hiện nay. Sau gần 30 năm, Phố Đông đã trở thành “một Singapore” của Thượng Hải với dân số khoảng 5,5 triệu người, thu ngân sách ở mức rất cao. Hướng đi của chúng ta cũng nên như vậy, xây dựng “một Singapore” trong lòng TP.HCM. TP.HCM hiện đang là mắt xích quan trọng trong chuỗi đô thị, chuỗi kinh tế toàn cầu. TP.Thủ Đức cũng phải đặt trong tầm như vậy, nhưng nổi trội hơn. Cần khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư của các nước phát triển đưa những doanh nghiệp lớn, toàn cầu tới đây theo một dạng “đặc khu”. Thể chế, cấu trúc, chính quyền của TP.Thủ Đức phải so sánh được với các đô thị mức độ tiên tiến cao trong khu vực, cũng như trên thế giới”, TS. Huỳnh Thế Du kỳ vọng.
 
Lợi thế là vậy nhưng để thành công, TP.Thủ Đức sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Thực tế, TP HCM với vai trò đầu tàu kinh tế, được trao cơ chế đặc thù nhưng thời gian qua cũng vấp phải rất nhiều khó khăn. Ngân sách hạn hẹp, giao thông, hạ tầng cơ sở “khát vốn”, TP chật vật bao nhiêu năm vẫn chưa thoát khỏi hàng loạt “vấn nạn” như kẹt xe, ngập lụt, ô nhiễm... Vì thế, để TP.Thủ Đức có thể bứt phá, cần rất nhiều yếu tố.
 
TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Thành lập TP.Thủ Đức không chỉ đơn giản là gom 3 quận thành 1 trên cơ sở địa giới hành chính. Để xây dựng khu đô thị mới sáng tạo phía đông trở thành động lực phát triển kinh tế, nâng cao tri thức, đời sống của người dân theo đúng kỳ vọng, cần tiến hành quy hoạch khu đông trên phạm vi 2 bờ sông Sài Gòn và sông Đồng Nai với quy mô một đô thị xứng tầm, không cắt nhỏ ra để xây dựng, dẫn đến quy hoạch loang lổ kiểu da beo. Bên cạnh đó, cần xác định Thủ Đức là TP nằm ở cửa ngõ phía đông, kết nối với toàn vùng kinh tế trọng điểm phía nam nên định hướng phát triển không thể tách rời các đô thị lân cận như Biên Hòa, Bình Dương, Dĩ An, Long Thành, Nhơn Trạch... Phát triển Thủ Đức phải nhìn trên quan hệ liên vùng, liên tỉnh.
 
“Để thành công, phát huy được hết tiềm năng của TP.Thủ Đức, cần giao cho đô thị này một không gian và quyền tự chủ đủ lớn trên 2 phương diện: tự chủ kế hoạch, quy hoạch trong đầu tư; tự chủ về quản lý nhà nước trên lĩnh vực hạ tầng như xây dựng, đất đai, tổ chức bộ máy con người và thẩm quyền tổ chức lo phúc lợi của người dân. Một số việc liên quan nhiều lĩnh vực mà hiện nay chính quyền thực thi có thể thông quyền cho đô thị này để thực sự phát huy tính năng động, giúp Thủ Đức có điều kiện phát triển nhanh hơn các địa bàn khác”, ông Lịch lưu ý.
 
Minh Hoa