Những xu hướng mới phát triển, ứng dụng công nghệ robot trong công nghiệp hiện nay
Đó là điểm nhấn được đưa ra tại Hội thảo "Công nghệ Robotics - Mechatronics trong cách mạng công nghiệp 4.0: Nhu cầu và giải pháp cho doanh nghiệp Việt Nam", do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng 21/8, tại Hà Nội.
Robot thực sự là một nền công nghiệp
Robotics - Mechatronics (tạm dịch là Công nghệ robot - Cơ điện tử) có thể được xem là một trong những trụ cột của nền công nghiệp 4.0 với những nhà máy thông minh và doanh nghiệp được chuyển đổi số hóa toàn diện, cũng như nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống.
Chia sẻ về xu hướng phát triển, những thành tựu và hướng nghiên cứu, ứng dụng Công nghệ robot - Cơ điện tử trong công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống, PGS. TS Hồ Anh Văn, Chủ nhiệm Phòng nghiên cứu về robot mềm Viện Khoa học và Kỹ thuật tiên tiến Nhật Bản nhấn mạnh: “Robot thực sự là một nền công nghiệp của Nhật Bản chứ ko đơn thuần chỉ là phục vụ cho công nghiệp. Sự trỗi dậy của robot đã cứu nền kinh tế lớn và thâm nhập sâu vào đời sống xã hội. Rất nhiều ngành nghề có thể ứng dụng công nghệ robot, không chỉ trong sản xuất công nghiệp. Robot mềm có thể ứng dụng trong nông nghiệp (hái quả, chăm sóc cây trồng), y tế (phẫu thuật, chăm sóc người già)...”.
Theo đó, 30 năm qua, robot là công cụ rất hữu hiệu trong việc phát triển nền công nghiệp. Tuy nhiên, thế hệ robot trước đó đã tồn tại nhiều bất cập như môi trường cấu trúc cần dây chuyền đắt, vốn đầu tư cao và robot chỉ làm được những việc lặp đi lặp lại.
“Các xu hướng phát triển robot công nghiệp sẽ phát triển theo hướng từ môi trường cấu trúc (dây truyền lắp ráp) sang môi trường không hoặc ít cấu trúc; vốn đầu tư cao sang vốn đầu tư thấp hơn; từ công việc lặp lại tiến đến công việc đa dạng hơn và tính linh động cao hơn. Đó là robot hợp tác và robot thông minh”, TS. Phạm Quang Cường chỉ rõ.
Đưa ra phần minh họa rất sinh động, TS. Tống Duy Sơn chia sẻ với Hội nghị về phần mềm thiết kế cho xe tự lái, với cách thiết kế thích ứng với môi trường biến đổi, hướng tới việc tiết kệm tiền bạc.
Phân tích trong bối cảnh ứng dụng công nghệ trong nước, tại Hội nghị, TS. Hoàng Việt Hồng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp cho rằng, ứng dụng robot trong đổi mới công nghệ của nền công nghiệp Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển.
“Hiện nay, phần lớn các đơn vị sản xuất hàng rời như sản xuất thức ăn gia súc, chế biến khoáng sản, có vốn đầu tư nước ngoài đã được trang bị dây chuyền sản xuất tự động hóa cao, bốc xếp tự động bằng robot. Một số nhà máy sản xuất công nghiệp đầu tư mới cũng đã ứng dụng công nghệ mới. Ứng dụng công nghệ robottics trong công nghiệp đã được ứng dụng phổ biến trong sản xuất công nghiệp và toàn bộ các lĩnh vực trong xã hội. Việc tiếp cận, làm chủ và triển khai ứng dụng nhằm nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành là xu thế tất yếu”, TS. Hồng nói.
Tăng cường liên kết giữa các nhà khoa học Việt trong và ngoài nước
Theo PGS. TS Hồ Anh Văn: “Hiện ứng dụng robot ở Việt Nam chưa có nhiều. Chúng tôi đang có những chương trình hợp tác với các nhà nghiên cứu ở Việt Nam để sản xuất thử nghiệm những sản phẩm công nghệ mới. Chúng tôi rất hi vọng, công nghệ robot có thể được ứng dụng rộng rãi hơn ở Việt Nam trong thời gian tới”.
PGS. TS. Hồ Anh Văn nhấn mạnh, để làm phổ biến hóa ứng dụng công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ robot vào đời sống xã hội cần có sự chung tay của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trong đó, mạng lưới liên kết giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước, giữa cơ quan nhà nước với các trí thức khoa học, giữa doanh nghiệp với khoa học… cần phải được tổ chức xây dựng một cách bài bản, có chiều sâu. “Cần có sự liên kết chặt hơn nữa giữa các chuyên gia nước ngoài với trong nước để đưa công nghệ mới, tự động hóa vào trong quá trình sản xuất của Việt Nam. Các hoạt động thúc đẩy nghiên cứu, đầu tư cũng cần được chú trọng”, TS. Hoàng Việt Hồng khuyến nghị.