Niêm yết trên HOSE - cơ hội để Tổng công ty Phát điện 3 bứt phá trong năm 2022

08:00 | 07/03/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ban lãnh đạo EVNGENCO3 cho rằng việc niêm yết lên sàn HOSE giúp cổ phiếu doanh nghiệp đến gần với nhà đầu tư và là tiền đề để công ty thu hút vốn và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược trong tương lai.
Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN thực hiện nghi thức đánh cồng mừng ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu PGV trên sàn HOSE.

Ngày 10/2, hơn 1,1 tỷ mã chứng khoán PGV của Tổng công ty Phát điện 3 - CTCP (EVNGENCO3) chính thức niêm yết lên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE).

Với giá tham chiếu ngày đầu niêm yết là 39.480 đồng/cp, EVNGENCO3 đạt mức vốn hoá xấp xỉ 44.355 tỷ đồng (khoảng 1,9 tỷ USD) và lọt top 35 doanh nghiệp có vốn hoá lớn nhất thị trường hiện nay.

EVNGENCO3 là nhà sản xuất điện có quy mô lớn thứ hai cả nước với tổng công suất bao gồm các công ty cổ phần có vốn góp từ 30% trở lên) đạt 6.560MW, tương ứng khoảng 8,6% công suất của hệ thống điện Việt Nam, chỉ sau công ty mẹ là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Sản lượng phát điện của EVNGENCO3 duy trì 31 tỷ kWh mỗi năm trong giai đoạn 2016-2020.

Việc chuyển niêm yết lên HOSE sau gần 4 năm giao dịch trên UPCoM là sự kiện có ý nghĩa quan trọng với EVNGENCO3.

Ông Lê Văn Danh – Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc EVNGENCO3.

Chia sẻ với phóng viên, ông Lê Văn Danh – Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc EVNGENCO3 nhận định: “Đây là sự kiện đánh dấu mốc quan trọng và mở ra nhiều cơ hội mới, đưa cổ phiếu PGV đến gần hơn với các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước, để tiếp tục thúc đẩy quá trình tái cơ cấu theo định hướng chiến lược phát triển của Tổng Công ty Phát điện 3.

Trong ba năm trở lại đây, EVNGENCO3 đã ghi nhận tăng trưởng mạnh về lợi nhuận qua các năm. Đặc biệt tăng vọt trong năm 2021 với lợi nhuận trước thuế đạt 3.414 tỷ đồng, tăng gần 49% so với năm 2020, vượt kế hoạch đề ra. Đây cũng là kết quả lợi nhuận cao nhất kể từ khi công ty công bố báo cáo tài chính (năm 2015).

Nguồn: Tổng hợp từ BCTC công ty.

Trong năm qua, sản lượng điện sản xuất của EVNGENCO3 đạt 29,608 tỷ kWh, trong đó nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu sản lượng điện (47%).

Bên cạnh đó, Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Mông Dương 1 và MNNĐ Ninh Bình đã tiêu thụ 100% lượng trong xỉ phát sinh; NMNĐ Vĩnh Tân 2 tỷ lệ tiêu thụ đạt 62,67%, cao nhất tính từ khi vận hành thương mại.

Ông Lê Văn Danh cho biết EVNGENCO3 có định hướng phát triển năng lượng sạch trong tương lai như: đẩy mạnh hợp tác đầu tư các dự án nhà máy điện sử dụng LNG cũng như triển khai mua LNG cho các nhà máy điện Phú Mỹ ở thời điểm phù hợp. Đồng thời, nghiên cứu xúc tiến triển khai đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời hybrid (kết hợp với thủy điện) sau khi Quy hoạch điện 8 được phê duyệt. Ngoài ra, Tổng công ty sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp để các nhà máy cụm nhiệt điện Phú Mỹ hoạt động hiệu quả trong thời gian tới.

Cùng với đó, giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, công ty sẽ mạnh mẽ chuyển đổi số trong công tác quản trị, điều hành; tiếp tục áp dụng rộng rãi CMCN 4.0 trong tối ưu công tác vận hành, sửa chữa các nhà máy điện nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và triển khai toàn diện các giải pháp đảm bảo môi trường ổn định, dài hạn cho các nhà máy nhiệt điện than; mở rộng thị trường cung cấp dịch vụ vận hành và sửa chữa các nhà máy điện.

Trong năm 2022, ban lãnh đạo EVNGENCO3 đặt mục tiêu sản lượng điện sản xuất công ty mẹ đạt 27,4 tỷ kWh.

Doanh nghiệp cũng cho biết hiện đang phối hợp với các đối tác triển khai đầu tư dự án Trung tâm Điện lực Long Sơn tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự án này có diện tích khoảng 200 ha và tổng vốn đầu tư khoảng 3,7 tỷ USD, sử dụng khí đốt hóa lỏng (LNG) để phát điện với tổng công suất 3.600-4.500 MW.

“Với các kế hoạch đã nêu, bên cạnh việc duy trì lợi ích cho các cổ đông hiện nay, Tổng công ty kỳ vọng thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn để hoàn thành nhiệm vụ tái cơ cấu, giảm tỷ lệ sở hữu của EVN tại EVN Genco3 theo chủ trương đã được phê duyệt”, ông Lê Đăng Doanh chia sẻ.

 

Ông Dương Quang Thành – Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Việc cổ phiếu PGV lên sàn chứng khoán HOSE là thuận lợi để hoạt động của EVNGENCO3 minh bạch, rõ ràng. Nghĩa vụ của doanh nghiệp cổ phần được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật và thị trường chứng khoán. Đặc biệt, Hội đồng quản trị luôn minh bạch hóa thông tin và xây dựng định hướng phát triển của Tổng công ty để Tổng công ty phát triển lớn mạnh hơn do áp lực khi lên sàn chứng khoán đòi hỏi phải có lợi nhuận hàng năm theo yêu cầu của cổ đông. Ngoài ra, Tổng công ty cần đáp ứng yêu cầu đảm bảo điện cho đất nước, đảm bảo kinh doanh hiệu quả theo yêu cầu của cổ đông.

 

Ông Đinh Quốc Lâm – Chủ tịch HĐQT EVNGENCO3: Việc cổ phiếu PGV của EVNGENCO3 chính thức niêm yết lên sàn HOSE giúp cổ phiếu đến gần với nhà đầu tư, là tiền đề để EVNGENCO3 triển khai các chương trình dài hạn hơn như thu hút vốn, năng lực quản trị và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược trong tương lai. Tuy nhiên, dù hoạt động theo mô hình doanh nghiệp nào, EVNGENCO3 với vai trò quản lý vận hành nhiều nhà máy điện trải dài trên cả nước luôn xác định rõ là doanh nghiệp trách nhiệm với xã hội, trách nhiệm với cộng đồng, sẵn sàng chung tay cùng nhân dân cả nước mỗi khi gặp khó khăn.

Từ khóa: #EVNGENCO3