Nối lại vận tải hành khách để đảm bảo nguồn cung lao động cho các doanh nghiệp phục hồi sau dịch
Đánh giá rất tích cực các nguyên tắc, giải pháp của Chính phủ đưa ra tại Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19, tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp vẫn mong muốn, các giải pháp đề ra trong Nghị quyết cần được triển khai nhanh hơn nữa, để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn.
Khi được hỏi về vấn đề này dưới góc nhìn của một doanh nhân, ông Nguyễn Tiến Thắng, Ủy viên BCH TW Hội Doanh Nhân Tư Nhân Việt Nam Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần liên doanh sơn Quốc Tế Mỹ đã có những trao đổi hết sức thiết thực, thẳng thắn với PV Tạp Chí điện tử Doanh nhân Việt Nam.
-Dưới góc độ là một doanh nhân, chủ doanh nghiệp và đặc biệt là Ủy viên BCH TW Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, ông có đánh giá thế nào về NQ 105?
-Nghị quyết 105 của Chính phủ ban hành ngày 9/9/2021 đã ghi nhận rõ ràng rằng “ Khu vực doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh luôn có vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đã có nhiều đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước, kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, xóa đói giảm nghèo, ổn định xã hội; là mắt xích quan trọng trong mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị và là một trong những lực lượng nòng cốt trong việc tạo ra của cải, vật chất xã hội.
Nghị quyết đã đưa ra 59 nhiệm vụ, giải pháp chia thành 4 nhóm chính, bao gồm: Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng; hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi về lao động, chuyên gia.
Trong số 59 nhiệm vụ, giải pháp đưa ra trong nghị quyết, có đến 21/59 giải pháp liên quan đến sửa đổi, ban hành các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật; 38/59 giải pháp liên quan đến hướng dẫn, đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp. Đặc biệt, có đến 18/59 nhiệm vụ yêu cầu cần được hoàn thành ngay trong tháng 9, tức là chỉ sau chưa đầy 1 tháng ban hành Nghị quyết.” Sự nhìn nhận này của Chính phủ và cá nhân Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện đầy đủ giá trị, vai trò to lớn của khối Doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế là hết sức quan trọng kể cả phát triển kinh tế trước đại dịch, đồng hành cùng chính phủ trong đại dịch và phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch.
Với sự ghi nhận rất thực tế này thì việc hỗ trợ và đồng hành cùng khối doanh nghiệp là cần thiết, doanh nghiệp hết sức biết ơn chính phủ đã quan tâm và đưa ra những hành động cụ thể nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân.
Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp vẫn mong muốn, các giải pháp đề ra trong Nghị quyết cần được triển khai nhanh hơn nữa, để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn.
-Về mục tiêu và giải pháp của NQ105 khi đưa vào thực tiễn đối với các doanh nghiệp trong vòng 1 tháng vừa qua, ông có suy nghĩ gì?
-Về mục tiêu và giải pháp của nghị quyết, doanh nghiệp hoàn toàn ủng hộ và sẵn sàng đồng hành cùng chính phủ trong việc thực hiện các mục tiêu phục hồi kinh tế sau dịch.
Về các mục tiêu hỗ trợ liên quan đến kinh tế, đến vốn, đến dòng tiền; Việc miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là hữu ích nhưng đối tượng được thụ hưởng chính sách này chưa rộng và không đến được với những doanh nghiêp nhỏ và vừa đặc biệt khối doanh nghiệp siêu nhỏ đang thực sự khó khăn đã dừng hoạt động sản xuất. Nhóm đối tượng này không có đủ việc làm, không có doanh số doanh thu, hoặc thu không đủ bù chi dẫn đến không có lợi nhuận nên không có tiền lãi để nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Về miễn giảm thuế, tôi kính đề nghị xem xét giảm thuế giá trị gia tăng trên mọi lĩnh vực chứ không chọn một vài nhóm ngành nghề để giảm. Việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ giúp giảm giá thành sản phẩm, kích thích trực tiếp tiêu dùng trên nhiều lĩnh vực, nhiều khía cạnh, dòng tiền trong xã hội sẽ nhờ đó mà được lưu thông, kích thích kinh tế phát triển. Mức giảm có thể là 10 - 30% trên mức tính thuế GTGT đối với các nhóm hàng cụ thể.
Về thời gian giảm tôi đề nghị tối thiểu là 6 tháng ( hết quý 1 năm 2022). Lúc này tôi mong chính phủ và bộ tài chính quyết liệt và mạnh tay hơn nữa trong quyết định giảm thuế GTGT này, chúng ta hi sinh giai đoạn này để cứu doanh nghiệp, để được cái lợi lâu dài. Về thuế nhập khẩu tôi kính mong được xem xét giảm thuế nhập khẩu ở các mặt hàng nguyên vật liệu đang có nguồn cung eo hẹp trên thị trường quốc tế, việc này giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực, động lực để nhập khẩu tích trữ phục vụ các hoạt động sản xuất trong nước.
Tôi kính mong Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước xem xét lại gói vay tín dụng cho doanh nghiệp trả lương cho người lao động. Đôi khi vấn đề không nằm ở lãi suất 0% mà ở việc có vay được hay không, hình thức thế nào, quy mô gói vay, đối tượng áp dụng…
Không chỉ có Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện gói vay này mà Ngân hàng Nhà nước nên có các hướng dẫn quy định với các Ngân hàng Thương mại cổ phần tham gia cùng vào cuộc giúp Doanh nghiệp phục hồi sản xuất thông qua gói vay này. Một số mong muốn như gói vay trả lương như lãi suất thấp từ 3 – 5% một năm, vay không cần tài sản đảm bảo hay vay dựa trên tài sản đảm bảo cũ được định giá lại, nới hạn mức tín dụng…Khi các ngân hàng TMCP vào cuộc sẽ tạo ra được một cú hích lớn giúp doanh nghiệp vượt khó khăn, giảm áp lực lên Ngân hàng Nhà nước.
Về chính sách giải quyết hồ sơ hỗ trợ người lao động được hưởng trợ cấp mất việc trong giai đoạn dịch bệnh còn chậm, cổng dịch vụ công quốc gia bị quá tải hồ sơ gửi nhiều ngày nhưng vẫn trong giai đoạn chờ giải quyết, vậy kính mong Chính Phủ cải thiện tình trạng này của cổng dịch vụ công quốc gia.
-Ông đánh giá như thế nào về cách thực thi chính sách của Chính phủ của các cấp cơ sở trong gần 1 tháng vừa qua đối với các doanh nghiệp?
-Vẫn còn có tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, chính quyền cấp cơ sở còn máy móc, còn sợ trách nhiệm, chưa linh động sáng tạo, chưa đau nỗi đau của doanh nghiệp… Nhưng với sự vào cuộc quyết liệt, lấy thực tiễn làm thước đo năng lực lãnh đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tình trạng trên đã được cải thiện rất nhiều. Cá nhân tôi rất biết ơn Thủ tướng Phạm Minh Chính.
-Ông có giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn do thiếu hụt lao động của doanh nghiệp trong thời gian sắp tới không?
-Để nhằm đáp ứng đủ nguồn cung lao động cho các doanh nghiệp trong thời gian sắp tới thì tôi nghĩ sớm mở lại loại hình vận tải hành khách bằng xe khách liên tỉnh với các đối tượng đã được tiêm tối thiểu 1 mũi và có giấy xét nghiệm nhanh COVID-19 âm tính. Việc nối lại vận tải hành khách liên tỉnh bằng xe khách sẽ giải quyết được sự thiếu hụt lao động xảy ra trong suốt thời gian qua của các doanh nghiệp, người lao động yên tâm tham gia sản xuất kinh tế, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phục hồi khi có nguồn cung lao động dồi dào, ổn định.
Ngoài ra vận tải xe khách còn đóng góp đáng kể vào việc lưu thông hàng hóa. Đây là một thực tế rất cần Chính phủ và Bộ giao thông vận tải, lãnh đạo các tỉnh xem xét giải quyết sớm, mở đường tháo gỡ nút thắt đi lại của người lao động.
-Còn các hoạt động kích thích các doanh nghiệp ngành du lịch phát triển trở lại, theo ông đâu là giải pháp?
-Về các hoạt động kích thích du lịch, đón đầu xu hướng dịch chuyển du lịch sau đại dịch trên toàn thế giới, tôi có ý kiến với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch như sau: Việt Nam là quốc gia có lợi thế về du lịch, đặc biệt là du lịch biển, chúng ta có năng lực đón khách quanh năm, du lịch cũng là ngành nghề đem lại nguồn thu ngân sách lớn.
Năm 2018, du lịch Việt Nam đón 15.497.791 lượt khách, tăng 19,9% so với năm 2017, phục vụ hơn 80 triệu lượt khách trong nước, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 620.000 tỷ đồng và là năm thứ ba liên tiếp, du lịch Việt Nam liên tục thăng hạng trên bản đồ du lịch thế giới. Về tổng thu từ khách du lịch, năm 2019 du lịch Việt Nam đạt 755 nghìn tỷ đồng (tương đương 32,8 tỷ USD), trong khi năm 1990 đạt 1.340 tỷ đồng. Trong đó tổng thu từ khách du lịch quốc tế đạt 421.000 tỷ đồng (18,3 tỷ USD), tổng thu từ khách du lịch nội địa đạt 334.000 tỷ đồng (14,5 tỷ USD). Tỷ lệ đóng góp trực tiếp của du lịch vào GDP cũng ngày càng tăng. Năm 2015 đạt 6,3%; năm 2016: 6,9%; năm 2017: 7,9%; năm 2018: 8,3% và năm 2019: 9,2%.
Du lịch là một ngành rất xứng đáng được đầu tư. Vậy chúng ta nên đầu tư gì cho du lịch trong giai đoạn dịch bệnh hạn chế di chuyển như bây giờ, giờ này có giảm tiền kí quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành mà không có khách thì cũng không để làm gì. Vậy giai đoạn này ta nên đầu tư cho truyền thông quảng cáo về một Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn là một nơi đáng đến trong đời để trải nghiệm và đầu tư.
Bộ VHTT&DL nên làm nhiều thước phim đẹp về con người, thiên nhiên Việt Nam và dùng ngân sách của Bộ truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam tới toàn thế giới về một đất nước tươi đẹp của chúng ta. Thực trạng tê liệt về du lịch lưu trú lữ hành trong lúc này là phải chấp nhận nhưng phải hành động để đón đầu xu thế, phải giành lấy những khách du lịch quốc tế đầu tiên, phải sẵn sàng các kịch bản đón khách mà theo tôi nghĩ việc thiết yếu lúc này là phải tuyên truyền với toàn thế giới rằng Việt Nam đẹp và bình yên thế nào, phải kể những câu chuyện chúng ta đã vượt qua được đại dịch và mong muốn được đón khách ra sao. Việc này chỉ có Bộ VH TT& DL mới đủ nguồn lực để thực hiện. Đây là hành động thiết thực giúp các Doanh nghiệp Du lịch, khách sạn, lưu trú…lúc này.
Cảm ơn ông về những chia sẻ!