Hé lộ khối tài sản của "ông trùm" Masayoshi Son - Chủ tịch tập đoàn SoftBank có tên trong hồ sơ trốn thuế Pandora
Cụ thể, tài liệu Pandora cáo buộc ông Masayoshi có hành vi trốn thuế bằng cách mua một chiếc máy bay phản lực với mục đích kinh doanh vào khoảng năm 2014 thông qua một doanh nghiệp được hình thành vào năm 2009 tại Quần đảo Cayman - một lãnh thổ thuộc Anh được coi là thiên đường thuế.
Quyền sở hữu máy bay được chuyển cho một công ty ủy thác của Mỹ và Son trả phí khi sử dụng máy bay dựa trên hợp đồng thuê.
Các chuyên gia về pháp lý và tài chính cho biết, một người có thể giảm thu nhập chịu thuế bằng cách trả phí sử dụng chiếc máy bay này ngay cả khi nó thuộc sở hữu của họ.
Trước những cáo buộc trên, tập đoàn SoftBank đã nhanh chóng lên tiếng phủ nhận. Người phát ngôn của doanh nghiệp viễn thông Nhật Bản thông tin rằng công ty ở Quần đảo Cayman là công ty con của một công ty Nhật Bản do Son đứng đầu và hợp đồng cho thuê không cấu thành hành vi trốn thuế.
Được biết, các tài liệu trong hồ sơ Pandora vốn là nguồn rò rỉ từ 11,9 triệu tài liệu mật từ 14 hãng dịch vụ tài chính và pháp lý khác nhau mà Liên đoàn Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) có được. ICIJ tin rằng số tài liệu này “cung cấp cái nhìn sâu rộng về một ngành công nghiệp đang hỗ trợ các quan chức chính phủ siêu giàu, nhiều quyền lực và giới tinh hoa che giấu hàng nghìn tỷ USD trước các cơ quan thuế và công tố”.
Tài liệu Pandora khi được tung ra đã ngay lập tức gây "sóng gió" trên nhiều tờ báo, trang tin và diễn đàn trên thế giới. Đây được coi là dự án hợp tác báo chí có quy mô toàn cầu bởi sự tham gia của hơn 600 nhà báo đến từ 150 cơ quan báo chí của 117 quốc gia. Hơn 330 chính trị gia, 130 tỷ phú Forbes cùng nhiều ngôi sao, kẻ lừa đảo, trùm ma tuý, thành viên hoàng gia và người đứng đầu các nhóm tôn giáo ở hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ có tên trong danh sách thuộc hồ sơ này. Họ tận dụng các thiên đường thuế và chính sách bảo mật tài chính để mua bất động sản, che giấu tài sản và trốn thuế.
Ngoài tỷ phú Masayoshi Son, có một vài cái tên khác đáng chú ý như Takeo Hirata, cựu lãnh đạo Ban Thư ký phụ trách quảng bá Thế vận hội Tokyo và Paralympic hay George Hara, một nhà đầu tư công nghệ mạo hiểm, từng làm cố vấn đặc biệt cho Văn phòng Nội các Nhật Bản. Cả hai đều liên quan đến né thuế và sở hữu tài sản ngầm tại Quần đảo Virgin.
Về ông Masayoshi Son, người kiến tạo các tỷ phú nổi tiếng
Theo thống kê Real Time của Forbes, người đứng đầu SoftBank hiện sở hữu khối tài sản trị giá 27,5 tỷ USD và xếp thứ ba trong danh sách những người giàu có Nhật Bản.
Ông Masayoshi Son sinh năm 1957 trong một gia đình nhập cư tại hòn đảo Kyushu, Nhật Bản. Ngay khi chưa trưởng thành, ông đã mạnh dạn tới San Francisco (Mỹ) để tiếp tục chương trình trung học sau khi nghe lời khyên từ nhà sáng lập McDonald's Nhật Bản Den Fujita – một trong những người ông coi là thần tượng.
Sau đó, ông theo học ngành khoa học máy tính và kinh tế của trường Đại học California tại Berkeley. Ông đã khởi nghiệp khi chưa đầy 21 tuổi khi đã bán công ty đầu tiên với sản phẩm là máy phiên dịch đa ngôn ngữ cho Sharp với giá khoảng 1 triệu USD.
Vào những năm 80 của thế kỷ trước, ông Masayoshi sáng lập lên SoftBank quen thuộc cho đến hiện tại. Khởi điểm là một công ty phân phối phần mềm và máy tính cá nhân với vỏn vẹn 2 nhân viên trong căn hộ chật chội ở Tokyo (Nhật Bản). Công việc kinh doanh thuận lợi, ông bắt đầu mở rộng đầu tư vào lĩnh vực mạng viễn thông và bắt đầu gặt hái được những thành quả ấn tượng. Nhưng vị tỷ phú cùng SoftBank hiện nổi tiếng trên thế bởi những thương vụ đầu tư vào nhiều công ty khởi nghiệp lớn nhỏ trên thế giới.
Những năm 2000, nắm bắt được xu hướng công nghệ bùng nổ, Masayoshi Son bỏ ra hàng chục tỷ USD đầu tư hơn 800 startup với mong muốn tạo ra "một kỷ nguyên kỹ thuật số" đa ngành tại Nhật Bản. Tuy nhiên, hầu hết các startup này đều thất bại. Tài sản của ông sau đó “bốc hơi” đến hơn 70 tỷ USD. Thậm chí người đàn ông này còn bị truyền thông Nhật Bản ví von là "tỷ phú đen đủi nhất thế giới" khi từng có thời kỳ giá trị vốn hóa của Softbank từ 180 tỷ USD bốc hơi còn 2,5 tỷ USD do thị trường chứng khoán giảm mạnh.
Tuy nhiên, vị tỷ phú người Nhật đã quen thuộc với thăng trầm. Trong những ngày tháng khó khăn, ông đã đầu tư 20 triệu USD vào Công ty Alibaba của tỷ phú Jack Ma, khi công ty này còn là một trang web chưa ai biết đến. Và rồi đến tháng 9/2014, Alibaba gây tiếng vang thế giới với thương vụ IPO huy động được 25 tỷ USD. Nhờ khoản đầu tư sớm vào Alibaba, SoftBank lãi khoảng 4,6 tỷ USD. SoftBank dần hồi phục và trở thành một trong những tập đoàn viễn thông và Internet lớn nhất Nhật Bản.
Trong tất cả các vụ đầu tư từ trước đến nay, ông Masayoshi Son luôn giữ vững một triết lý là tìm kiếm những doanh nhân có sức hút lớn và trao cho họ những gì họ cần. Ông từng đặt cược mọi thứ vào Yahoo hồi mới khởi nghiệp vào năm 1995, kết quả thu được là doanh nghiệp này trở thành một trong những trang nội dung có lượng truy cập lớn nhất của Mỹ vào nhiều năm sau.
“Chúng ta chỉ sống một lần trên đời, nên tôi muốn nghĩ lớn” và không hề muốn đặt cược vào quy mô nhỏ. Những triết lý đầu tư của vị tỷ phú dường như đã thấm nhuần vào trong suốt một đời trên thương trường của mình.
Từ quan điểm đó, Masayoshi Son cùng SoftBank đã tạo ra một loạt danh sách dài các tỷ phú thông qua các thương vụ đầu tư. Dưới đây là những cái tên nổi tiếng từng được Bloomberg điểm danh:
- Stewart Butterfield (1,7 tỷ USD), người sáng lập Slack, ứng dụng chat tại nơi làm việc. Thời điểm lên sàn chứng khoán vào tháng 6/2019, rồi tiếp tục nổi tiếng qua thương vụ M&A trị giá 27,7 tỷ USD với Salesforce.
- Loạt các tỷ phú Travis Kalanick (3,9 tỷ USD), Garrett Camp (3,3 tỷ USD), Ryan Graves (1,3 tỷ USD) của ứng dụng gọi xe nổi tiếng Uber, hiện vẫn khiến dư luận tranh cãi đây là thành công hay thất bại lớn nhất của SoftBank bởi thua lỗ chồng chất dẫn tới phải rút khỏi thị trường Trung Quốc và Đông Nam Á và cổ phiếu của hãng đã lao dốc sau khi IPO.
- Ba tỷ phú Tony Xu (2,8 tỷ USD), Andy Fang (2,6 tỷ USD), Stanley Tang (2,5 tỷ USD) những người sáng lập của DoorDash - dịch vụ giao đồ ăn phổ biến nhất tại Mỹ, đánh bật Uber Eats trong thời gian đại dịch. DoorDash được SoftBank đầu 680 triệu USD vào năm 2018 và hiện khoản đầu tư này đã lên đến giá trị 9 tỷ USD theo tiết lộ của tỷ phú Son vào tháng 2.
- Tỷ phú: Bom Kim (8,6 tỷ USD), gắn liền với công ty giao hàng Coupang - được mệnh danh là Amazon của Hàn Quốc, doanh nghiệp này nhận được 1 tỷ USD tiền vốn từ SoftBank vào năm 2015, tiếp đó là 2 tỷ USD từ Vision Fund (quỹ thuộc SoftBank) vào năm 2018. Khi Coupang lên sàn chứng khoán, doanh nghiệp đã sốc ngay trong phiên giao dịch đầu tiên hồi tháng 3 khi giá cổ phiếu tăng 97%, đồng thời biến Bom Kim trở thành một trong những người giàu nhất thế giới.