Với hành trình nỗ lực không ngừng nghỉ, chị đã kể ra một câu chuyện mới về thời trang. Đó là câu chuyện trang phục gắn liền với văn hoá lâu đời của Việt Nam, về cuộc sống của những nghệ nhân gắn bó cả đời với nghề thêu truyền thống.
Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam đã có buổi trò chuyện với NTK Nguyễn Thơ Thơ để hiểu hơn về khát khao mang vẻ đẹp nhung lụa Việt đi khắp năm châu, cùng những đóng góp của chị trong hành trình hồi phục nghề thêu truyền thống đang dần bị mai một.
PV: Giữa muôn vàn phong cách và chất liệu thời trang, cơ duyên nào khiến chị gắn bó với trang phục truyền thống, cụ thể là nhung lụa thêu tay?
NTK Nguyễn Thơ Thơ: Có hai người ảnh hưởng đến tư duy thời trang của tôi, đó là mẹ và bà nội. Bà nội là thế hệ phụ nữ gần như cuối cùng còn giữ lối ăn mặc truyền thống. Hình ảnh bà với hàm răng nhuộm đen óng, mặc quần sớ, áo bà ba, đeo mấn và quàng khăn mỏ quạ mỗi ngày đã in sâu vào tâm trí tôi từ khi còn rất nhỏ. Và trong tiềm thức của tôi, bà chính là đại diện cho vẻ đẹp Việt Nam truyền thống.
Trong khi đó, mẹ tôi là người phụ nữ khéo léo và có phong cách thời trang ấn tượng, luôn chọn những bộ cánh bay bổng và phóng khoáng. Sinh ra và lớn lên trong gia đình khi bà và mẹ đều là những người chú trọng vấn đề ăn mặc, theo thời gian, phong cách của tôi cũng dần bị ảnh hưởng.
Đến khi lập gia đình, tôi muốn tìm những trang phục mang đậm dấu ấn truyền thống với chất liệu từ nhung, lụa nhưng rất ít nơi bán. Nếu có, thì phần lớn các thiết kế đều được biến tấu theo lối ăn mặc phương Tây, hoặc chất liệu không đảm bảo, hoặc có giá thành cao. Chính điều này đã thôi thúc tôi cho ra đời một thương hiệu phục trang thêu tay truyền thống, nơi các sản phẩm đều đảm bảo về mặt chất lượng, được thiết kế và đặt may riêng bởi những nghệ nhân nổi tiếng tại các làng nghề, song nhưng giữ được mức giá ổn định.
PV: Việc khởi đầu trào lưu mặc đồ thêu tay truyền thống thường bị định kiến “chỉ hợp với khách hàng lớn tuổi” chắc hẳn không phải chuyện đơn giản, song chị đã làm được. Chị có thể chia sẻ về quyết tâm này?
NTK Nguyễn Thơ Thơ: Nhung lụa là chất liệu cao cấp, có giá thành cao nên phần lớn mọi người chỉ mặc vào dịp đặc biệt, và hầu như chỉ những người đứng tuổi có đủ thu nhập mới dùng loại vải này để may áo. Đây được cho là nguyên nhân chính làm xuất hiện định kiến nhung lụa chỉ hợp với khách hàng lớn tuổi. Trên thực tế, chất liệu này được rất nhiều hãng thời trang quốc tế khai thác và đã tạo ra các bộ sưu tập đặc biệt, nhận được sự đón nhận của không ít người trẻ.
Thời điểm mới kinh doanh, đa số người quen và bạn bè của tôi đều cho rằng quyết định bán váy áo từ nhung lụa là quyết định mạo hiểm, do chất liệu này không hợp thị hiếu số đông. Bản thân tôi cũng nhận thức rõ điều này nhưng thay vì chùn bước, tôi càng quyết tâm xây dựng một Tiệm Thơ với dấu ấn riêng và doanh số ổn định.
Mỗi khi thiết kế trang phục, tôi luôn phác thảo bản vẽ dưới con mắt của người 30 tuổi và nghĩ đến việc ứng dụng trên bản thân mình trước. Chỉ khi mình thực sự thấy đẹp và muốn mặc chúng, thì mới mong có được sự ủng hộ từ số đông. Sau khi cẩn thận nghiên cứu, tôi nhận ra điểm mấu chốt quyết định sản phẩm có trẻ trung hay không chính là cách phối màu vải sao cho cân xứng với hoạ tiết. Vận dụng linh hoạt điều này, tôi đã biến tấu và cho ra đời các thiết kế đa dạng, từ áo dài, áo choàng cho đến váy yếm, đón tiếp rất đông khách hàng từ mọi lứa tuổi.
Đến nay, sự phát triển của Tiệm Thơ đã giúp tôi thực hiện ước muốn bấy lâu, đó là thành công khởi đầu trào lưu mặc đồ thêu tay truyền thống và lan tỏa phong cách này đến cộng đồng.
PV: Những nét đẹp văn hoá được chị lồng ghép thế nào qua các thiết kế?
NTK Nguyễn Thơ Thơ: Thời gian đầu, tôi nhận ra nhiều người mua đồ chỉ đơn giản vì thấy đẹp, mà không quan tâm đây là sản phẩm thêu tay hay được sản xuất kỳ công, tỉ mỉ thế nào. Trăn trở về việc sản phẩm của mình đến tay khách hàng nhưng chưa thực sự có “sức nặng”, tôi cho rằng mình cần lồng ghép câu chuyện về nghề thủ công vào từng thiết kế.
Nghĩ là làm, tôi xuất hiện nhiều hơn trên truyền thông để kể câu chuyện về các nghệ nhân, về hành trình chế tác và cho ra đời một sản phẩm thêu tay truyền thống với những công đoạn cầu kì. Trên Fanpage Tiệm Thơ, các bài viết về quá trình thực hiện, ý nghĩa của mỗi sản phẩm và nét đẹp văn hoá đính kèm cũng được chia sẻ rộng rãi. Theo thời gian, Tiệm Thơ ngày càng nhận được sự chú ý, quan tâm và lắng nghe của nhiều người, qua đó thúc đẩy họ tìm hiểu và tôn trọng từng sản phẩm, hoặc đơn giản là mua một chiếc váy để ủng hộ các nghệ nhân.
Tôi cũng khởi xướng và xây dựng mô hình thời trang kết hợp với workshop đầu tiên tại Hà Nội, với mong muốn giúp khách hàng hiểu hơn về giá trị món đồ mà họ chi tiền để sở hữu. Đồng thời, có cơ hội cảm nhận sự cầu kì và tinh tế của từng sản phẩm, thấy được tinh hoa của nghề thủ công Việt và hun đúc thêm tình yêu với mặt hàng truyền thống.
Tôi mong rằng thương hiệu mình gây dựng không đơn thuần là phục trang, mà thông qua đó, mọi người được nghe kể về dòng chảy lịch sử dân tộc, về nét đẹp của một đất nước ngàn năm văn hiến. Tôi cũng hy vọng những câu chuyện ẩn sau các mẫu thiết kế sẽ được truyền tải rộng rãi đến cộng đồng, và nhận được sự ủng hộ, chào đón từ mọi lứa tuổi, đặc biệt là người trẻ.
PV: Bên cạnh những nét đẹp văn hoá, yếu tố nào đã làm các trang phục của Tiệm Thơ gây ấn tượng với khách hàng. Đâu là điều mà chị tâm đắc nhất trong hành trình gây dựng Tiệm Thơ?
NTK Nguyễn Thơ Thơ: Toàn bộ sản phẩm của Tiệm đều được thêu tay 100% và sử dụng chất liệu truyền thống như nhung, lụa và tơ tằm thượng hạng… Để có được những thiết kế chất lượng và mẫu mã độc đáo, tôi cất công tìm những thợ thêu giàu kinh nghiệm, thuyết phục nghệ nhân ở các làng nghề thêu nổi tiếng để phối hợp hoàn thiện sản phẩm. Có lẽ sự tâm huyết và khát khao của tôi đã khiến nhiều thợ thêu giỏi đồng lòng hợp tác.
Các sản phẩm tại Tiệm Thơ đều được thể hiện bằng kỹ thuật thêu độc đáo, với mọi hoạ tiết đều là biểu tượng hoặc mang ý nghĩa riêng, thể hiện nét văn hóa và phong tục, cũng như đôi mắt tinh tường và bàn tay khéo léo của người làm ra nó. Những kỹ thuật thêu tỉ mỉ, công phu cũng được các nghệ nhân truyền lại qua nhiều thế hệ, giúp từng chiếc váy áo không chỉ đẹp, ấn tượng mà còn trở thành những tác phẩm nghệ thuật thực sự. Tôi cho rằng đây chính là một cách giúp các kỹ thuật thêu được lưu giữ và còn mãi.
Sau 3 năm gây dựng Tiệm Thơ, đến nay, tôi đã tạo ra việc làm đều đặn cho hàng trăm lao động thủ công đến từ các làng nghề thêu truyền thống, trong đó có cả những người gặp vấn đề về sức khỏe hoặc hết độ tuổi lao động, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên muốn có thêm thu nhập. Nhìn rộng hơn, công việc này không chỉ giúp họ trang trải cuộc sống, mà còn hình thành nên một cộng đồng nhỏ nơi các nghệ nhân được trân trọng, tạo cơ hội để những sản phẩm truyền thống đến tay nhiều khách hàng hơn nữa.
Khi quyết định làm công việc này, tôi chỉ nghĩ đơn giản là bản thân phải cố gắng hết sức, tạo thật nhiều việc làm cho những nghệ nhân thêu ở làng nghề. Do đó, tôi không dám nói về thành quả vì chưa nghĩ đến. Nhưng đến khi được xã hội công nhận về sự đóng góp của mình trong việc hồi sinh nghề thêu tay, tôi thấy bồi hồi và xúc động, xen lẫn niềm tự hào.
PV: Cảm xúc của chị khi nhìn lại quãng đường đã qua và kỳ vọng về tương lai của Tiệm Thơ lẫn ngành thời trang thủ công Việt Nam, thưa chị?
NTK Nguyễn Thơ Thơ: Năm 2022, thương hiệu Tiệm Thơ nhận được cúp Thương hiệu Vàng Việt Nam. Cũng trong hai năm qua, tôi có hai dự án về thêu tranh dân gian lên trang phục ứng dụng và tạo được dấu ấn khi được nhiều đài truyền hình trong nước đăng tải liên tục. Trang phục của Tiệm Thơ còn được rất nhiều chính trị gia, người nổi tiếng và doanh nhân thành đạt lựa chọn để mặc trong những dịp ngoại giao quan trọng.
Tuy nhiên, điều khiến tôi tự hào nhất, đó là tạo nên một phong cách mặc đồ thêu tay hoàn toàn mới, mà không bị nhầm lẫn với văn hoá của quốc gia nào. Tôi luôn có khát khao cháy bỏng về việc đóng góp một phần công sức giúp phụ nữ Việt có văn hoá may mặc đậm đà bản sắc, với những sản phẩm không kém bất kỳ món hàng hiệu nào. Để mỗi cô gái Việt khi ra nước ngoài đều tự hào mặc chúng, và bất cứ ai khi nhìn vào phục trang cũng có thể đoán ra quê hương của họ.
Có những giai đoạn mỏi mệt, tôi nghĩ đến hành trình đã qua và rất may khi tôi luôn thấy hài lòng về mọi thứ. Những thành tựu ban đầu cũng phần nào cho thấy tôi đang đi đúng hướng, có thêm động lực để vượt qua khó khăn, thử thách. Tôi mong rằng ý nghĩa và sự độc đáo của các sản phẩm sẽ giúp Tiệm Thơ luôn là thương hiệu thêu tay hàng đầu Việt Nam. Đồng thời, giúp một bộ phận khách hàng tin dùng sản phẩm Việt nhiều hơn, có thêm tình yêu với các mặt hàng thủ công truyền thống.
Việc ưu tiên họa tiết truyền thống vào các thiết kế đã giúp tôi nhận ra, những hình ảnh tuy mộc mạc giản đơn như bông lúa hay con trâu…, khi thêu lên váy lại trở thành nét đặc sắc rất riêng. Nếu các nhà thiết kế dành nhiều tâm huyết hơn vào từng sản phẩm, tin chắc rằng những mẫu trang phục truyền thống được thêu tay tỉ mỉ sẽ nhận được sự đón nhận ngày càng nhiều từ khách hàng. Điều này cũng sẽ góp phần đưa ngành thời trang thủ công Việt Nam trở thành một thị trường lớn, tạo tiền đề cho các cơ sở kinh doanh trong nước phát triển và vươn tầm quốc tế.
PV: Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!