Nữ doanh nhân Uyên Phương và trải nghiệm biến điều không thể thành có thể
Sự chuyển tiếp sang thời đại số đã có những ảnh hưởng lớn trong cuộc sống của những người như chị, thời đại cả kho tàng tri thức nhân loại nằm gọn trong một thiết bị cầm tay, chúng ta kết nối với nhau qua Facebook, Linkedin, Zalo, mua bán đổi thành chợ online, xe hơi cũng có trí tuệ thông minh và chuyển sang lái tự động không cần người lái.
Nhưng từ thời đại công nghệ số nhìn lại chặng đường 25 năm thành lập Tân Hiệp Phát, mới thấy thành công đáng ngưỡng mộ của chị cũng như sự lớn mạnh của Tập đoàn.
“Tôi thuộc thế hệ lãnh đạo chuyển tiếp. Chúng tôi không chỉ tận mắt chứng kiến mà còn phần nào được trải nghiệm khó khăn thách thức của thế hệ thứ nhất, của 25 năm đất nước chuyển mình. Tôi đã lớn lên với những trải nghiệm biến điều không thể thành có thể tại Tân Hiệp Phát”, doanh nhân Uyên Phương chia sẻ.
Nỗ lực và sáng tạo không ngừng
Trải nghiệm đầu tiên của doanh nhân Uyên Phương là vào năm 1994, sau khi Tân Hiệp Phát thành lập, khó khăn muôn bề, nguồn lực thì hạn chế, ba chị, một kỹ sư cơ khí, đã quyết định mua lại dây chuyền phế thải đã cắt làm 3 mảnh của Bia Sai Gòn để đem về tái sử dụng. Không một ai tin là ông có thể làm cho chiếc máy vận hành được.
Câu nói nổi tiếng của ông đối với nhân viên Tân Hiệp Phát thời bấy giờ và kể cả đối với những kĩ sư kỳ cựu của bia Sài Gòn lúc đó là: "Có cái khung sườn còn tốt hơn là phải chế cái máy từ không có gì cả".
Sau 2 năm phục chế, với tất cả sự sáng tạo và nhiệt huyết, dàn máy đã chạy được và đạt công suất tới 80% công suất thiết kế của máy. Tập đoàn đã khởi sự bước vào ngành công nghiệp sản xuất bia, nước giải khát như vậy, với chi phí đầu tư thấp ở mức không thể.
Sau 7 năm tham gia ngành bia, năm 2001 Tập đoàn mở rộng sang nước uống không cồn. Các nhãn hiệu Pepsi và Cola chiếm gần như toàn bộ thị trường thời bấy giờ. Môt doanh nghiệp điạ phương, chưa hề có kinh nghiệm về mảng nước giai khát nhưng đã mạnh dạn bước vào thị trường mới.
Phân tích bài học thất bại của các doanh nghiệp trong nước trước đó, Tập đoàn xác định muốn có cơ hội thành công phải vươn lên ngang bằng với các công ty hàng đầu thế giới về chất lượng, công nghệ, sản xuất, và cả về marketing...
Trải nghiệm thứ hai mà doanh nhân Uyên Phương chia sẻ là yêu cầu hiện đại hoá quản trị doanh nghiệp tại Tân Hiệp Phát. Khi doanh nghiệp đã lớn mạnh, muốn phát triển ổn định, đi xa, cạnh tranh được với thế giới thì nhất định phải thay đổi cách quản trị theo hướng chuyên nghiệp.
Năm 1997, Tập đoàn quyết tâm thay đổi mạnh từ việc quản lý kiểm soát không có hệ thống, thậm chí tận dụng cả vé giữ xe đạp thay cho phiếu xuất hàng chuyển sang quản lý theo chuẩn quốc tế ISO. Đơn vị tư vấn cũng liên tục từ chối vì theo kinh nghiệm của họ, ngành bia là ngành khó triển khai hệ thống ISO với doanh nghiệp Việt Nam lúc bấy giờ, và sau một vài dự án không thành công, họ tin ngành bia Việt Nam không thể đạt chứng nhận ISO. Nhưng chỉ sau 5 tháng 19 ngày, Tập đoàn đạt chứng nhận ISO. Để đưa ISO vào Tân Hiệp Phát, với trình độ toàn công ty chưa đến 20 nhân sự có được bằng đại học, trong hơn 5 tháng, tập đoàn kiên trì làm việc mỗi ngày từ 8h sáng dến 5h sáng hôm sau.
Không dừng lại ở đó, năm 2002, Tập đoàn tiếp tục nghiên cứu mô hình quản trị và tin học hoá. Tân Hiệp Phát cũng là doanh nghiệp Việt đầu tiên của nghành hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam triển khai ứng dụng giải pháp phần mềm ERP quản trị tổng thể nguồn lực doanh nghiệp,để theo kịp các công ty đa quốc gia.
Đây là dự án nhiều triệu đô la, với giải pháp do công ty Baan, Hà Lan thiết kế. Ứng dụng ERP thành công, giá trị đem lại là một hệ thống quản trị hiện đại hàng đầu thế giới, hệ thống kiểm soát nghiêm ngặt theo chuẩn quốc tế.
“Và cũng như doanh nghiệp của các quý vị, Tân Hiệp Phát cũng có mục tiêu là lợi nhuận, làm doanh nghiệp là đi tìm lợi nhuận. Vậy xin hỏi ai trong quý vị đã từng có trải nghiệm từ chối lời đề nghị 2,5 tỷ đô?
Năm 2012, sau 9 tháng trao đổi và đàm phán với Coca Cola, Tân Hiệp phát quyết định từ chối lời đề nghị 2,5 tỷ đô để tiếp tục hành trình xây dựng thương hiệu Việt. Để có được thương hiệu và vị thế dẫn đầu ngành nước giải khát hiện nay hôm nay, cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu quốc tế lớn nhất thế giới, để họ sẵn sàng ngã giá 2,5 tỷ đô la mua Tân Hiệp Phát, công ty đã nỗ lực, phải sáng tạo không ngừng, để biến cái không thể thành có thể”, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát nói.