Ô tô khan hàng, người tiêu dùng thiệt đủ đường

15:32 | 21/03/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tình trạng thiếu hụt nguồn cung xe hơi đang khiến nạn "bia kèm lạc" lại có dịp lên ngôi.

Xe hơi khan hàng khiến người tiêu dùng "gặp khó"

Trao đổi với PV anh Mạnh Hùng (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: "Sau tết tôi có nhu cầu tìm mua 1 chiếc Hyundai Tucson mới. Phiên bản gia đình định mua là bản xăng đặc biệt có giá được quảng cáo là 925 triệu đồng. Tuy nhiên, khi ra cửa hàng thì được tư vấn là hiện xe rất ít nếu muốn lấy xe sớm thì phải chi thêm 40 - 50 triệu đồng tiền phụ kiện thì mới được "ưu tiên" lấy xe". 

Nhân viên bán hàng cho biết hiện lượng xe về đại lý rất ít đặc biệt là đối với những mẫu xe ăn khách như SantaFe hay Tucson thế hệ mới. Nếu có đặt xe thì hiện cũng không rõ được thời gian chính xác để giao đến tay khách hàng, anh Hùng chia sẻ thêm.

Hyundai Tucson hiện đang là mẫu xe được săn đón nhất tại Việt Nam.

Cũng theo khảo sát của phóng viên tình trạng khan hiếm nguồn cung không chỉ mình mẫu xe Hyundai Tucson mà hàng loạt các các mẫu xe ăn khách khác như Hyundai SantaFe, Ford Ranger, Explorer... hiện cũng chịu cảnh tương tự. Với mẫu xe bán tải của Ford, khách hàng hiện phải "chi" thêm từ 15-30 triệu đồng tiền phụ kiện để được ưu tiên nhận xe.

 

Trước đó, truyền thông Mỹ dẫn báo cáo nghiên cứu về nguồn cung bán dẫn do Bộ Thương mại nước này vừa công bố cho biết, tình trạng thiếu hụt trên toàn cầu sẽ kéo dài ít nhất là tới nửa sau năm 2022. Điều này sẽ khiến các  nhà máy ô tô, điện thoại… gặp khó. 

Lý do được đại diện các hãng xe đưa ra là do thiếu nguồn cung linh kiện, chíp bán dẫn sau khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine nổ ra. Điểm đáng chú ý nhất là hiện vẫn chưa có thông tin chính xác về thời điểm nguồn cung linh kiện được nối lại. Điều này tiếp tục đẩy "thế khó" về phía người tiêu dùng trong nước. 

Một giải pháp được nhiều người tìm đến lúc này là chuyển hướng sang các mẫu xe tương tự đang sẵn hàng. Về phía các nhà sản xuất và kinh doanh là việc đẩy mạnh nhập khẩu các mẫu xe "sẵn hàng" từ các thị trường lân cận như Thái Lan, Inđônêxia....

 

Sẽ tăng nguồn cung từ xe nhập khẩu?

Lượng ô tô nhập khẩu về nước hiện chưa tăng mạnh - Ảnh Bình An.

Theo thống kê, lượng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại trong tháng 2/2022 đạt 9.152 chiếc, tương ứng trị giá đạt 212 triệu USD. Trong khi đó, ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu được Tổng cục Hải quan ghi nhận trong tháng trước đạt 4.524 chiếc với trị giá đạt 127 triệu USD.

Lượng xe nguyên chiếc các loại được đăng ký làm thủ tục hải quan nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ 4 thị trường chính là từ Thái Lan với 4.688 chiếc; từ Inđônêxia với 2.592 chiếc; từ Trung Quốc với 1.033 chiếc và từ Hoa Kỳ với 415 chiếc. Số xe nhập khẩu từ 4 thị trường này đạt 8.728 chiếc, chiếm tới 95% tổng lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam.

Tính chung lũy kế 2 tháng năm 2022, lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu về Việt Nam là 13.690 chiếc, giảm 25,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống là 12.075 chiếc, giảm 0,7%; ô tô vận tải là 569 chiếc, giảm 87,9%.

Cũng theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 2/2022 có gần 390 triệu USD linh kiện & phụ tùng ô tô các loại được các doanh nghiệp nhập khẩu vào nước ta, trong khi đó con số này của tháng trước là 395 triệu USD. Như vậy, linh kiện & phụ tùng ô tô các loại được nhập về Việt Nam trong tháng này đã giảm nhẹ 1,3% so với tháng trước.

 

Tính chung lũy kế trong 2 tháng năm 2022, trị giá nhập khẩu nhóm hàng linh kiện & phụ tùng ô tô đạt 787 triệu USD, tăng 7,6% tương ứng tăng 55,6 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.

Các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng qua có xuất xứ rất đa dạng, chủ yếu từ Hàn Quốc với 117 triệu USD, từ Trung Quốc với 78 triệu USD, từ Thái Lan với 73 triệu USD, từ Nhật Bản với 63 triệu USD, từ Ấn Độ với 22 triệu USD. Tính chung, linh kiện và phụ tùng ô tô nhập khẩu từ 5 thị trường, nước xuất xứ này đạt 354 triệu USD, chiếm tỷ trọng 91% trong tổng trị giá nhập khẩu linh kiện & phụ tùng ô tô của cả nước trong tháng qua.