Ông Phạm Mạnh Thắng làm tân Chủ tịch PG Bank
Sáng ngày 23/10, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank - Mã: PGB) đã tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023 tại Ninh Bình.
Đại hội đã thông qua 4 nội dung chính, trong đó có phương án cơ cấu và nhân sự cho Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban Kiểm soát (BKS) nhiệm kỳ 2020-2025;thay đổi tên thương mại và địa điểm đặt trụ sở chính;phương án tăng vốn điều lệ vàphương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể, PG Bank nhận được đơn từ nhiệm của một số thành viên HĐQT và BKS, do đó ngân hàng cần phải kiện toàn lại bộ máy quản trị, kiểm soát để đảm bảo tuân thủ đúng quy định.Các ứng viên đều đã được thẩm định, phê chuẩn từ Ngân hàng Nhà nước và được các cổ đông bỏ phiếu với tỷ lệ nhất trí cao.
Theo kết quả phiếu bầu tại Đại hội, Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới sẽ gồm 6 thành viên: ông Phạm Mạnh Thắng, ông Đào Phong Trúc Đại, bà Đinh Thị Huyền Thanh, ông Đinh Thành Nghiệp, ông Vương Phúc Chính, ông Nguyễn Thành Lâm (Thành viên HĐQT độc lập).Cũng ngay trong buổi sáng nay, HĐQT đã họp bầu ông Phạm Mạnh Thắng làm Chủ tịch HĐQT, ông Đào Phong Trúc Đại làm Phó Chủ tịch HĐQT
Ngân hàng chưa công bố chi tiết về hồ sơ tiểu sử của các thành viên mới. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Đào Phong Trúc Đại (sinh năm 1975) là thành viên HĐQT và là một trong những đại diện của nhóm Thành Công tại Eximbank (từ nhiệm vào tháng 10/2022).
Trước đó, ông Đại từng đảm nhiệm các chức vụ như Giám đốc Tài chính CTCP kỹ thuật dịch vụ Thành Công, Tổng Giám đốc CTCP Khu công nghiệp tổ hợp công nghệ Thành Công Việt Hưng, TGĐ CTCP Phát triển KCN Việt Hưng, TGĐ Công ty TNHH phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam,TGĐ CTCP Đầu tư PV-Inconess.
Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2020 - 2025 gồm ông Trần Ngọc Dũng - Trưởng Ban kiểm soát và hai thành viên là ông Trịnh Mạnh Hoán, bà Hạ Hồng Mai.
Ông Phạm Mạnh Thắng, Tân Chủ tịch HĐQT PG Bank, sinh năm 1962, là Tiến sĩ Kinh tế và có 39 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Hiện nay, Ông Thắng đang là Tổng Giám đốc PG Bank. Trước đây, Ông Thắng là Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam.
Ông Trần Ngọc Dũng, Trưởng Ban Kiểm soát của PG Bank, sinh năm 1966, là Cử nhân Tài chính tín dụng; Cử nhân Quản trị kinh doanh; Cử nhân Luật học. Ông Dũng có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và hiện tại giữ chức vụ Trưởng Kiểm toán nội bộ PG Bank. Trước đây, Ông Dũng đã từng công tác tại Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Á và là Trưởng ban Kiểm soát Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam.
Bên cạnh nội dung cơ cấu nhân sự cấp cao, đại hội cũng thông qua phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, thay đổi tên thương mại và chuyển địa điểm đặt trụ sở chính.
Theo PG Bank, tên thương mại và logo của PG Bank đang sử dụng được gắn với cổ đông lớn trước đây của PG Bank là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Tuy nhiên, hiện nay Petrolimex đã thoái vốn tại PG Bank và không còn là cổ đông lớn của ngân hàng.
"Petrolimex đã yêu cầu PG Bank chấm dứt sử dụng các nhãn hiệu thuộc sở hữu của Petrolimex trước ngày 31/12/2023", PG Bank cho biết.
Do đó, việc thay đổi tên thương mại và bộ nhận diện thương hiệu mới của PG Bank là việc cần thiết để phù hợp với tình hình hiện tại và định hướng tái cấu trúc của ngân hàng.
PG Bank cũng dự kiến thay đổi vị trí đặt trụ sở chính từ Tòa nhà Mipec, số 229 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội sang Tòa nhà HEAC số 14-16 Hàm Long, phường Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Theo tìm hiểu của chúng tôi chủ đầu tư của toà nhà này là CTCP Thiết bị điện Hàm Long với người đại diện pháp luật là bà Lê Hồng Anh (sinh năm 1975). Bà Lê Hồng Anh còn là đại diện Công ty TNHH Dịch vụ ô tô Thành Công; Công ty TNHH CDA; và Công ty TNHH TCG Land (đơn vị thành viên của Tập đoàn Thành Công).
Bà Lê Hồng Anh, vợ của Chủ tịch Tập đoàn Thành Công Nguyễn Anh Tuấn,cùng ông Đào Phong Trúc Đại đều từng là đại diện của Tập đoàn Thành Công tại Eximbank. Bà cũng à Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính kế toán của CTCP Tập đoàn Thành Công, Chủ tịch HĐQT CTCP Thành Công Phạm Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH TCG Land.
Đại hội cũng thông qua phương án tăng vốn điều lệ sớm hơn hai năm so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và NHNN. Kế hoạch này nhằm bổ sung nguồn vốn kinh doanh, hiện đại hóa công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của PG Bank trong giai đoạn mới.
Cụ thể, ngân hàng dự kiến tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng qua hai phương án. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2023, 2024.
Phương án đầu tiên là phát hành 120 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ phát hành 10:4 từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ tính đến 30/6/2023.
Phương án thứ hai là chào bán 80 triệu cổ phần cho các cổ đông hiện hữu với tỷ lệ chào bán 15:4, mức giá sẽ được HĐQT quyết định nhưng không thấp hơn mệnh giá.