Ống thép Việt Đức VG PIPE (VGS): Doanh thu quý III tăng gấp rưỡi cùng kỳ nhưng biên lãi gộp chỉ còn 1,4%

Trang Mai 15:59 | 02/11/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp thép tăng mạnh doanh thu nhưng lãi ròng giảm mạnh so với cùng kỳ, Ống thép Việt - Đức VG PIPE (VGS) cũng chịu chung cảnh "mây mờ che phủ" khi đạt gần 2.000 tỷ đồng doanh thu nhưng lãi ròng vỏn vẹn 5 tỷ đồng.

Giá vốn tăng vọt làm co hẹp biên lãi gộp

Theo báo cáo tài chính quý III CTCP Ống thép Việt - Đức VG PIPE (HNX: VGS) mới công bố, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 1.938 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ. Tuy nhiên giá vốn tăng mạnh 69% lên gần 1.911 tỷ đồng đã khiến lợi nhuận gộp giảm còn 27,5 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 4,8% trong kỳ trước xuống còn 1,4% trong quý III năm nay. 

Chi phí lãi vay tăng hơn 1,1 tỷ đồng lên 8,5 tỷ đồng; phần lãi trong công ty liên doanh, liên kết giảm từ 7,2 tỷ đồng xuống 2,6 tỷ đồng. 

Trước thuế, doanh nghiệp báo lãi 5,6 tỷ đồng, giảm 87% và lãi ròng gần 5 tỷ đồng, giảm 86,3% so với cùng kỳ. 

Luỹ kế 9 tháng, VGS thu về 6.133 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 25,8% và lãi ròng 82 tỷ đồng, giảm 15% so với 9 tháng 2021. 

 

Sự sụt giảm lợi nhuận của VGS nằm trong bối cảnh chung của các doanh nghiệp thép. Theo tổng hợp từ VCBS, giá thép sau khi đạt đỉnh vào cuối 2021 (935 USD/tấn đối với thép thanh và 1.050 USD/tấn đối với HRC) đã ghi nhận mức giảm mạnh về vùng 500-600 USD/tấn. Nguyên nhân chủ yếu do: Nhu cầu sụt giảm từ Trung Quốc do môi trường pháp lý không thuận lợi cho thị trường BĐS và chính sách zero covid vẫn tiếp diễn khiến cho tình hình tiêu thụ và sản xuất trở nên khó khăn; Mức tồn kho tại Trung Quốc đã đạt đỉnh, mức cao nhất nhiều năm trở lại đây, kích hoạt cho 1 đợt giảm giá và áp lực giải phóng hàng tồn kho; Sản xuất tại Mỹ và EU được đẩy mạnh (thể hiện qua tỷ lệ huy động công suất cao hơn cùng kỳ) khiến cho nguồn cung trở nên dư thừa tại nhiều khu vực trên thế giới.

Theo đó, hàng loạt các công ty thép ghi nhận mức sụt giảm lợi nhuận do tác động kép từ việc giá thép thành phẩm giảm giá và trích lập giá trị hàng tồn kho do hầu hết các doanh nghiệp sản xuất thép đều có xu hướng tích trữ nguyên liệu cho 1 quý sản xuất.

Nhìn lại một số doanh nghiệp trong ngành, Công ty CP Thép Thủ Đức - VNSteel (mã: TDS) cũng thua lỗ nặng nề trong quý III. Theo đó, TDS ghi nhận doanh thu thuần hơn 410 tỷ đồng nhưng chi phí lãi vay tăng gấp 4 lần cùng kỳ nên chịu lỗ sau thuế gần 22 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức lỗ hơn 640 triệu đồng cùng kỳ năm trước. Đây cũng là quý thua lỗ nhiều nhất của công ty kể từ khi cổ phần hoá vào năm 2008. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Thép Thủ Đức đạt hơn 1.500 tỷ đồng (giảm 8,3% so với cùng kỳ), lỗ ròng gần 16 tỷ đồng. 

Trong quý III, Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên (TISCO, mã: TIS) ghi nhận doanh thu thuần hơn 2.600 tỷ đồng và lỗ sau thuế hơn 25 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi sau thuế 10 tỷ đồng. Nếu không tính tới khoản thu nhập khác, công ty này đã lỗ hơn 38 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh thép.

Dòng tiền âm khi tình hình kinh doanh ảm đạm

Tính đến 30/9, tổng tài sản của VGS ghi nhận 2.174 tỷ đồng, tăng 94 tỷ đồng từ đầu năm. Trong đó tiền và các khoản tương đương tiền 18,8 tỷ đồng; Các khoản phải thu ngắn hạn 965 tỷ đồng và đa số là phải thu ngắn hạn của khách hàng; Nợ xấu còn 24,8 tỷ đồng; Hàng tồn kho còn gần 543 tỷ đồng. 

Tài sản dở dang dài hạn 318,5 tỷ đồng gồm 2 dự án: Hạ tầng lô đất CC4 Khu đô thị mới Văn Canh 8,6 tỷ đồng để đầu tư kinh doanh và Dự án VietDuc Lengend City 310 tỷ đồng xây dựng mới khu đô thị và nhà ở cho người thu nhập thấp, cán bộ công nhân viên. Đầu tư tài chính dài hạn vào công ty liên doanh, liên kết chiếm 163 tỷ đồng. 

Ngoài ra, Công ty có khoản nợ 1.259 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm 92,7%. Trong đó, phải trả người bán ngắn hạn 612 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính cả ngắn hạn và dài hạn 512,8 tỷ đồng. Đến hết quý III, VGS có vốn chủ sở hữu 915 tỷ đồng, trong đó 484 tỷ đồng là vốn góp của chủ sở hữu; hơn 304,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. 

 

Về tình hình lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền thuần từ kinh doanh âm 91,8 triệu đồng, chủ yếu do sự sụt giảm lợi nhuận. Dòng tiền đầu tư âm 31,6 tỷ đồng do công ty chi mua sắm, xây dựng tài sản cố định và các tài sản khác. Dòng tiền tài chính âm 5,1 tỷ đồng, trong đó chưa có tiền trả cổ tức, lợi nhuận cho chủ sở hữu. 

Tính chung trong kỳ, dòng tiền thuần âm 36,9 tỷ đồng, tiền và tương đương tiền cuối kỳ còn 18,8 tỷ đồng.