Ông Trump làm cho “Nước Nga giàu có trở lại”?
Một yếu tố cấu thành lớn của giá dầu là "phí bảo hiểm địa chính trị". Trong thời gian hòa bình, "phí bảo hiểm địa chính trị" thấp đi và kéo theo giá dầu tụt xuống. Nhưng khi thị trường đối mặt với một cuộc chiến mới sắp xảy ra (đặc biệt là một cuộc chiến ở Trung Đông), "phí bảo hiểm địa chính trị" sẽ bị đẩy lên cao hơn.
Nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh lớn giữa Israel và Iran ở Trung Đông còn tồi tệ hơn cuộc chiến Syria đã trở nên hiện hữu, sau khi sáng 9/5 (theo giờ Hà Nội), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân được ký kết giữa Iran và 6 cường quốc (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức) hồi năm 2015 và ngay sau đó Israel không kích nhiều mục tiêu của Iran ở Syria.
Ông Donald vốn ủng hộ những lập luận gần đây của Israel về Iran khi đưa ra quyết định trên. Ông cho biết ông sẽ bắt đầu triển khai "mức cao nhất" của các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Iran.
Trong bài viết đăng trên Sputnik, nhà phân tích Ivan Danilov nhận định: Tổng thống Donald Trump đổ lỗi cho OPEC về việc giá dầu lao cao làm tổn hại đến người tiêu dùng Mỹ. Tuy nhiên, người mà ông nên đổ lỗi lại là…chính bản thân ông.
Dường như đã thành qui luật, mỗi khi tổng thống Mỹ nghe theo các quan chức "diều hâu" trong nội các của ông, thì giá dầu lại tăng lên và đó là tin tốt lành cho Nga và Venezuela. Có một điều mà nhiều chính trị gia Mỹ không hiểu là thị trường dầu mỏ không chỉ dựa trên cung và cầu hiện tại.
Trong khi đổ lỗi cho OPEC và cái gọi là thỏa thuận "OPEC +" trên Twitter, Donald Trump không thừa nhận những tác động khôn lường mà các hành động chính trị của chính ông gây ra. Ví dụ, quyết định bổ nhiệm John Bolton làm Cố vấn an ninh quốc gia khiến thị trường dầu lo lắng.
Các nhà phân tích cho rằng "rủi ro địa chính trị" đang tăng lên sau khi Mike Pompeo và John Bolton lọt vào nhóm chính sách đối ngoại của Tổng thống Donald Trump và điều này làm tăng khả năng giao dịch và cung cấp dầu bị gián đoạn. John Bolton là một nhân vật diều hâu về chính sách đối ngoại và là người chỉ trích Thỏa thuận Hành động toàn diện chung (JCPOA), còn gọi là Thỏa thuận hạt nhân Iran. Nếu bất cứ ai cần thêm bằng chứng về việc chính sách hiếu chiến là chính sách xấu và tác động tiêu cực đến người tiêu dùng Mỹ có thu nhập trung bình, thì việc bổ nhiệm ông John Bolton làm Cố vấn An ninh Quốc gia là một bằng chứng hiển nhiên.
Những biện pháp trừng phạt mới nhất của Tổng thống Donald Trump đối với “gã khổng lồ sản xuất nhôm” Rusal và một loạt các công ty khác của Nga cho thấy chính sách đối ngoại sai lầm của chính phủ Mỹ kết thúc có lợi cho Moscow.
Trong khi các phương tiện truyền thông Mỹ đưa tin các biện pháp trừng phạt mới của chính quyền Trump dẫn đến một sự bán tháo mạnh của thị trường chứng khoán Nga và giảm tỷ giá hối đoái của đồng rúp so với đồng đô la Mỹ, các nhà kinh tế và doanh nhân lưu ý việc bán tháo chỉ là nhất thời và ngân sách liên bang Nga, cùng với các công ty dầu mỏ của Nga, thực sự được hưởng lợi từ biến động tỷ giá hối đoái.
Đồng rúp có giá trị thấp hơn có nghĩa là chi phí thấp hơn và các công ty dầu khí Nga có thêm lợi nhuận từ xuất khẩu dầu mỏ. Nhìn rộng ra toàn bộ nền kinh tế, đồng rúp hạ giá đồng nghĩa với việc các công ty Nga có lợi thế cạnh tranh so với các công ty nước ngoài vốn hứng chịu tỷ giá hối đoái bất lợi.
Một ví dụ về những hậu quả không mong muốn của các biện pháp trừng phạt Nga được Reuters đưa tin: Khoai tây chiên tại các nhà hàng McDonald từ Moscow đến Murmansk sẽ mang dấu ấn Nga, khi chuỗi thức ăn nhanh của Mỹ quay sang dùng khoai tây bản xứ để đối phó với sự biến động của đồng rúp do dao động giá dầu và các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Chính quyền Mỹ đã mất nhiều ngày để nhận ra rằng họ đang kích thích nền kinh tế Nga thay vì làm tổn thương nó. Sau đó, Tổng thống Donald Trump đã giận dữ phát biểu Twitter rằng Nga đang tiến hành các hoạt động thao túng tiền tệ. Trên thực tế, ông Trump nên tự trách mình, chứ không phải đổ lỗi cho Nga.
Những hiệu ứng phản tác dụng của các lệnh trừng phạt Mỹ là bằng chứng cho thấy sự bất lực của đội ngũ hiện tại trong Nhà Trắng. Tuy nhiên, có một điều mà cả Tổng thống Donald Trump và các chính khách Cộng hòa khác đều không chịu thừa nhận công khai rằng trong chừng mực nào đó, lợi ích của Nga lại trùng hợp với lợi ích của các tập đoàn lớn tài trợ cho Đảng Cộng hòa. Một số nhà tài trợ có ảnh hưởng đối với Đảng Cộng hòa lại đến từ ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch.
Trong danh sách các tập đoàn đã quyên tiền cho lễ nhậm chức của Tổng thống Donald Trump có các tập đoàn dầu mỏ lớn Chevron, Exxon, BP và Citgo Petroleum.
Các công ty dầu mỏ của Mỹ muốn giá dầu cao hơn và cách tốt nhất để tăng giá dầu là tạo ra bất ổn địa chính trị. Thật may cho họ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang làm điều đó và mang lại cho các “bạn bè” trong ngành công nghiệp dầu mỏ hàng tỷ đô la lợi nhuận bổ sung.
Hiện chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Donald Trump thay đổi chính sách hiện hành và đó là tin tốt lành đối với Bộ Tài chính Nga. Ông Trump không có cách nào để “giúp đỡ bạn bè” trong ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ mà không gián tiếp thúc đẩy ngành công nghiệp dầu mỏ và nền kinh tế Nga.
Chưa rõ liệu Tổng thống Donald Trump có làm cho “Nước Mỹ vĩ đại trở lại” hay không, nhưng có điều chắc chắn là ông đang làm cho “Nước Nga giàu có trở lại” khi khiến cho giá dầu thế giới leo cao.
Minh Bích (theo Sputnik)