Pan Zhengmin - từ sinh viên sư phạm tới ông chủ hãng 'trung chuyển' linh kiện điện tử lớn nhất thế giới

Lê Thị Thu Hà 07:36 | 19/01/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Không nhiều người biết đằng sau Apple là một nhà cung cấp linh kiện khổng lồ đến từ Trung Quốc. Công ty này đã có mặt tại nhiều nơi trên thế giới, bao gồm Việt Nam.

Người khôn ngoan là người biết nắm bắt cơ hội từ những thời điểm thuận lợi và nắm bắt thời cơ để phát triển sự nghiệp của mình. Ông Pan Zhengmin là một trong những minh chứng điển hình. 

Trong thời đại bùng nổ thị trường smartphone, ông đã mở ra loại hình kinh doanh phù hợp và kiếm được rất nhiều tiền từ nó. Ông là nhà đồng sáng lập AAC Technologies, một trong những công ty linh kiện điện tử nổi tiếng ở Thâm Quyến, theo Success Story.

 

Ông Pan Zhengmin, người chuyển hướng từ sinh viên sư phạm tới tỷ phú ngành công nghệ Trung Quốc. (Ảnh: Asia Nikkei).

Từ sinh viên sư phạm tới tỷ phú công nghệ

Ông Pan Zhengmin sinh năm 1969 tại tỉnh Giang Tô (Trung Quốc). Trước khi bén duyên với lĩnh vực điện tử, ông từng theo học ngành sư phạm tại trường sư phạm Wujin tỉnh Giang Tô, và được đào tạo để trở thành một giáo viên. 

 

Ông tốt nghiệp vào năm 1987. Tuy nhiên, giảng dạy không phải là những gì ông hướng đến. Trong những năm sau khi ông tốt nghiệp là thời kỳ mà các thiết bị điện tử bùng nổ. Ông Pan Zhengmin đã nhìn thấy trước cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực này.

Ông cùng với vợ Ingrid Chunyuan Wu, đồng sáng lập AAC Technologies Group vào năm 1993. Với AAC, ông bắt đầu cung cấp nhiều loại linh kiện điện tử, bao gồm loa, micrô, ăng-ten, máy thu,… Sau đó, ông còn sản xuất máy tính bảng và điện thoại thông minh, bao gồm cho cả Apple. 

Ngày nay, ông giữ vai trò Giám đốc điều hành công ty, đồng thời chịu trách nhiệm đưa ra các phương án, định hướng chiến lược và kinh doanh cho tập đoàn. Ông giám sát sự phối hợp giữa phát triển và nghiên cứu, tiếp thị và bán hàng, sản xuất,...

Vợ ông, bà Ingrid, hiện cũng giữ vai trò cấp cao trong bộ phận lãnh đạo của AAC và cũng là thành viên của ủy ban kiểm toán công ty. Ngoài ra, bà còn giữ vị trí giám đốc một số công ty con.

Trạm trung chuyển linh kiện điện tử

AAC Technologies được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong vào năm 2005. Kể từ đó, công ty đã trở thành một trong những nhà sản xuất linh kiện vi mô thành công nhất Trung Quốc cho đến nay. 

Công ty giống như một trạm trung chuyển về linh kiện điện tử, bao gồm cả âm học, quang học, ăng-ten, cảm ứng quang học, pin Li-ion,… Trước đó, AAC chỉ là một giấc mơ đối với Pan Zhengmin, nhưng giờ đây, ước mơ đã trở thành hiện thực trị giá hàng tỷ USD.

Bên cạnh thị trường nội địa Trung Quốc, AAC Technologies cũng thực hiện nhượng quyền với hàng trăm nhà sản xuất trên thế giới, chiếm khoảng 40% thị phần toàn cầu. Thương hiệu AAC Technologies thậm chí cũng xuất hiện tại Việt Nam. 

Ngoài ra, một trong những khách hàng lớn của công ty không thể không kể đến gã khổng lồ trong ngành điện thoại di động toàn cầu, Apple.

Theo bảng xếp hạng tỷ phú của Forbes, ông Pan Zhengmin và gia đình hiện sở hữu khối tài sản ròng lên tới 2,8 tỷ USD, đứng thứ 891 trên thế giới. Bên cạnh đó, ông cùng gia đình từng đứng ở vị trí 157 trong top những người giàu nhất Trung Quốc năm 2020 và 32 trong số những tỷ phú công nghệ hàng đầu thế giới năm 2017.

Năm 2021 là một năm khó khăn với ngành linh kiện điện tử nói chung và AAC Technologies nói riêng. Nguyên nhân chủ yếu đến từ cuộc khủng hoảng chip toàn cầu.

Theo Asia Nikkei, nhà cung cấp của Apple đã báo cáo mức lãi ròng 9 tháng đầu năm 2021 tăng so với cùng kỳ năm trước nhờ kết quả kinh doanh đầu năm tốt. Tuy nhiên chỉ tính riêng trong quý III, lợi nhuận của công ty đã giảm so với cùng kỳ năm 2020.

Công ty đã đưa ra một số nguyên nhân dẫn đến sự lao dốc, bao gồm sự sụt giảm đáng kể trong lãi ngoại hối. Ngoài ra, công ty cho rằng sự gián đoạn tỏng chuỗi cung ứng toàn cầu và những khó khăn ở riêng Trung Quốc là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm lợi nhuận. 

"Chi phí hoạt động tăng cao, nhu cầu của khách hàng sụt giảm và việc hủy bỏ một số mẫu điện thoại nhất định đã dẫn đến sự khó khăn của công ty tại thị trường Trung Quốc", địa diện AAC Technologies chia sẻ.