PGS. TS Bùi Thị An: Nên để doanh nghiệp đủ điều kiện phòng chống dịch hoạt động trở lại
Mới đây, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã họp, đánh giá về công tác phòng chống dịch, giao Ban cán sự Đảng UBND TP xem xét, đánh giá tổng thể, quyết định phương án nới lỏng một số hoạt động dịch vụ sau ngày 15/9 và 21/9.
Về vấn đề này, PGS. TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng cho biết, bà hoan nghênh quyết định của lãnh đạo thành phố Hà Nội đã có phương án sau giai đoạn kiềm chế được dịch bệnh.
Bà cho rằng, việc nới lỏng có kiểm soát để các doanh nghiệp dần dần trở lại hoạt động bình thường những doanh nghiệp vẫn phải tuân thủ các điều kiện phòng chống dịch an toàn.
Tiếp theo, Hà Nội nên có nghiên cứu để xem xét những doanh nghiệp trong quá trình hoạt động mà vẫn giữ an toàn, kiểm soát tốt được dịch bệnh thì để doanh nghiệp dần dần hoạt động trở lại. Đồng thời yêu cầu doanh nghiệp cần có cam kết không làm lây lan dịch bệnh, tránh việc lây chéo trong. Bởi việc làm lây lan dịch bệnh trước hết sẽ thiệt hại cho chính doanh nghiệp, gây mất an toàn cho cộng đồng và sẽ làm lây lan cho Thủ đô, như vậy sẽ dẫn đến hậu quả rất lớn.
Cũng theo PGS. TS Bùi Thị An, việc nới lỏng có kiểm soát hiện nay là phương án đúng nhất bởi vì chúng ta không thể đóng cửa mãi. Dần dần chúng ta phải sống chung với dịch COVID-19 có kiểm soát. Việc nới lỏng để doanh nghiệp phục hồi sản xuất, phục hồi nền kinh tế Thủ đô. Tuy nhiên, việc kiểm soát an toàn dịch bệnh cũng cần phải chú trọng vì doanh nghiệp cũng phải đồng hành cùng lãnh đạo cũng như nhân dân Thủ đô để dịch bệnh không lan ra cộng đồng…
Với vấn đề hiện tại Hà Nội nên nới lỏng các hoạt động, dịch vụ nào là phù hợp, PGS. TS Bùi Thị An cho hay, theo nguyên tắc không nên nới lỏng những dịch vụ tập trung quá đông người (rạp chiếu phim, du lịch…), để gây nguy cơ lây lan lớn. Còn những doanh nghiệp hoạt động đảm bảo điều kiện cách ly, phòng dịch, khử khuẩn… đủ điều kiện phòng chống dịch thì nên cho vào hoạt động.
Tất cả các việc nêu trên cần nghiên cứu kỹ, không nhất thiết là các doanh nghiệp phải thực hiện 3 tại chỗ thì mới cho hoạt động… Bởi việc hoạt động này chính là hồi sức cho doanh nghiệp mà việc hồi sức cho doanh nghiệp cũng chính là hồi sức cho nền kinh tế nói chung của cả nước và của Thủ đô nói riêng, đó là việc rất quan trọng.
“Theo tôi nên khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động nhưng phải đảm bảo điều kiện phòng chống dịch theo yêu cầu của Ban chỉ đạo phòng chống dịch thì nên cho doanh nghiệp hoạt động”, bà An nói.
Đồng thời, PGS. TS Bùi Thị An nhấn mạnh, doanh nghiệp phải được hoạt động, doanh nghiệp phải được mở lại, doanh nghiệp phải được phục hồi. Doanh nghiệp nằm trong sự phát triển kinh tế đất nước nói chung và của Thủ đô nói riêng. Việc phục hồi kinh tế của doanh nghiệp ngoài đáp ứng được lợi ích cho doanh nghiệp, nó còn liên quan trực tiếp đến người lao động, an sinh xã hội… Tất cả tạo nên một chuỗi mắt xích với nhau, không nên để bất kì một mắt xích nào bị đứt gãy.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng, trong thời gian tới, nếu Hà Nội dỡ bỏ giãn cách thì cũng nên nới lỏng từ từ, từng bước, theo hoạt động, theo vùng nguy cơ, không nới lỏng toàn thành phố, nới tất các hoạt động một thời điểm.
“Hoạt động nào có nguy cơ cao cho sự lây lan dịch bệnh chưa được phép hoạt động, địa bàn nào còn nguy cơ rất cao hay còn gọi là "vùng đỏ" (có ca F0) thì vẫn phải giãn cách”, PGS.TS Trần Đắc Phu cho hay.
Đánh giá về việc Hà Nội triển khai xét nghiệm trên diện rộng, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, Hà Nội triển khai chiến dịch xét nghiệm trên diện rộng là hoàn toàn phù hợp. Bởi khi triển khai xét nghiệm trên diện rộng tìm ra người mắc COVID-19. Từ đó phát hiện ra ổ dịch lẩn khuất trong cộng đồng để truy vết, phong tỏa dập dịch, tránh lây lan ra cộng đồng.
Quan trọng hơn, xét nghiệm diện rộng còn giúp thành phố đánh giá được nguy cơ dịch đang ở mức độ nào để tiếp tục đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch hợp lý nhất.
Trả lời báo chí, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thông tin, Hà Nội có thể nới lỏng giãn cách với quy mô thành phố, quận huyện chứ không thể ở quy mô xã hay thôn được vì thành phố chưa hết nguy cơ lây nhiễm, các khu vực có ổ dịch vẫn phải siết chặt.
Cũng theo ông Tuấn, việc giãn cách xã hội cần căn cứ vào các yếu tố dịch tễ. Hiện nay, CDC đang nghiên cứu phương án nới lỏng để đề xuất lên Sở Y tế Hà Nội.
Chiều 13/9/2021, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã họp, đánh giá về công tác phòng chống dịch, giao Ban cán sự Đảng UBND TP xem xét, đánh giá tổng thể, quyết định phương án nới lỏng một số hoạt động dịch vụ trong các khu vực trên cơ sở bảo đảm chặt chẽ phương án phòng, chống dịch sau ngày 15/9 và 21/9.
Đối với vùng 2, vùng 3, Hà Nội yêu cầu chính quyền địa phương phải tạo điều kiện để người dân phát triển sản xuất, xây dựng trong điều kiện kiểm soát tình hình dịch bệnh chặt chẽ.
Cùng với đó, các quận huyện, các ngành phải chủ động xây dựng phương án để phục hồi kinh tế, dịch vụ, để đến khi thành phố có quyết định nới lỏng giãn cách xã hội, bắt tay ngay vào triển khai, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch.