Bài 25: Vietjet Air với tâm nguyện người nghèo được đi máy bay của "nữ tướng" Phương Thảo

12:38 | 17/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Vietjet Air là hãng hàng không tư nhân giá rẻ đầu tiên tại Việt Nam. Trải qua hơn 12 năm xây dựng và phát triển, hãng máy bay Vietjet đang ngày càng khẳng định vị thế của mình khi được vinh danh trong Top 50 hãng hàng không tốt nhất toàn cầu về hoạt động và sức khỏe tài chính. 

Những con số ấn tượng

VietJet tên đầy đủ là Công ty Cổ phần Hàng không VietJet , tên tiếng Anh: VietJet Aviation Joint Stock Company. Hãng hàng không VietJet được thành lập từ 3 cổ đông chính là Tập đoàn T&C, Sovico Holdings và HD Bank. Người đề xuất ra đề án thành lập hãng hàng không này là bà Nguyễn Thị Phương Thảo – nữ tỷ phú tự thân người Việt Nam.

Trên thị trường hàng không dân dụng Việt Nam, hàng không Vietjet là hãng hàng không tư nhân đầu tiên có mặt trên thị trường. Bên cạnh hoạt động vật chuyển hàng không, doanh nghiệp còn cung cấp các nhu cầu tiêu dùng, hàng hóa, dịch vụ thông qua các hệ thống công nghệ thương mại điện tử được phát triển dành riêng cho doanh nghiệp. 

Hiện tại, Vietjet đang khai thác 80 tàu bay A320 và A321, thực hiện hơn 385 chuyến bay mỗi ngày, vận chuyển hơn 65 triệu lượt hành khách. Hãng hiện đang khai thác 120 đường bay nội địa và  đường bay quốc tế đến những thành phố thuộc các quốc gia như: Nhật Bản, Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc….

Báo cáo tài chính kiểm toán 2020 ghi nhận tổng tài sản của Vietjet đạt 45.197 tỷ đồng, nguồn vốn chủ sở hữu đạt 17.325 tỷ đồng bao gồm cổ phiếu quỹ, chỉ số nợ vay/vốn chủ sở hữu ở mức thấp 0,66 lần và chỉ số thanh khoản hiện hành tiếp tục duy trì ở mức 1,28 lần, mức tốt trong ngành hàng không thế giới.

Năm 2020, Vietjet đã mở 8 đường bay nội địa mới, chuyên chở trên 15 triệu khách hàng trên toàn mạng bay và thực hiện gần 79.000 chuyến bay với hơn 120.000 giờ bay an toàn, hệ số sử dụng ghế đạt trên 80%, tỉ lệ đúng giờ đạt trên 90% - tỉ lệ cao trên thế giới. Vietjet là hãng hàng không có độ tin cậy kỹ thuật đạt 99,64%, được AirlineRatings xếp hạng 7/7 sao về an toàn, được bình chọn là hãng hàng không chi phí thấp an toàn nhất thế giới năm 2020.

 

“Bộ GTVT đánh giá cao sự năng động của Vietjet trong quản lý điều hành. Trước dịch, Vietjet là hãng hàng không có hiệu quả sản xuất kinh doanh lớn nhất và lợi nhuận năm 2019 cao nhất trong ngành hàng không . Chúng tôi tin rằng sau đại dịch, Vietjet tiếp tục duy trì tốt kết quả sản xuất kinh doanh”, ông Lê Anh Tuấn -Thứ trưởng Bộ GTVT.

Với những đóng góp của mình, năm 2015, Vietjet được bình chọn là “Hãng hàng không giá rẻ tốt nhất châu Á” theo đánh giá của TTG Travel Awards.

Năm 2016, Vietjet lọt vào “Top 500 thương hiệu hàng đầu Châu Á”. “Hãng hàng không có Dịch vụ vận chuyển an toàn. Và có các chương trình khuyến mại tốt nhất Việt Nam”. Tháng 7/2018, Vietjet được tạp chí Forbes xếp hạng trong top 50 công ty tốt nhất Việt Nam. Tháng 10/2018, Vietjet được vinh danh hãng hàng không tiên phong.

Vietjet cũng được vinh danh trong Top 50 hãng hàng không tốt nhất toàn cầu về hoạt động và sức khỏe tài chính trong hai năm 2018, 2019 của AirFinance Journal và là đại diện Việt Nam duy nhất trong danh sách. Việc có mặt trong danh sách thể hiện hãng có chỉ số tài chính và tăng trưởng tốt thuộc các hãng hàng không hàng đầu trên thế giới.

Ông Peter Harbison, Chủ tịch danh dự CAPA, nhận định: "Vietjet tiếp tục phá vỡ các khuôn mẫu của một hãng hàng không giá rẻ. Hãng có một nền tảng tài chính vững chắc và một kế hoạch khai thác có thể sẽ tạo ra thách thức lớn cho các hãng hàng không tầm cỡ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong nhiều thập kỷ tới."

Theo đánh giá của Travel Daily Media năm 2018, Vietjet là hãng hàng không lớn thứ hai trong khu vực Đông Nam Á trên phương diện vốn hóa, chỉ xếp sau Singapore Airlines, và xếp trên cả Air Asia.

Hành trình cất cánh không dễ dàng

Trái với hình ảnh thành công và phổ biến rộng khắp hiện tại, Vietjet từng mất tới 4 năm nhọc nhằn trước khi chuyến bay đầu tiên của họ có thể chạm tới bầu trời.

Tháng 12/2007, Vietjet - Hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam được trao giấy phép hoạt động với ba cổ đông chính là Tập đoàn Sovico, Tập đoàn T&C và HDBank. Sau đó, Sovico của vợ chồng bà Nguyễn Thị Phương Thảo chính thức mua lại cổ phần từ tay T&C, trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào Vietjet.

Theo kế hoạch ban đầu, Vietjet sẽ chính thức hoạt động vào cuối năm 2008 nhưng giai đoạn đó, giá xăng dầu bất ngờ tăng cao nên hãng quyết định hoãn lại đến quý 4/2009. Tất nhiên, đây không phải là lần trì hoãn duy nhất của Vietjet. Giai đoạn sau này, họ nhiều lần thông báo hoãn thời gian cất cánh vì biến động về giá nhiên liệu hay cần thêm thời gian để xây dựng thương hiệu, ổn định bộ máy,...

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích đánh giá nguyên nhân cho sự trì hoãn của Vietjet còn xuất phát từ vụ tranh chấp thương hiệu "Viet Air" giữa Vietjet và Vietnam Airlines. Ngoài ra, một phần khác là việc Vietnam Airlines phản đối thành lập liên minh hàng không giá rẻ "VietjetAsia", sau khi AirAsia mua lại 30% cổ phần Vietjet vào đầu năm 2010.

Rất may mắn sau này, mọi việc cũng được giải quyết ổn thỏa. Dù báo chí không cập nhật kết quả vụ tranh chấp thương hiệu nhưng đến tháng 3/2010, Vietnam Airlines đã được phê duyệt để thành lập hãng hàng không VietAir. Trong khi đó Vietjet tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu "Vietjet".

Vietjet gần như cắt bỏ toàn bộ các dịch vụ gia tăng trên mỗi chuyến bay của mình.

Tháng 10/2011, AirAsia rút vốn khỏi liên doanh nhưng sự đổ vỡ của liên minh "Vietjet - AirAsia" đã không cản nổi bước tiến của Vietjet.

Sau nhiều động thái chuẩn bị, ngày 5/12/2011, hãng phát hành đợt vé đầu tiên cho chặng bay TPHCM-HN. Đến trưa 24/12, chuyến bay mang số hiệu SGN-HAN 6660 chở theo 120 hành khách từ TP.HCM đã hạ cánh xuống sân bay Quốc tế Nội Bài, chính thức khẳng định sự tham gia của Vietjet tại thị trường hàng không Việt Nam. Từ đây, Việt Nam chào đón một tay chơi mới với lối chơi hoàn toàn mới, khác hẳn phong cách sang trọng và xa xỉ của Vietnam Airlines.

Có thể nhiều người không biết ban đầu, đề án của Vietjet là một hãng hàng không 5 sao. Nhưng như bà Nguyễn Thị Phương Thảo từng tiết lộ trong bài phỏng vấn của Tuổi Trẻ, tại một thời điểm gần Tết - khi họ chuẩn bị cất cánh, đội ngũ Vietjet đi thăm những gia đình có công với cách mạng ở vùng cao. Và câu hỏi của một bà mẹ già đã khiến họ trăn trở trong suốt quá trình còn lại của đề án.

"Bà mẹ hỏi tôi ‘Bao nhiêu tấn thóc để có thể mua được một chiếc vé máy bay, để mế để dành. Mế chỉ mong trước khi nhắm mắt được bước chân lên máy bay’. Câu nói đó khiến chúng tôi giật mình và cứ văng vẳng theo mỗi bước hoàn thành đề án. Vậy là chúng tôi quay sang nghiên cứu mô hình đại chúng, giá rẻ và nhận thấy mô hình này mang lại cơ hội bay cho rất nhiều người, kéo theo sự phát triển của kinh tế, du lịch, đầu tư rất mạnh mẽ", bà Thảo cho biết.

Vì xác định mô hình hàng không giá rẻ, Vietjet gần như cắt bỏ toàn bộ các dịch vụ gia tăng trên mỗi chuyến bay của mình. Khác với Vietnam Airlines, Vietjet đã cắt giảm các chi phí hành lý ký gửi, bỏ suất ăn trên máy bay. Thay vào đó, hành lý, ăn uống trở thành dịch vụ hành khách phải trả tiền riêng tùy theo nhu cầu. Ngoài ra, trên các chuyến bay này, Vietjet cũng không cung cấp phương tiện giải trí nào, khoảng cách các ghế cũng tiết kiệm nhất có thể, thậm chí là cả cuốn tạp chí máy bay.

Sau khi thống lĩnh thị trường nội địa, Vietjet đã đẩy mạnh phát triển thị trường quốc tế trong vài năm gần đây. Trong nửa đầu năm 2019, Vietjet công bố đạt 27% thị phần quốc tế nhờ vào việc mở rộng mạng đường bay quốc tế ở thị trường Đông Bắc Á chặng ngắn có giá trị cao như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, kết nối các thị trường du lịch trọng điểm của Việt Nam như Đà Nẵng, Phú Quốc. Chiến lược này dẫn đến khả năng mở rộng mạng bay của Vietjet không bị hạn chế bởi công suất cảng hàng không.

Cặp nữ tướng tạo nên sự thành công

Bà Nguyễn Thanh Hà được biết đến là Chủ tịch Hội đồng quản trị - Công ty Cổ phần Hàng không VietJet, là một trong "nữ tướng" nổi danh của hãng hàng không tư nhân lớn nhất Việt Nam. Bà Hà sinh ngày 13/8/1950 tại Hà Nội, tốt nghiệp với tấm bằng Cử nhân Khoa Vật lý của Trường Đại học Khoa học Quốc gia; sau đó bà tiếp tục con đường học tập với tấm bằng Thạc sĩ Kinh tế Đại học Kinh tế Quốc dân.

Bà Nguyễn Thanh Hà sinh ra trong một gia đình danh giá và có nhiều đóng góp cho đất nước, cách mạng. Cụ thể, bà Hà là con gái thứ 2 của cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1914–1967) – người đã đề ra chiến thuật đánh áp sát của Quân Giải phóng miền Nam với phương châm "Nắm thắt lưng địch mà đánh" – và bà Nguyễn Thị Cúc (mất năm 1979) - Thiếu tá quân đội, từng làm việc ở bệnh viện 108.

Bà Nguyễn Thanh Hà đồng thời cũng là chị gái của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh (SN 1957), Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương.

Bà Nguyễn Thanh Hà được biết đến là Chủ tịch Hội đồng quản trị - Công ty Cổ phần Hàng không VietJet.

Là người kín tiếng với giới truyền thông, bà Hà giản dị, nhẹ nhàng nhưng luôn tràn đầy nhiệt huyết. Bà chính là người đã chọn màu quốc kỳ cùng ngôi sao vàng 5 cánh làm màu biểu tượng cho tàu bay Vietjet, tiếp nối truyền thống của một gia đình quân nhân.

Trước khi gây dựng cơ ngơi nghìn tỷ Vietjet, nữ Chủ tịch Nguyễn Thanh Hà từng là Trưởng phòng Tổ chức Lao động Tiền lương - Nhà máy sản xuất bán dẫn - Bộ Quốc phòng từ năm đầu ra trường. Sau đó bà đảm nhận chức vụ Trưởng ban Kế hoạch Đầu tư - Tổng Công ty Hàng không Việt Nam và Trưởng ban Kế hoạch đầu tư - Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam trong suốt nhiều năm. Chức vụ cao nhất bà từng đạt tới trước khi chuyển hướng sự nghiệp kinh doanh là Cục phó - Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam.

Từ năm 2007 đến nay, với kinh nghiệm dày dạn trong lĩnh vực hàng không bà trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị - Công ty Cổ phần Hàng không VietJet. 

Bên cạnh nữ Chủ tịch Nguyễn Thanh Hà thì sự thành công của Vietjet không thể không nhắc tới "nữ tướng" Nguyễn Thị Phương Thảo là nhà đồng sáng lập kiêm CEO.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo sinh năm 1970 trong một gia đình Hà Nội gốc, năm 17 tuổi, bà Thảo đi du học đại học ngành Kinh tế tài chính và sớm nổi tiếng trong cộng đồng với thành tích học tập xuất sắc và tài kinh doanh thiên bẩm.

Khi còn là sinh viên năm thứ 2 bà đã bước vào thương trường. Khi ấy thị trường Đông Âu thiếu thốn hàng tiêu dùng, mọi thứ đều khan hiếm nên bà kinh doanh đủ thứ, từ hàng điện tử đến hàng nông sản từ các nước châu Á như sang Đông Âu. Đồng thời bà cũng đưa về Việt Nam những mặt hàng thị trường khan hiếm và cần thiết như phân bón, sắt thép, thiết bị…

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo.

Theo Hãng tin Bloomberg, Nguyễn Thị Phương Thảo kiếm được 1 triệu USD đầu tiên khi mới chỉ 21 tuổi, nhờ bán máy fax và nhựa cao su.

Sau khi quay về Việt Nam, bà góp vốn thành lập Ngân hàng Techcombank và sau đó là VIB - 2 trong số những ngân hàng tư nhân đầu tiên ở Việt Nam. Gần 25 năm sau, bà nổi lên như một nữ tỷ đô đầu tiên của Việt Nam. Phần lớn tài sản của bà đến từ cổ phần ở VietJet và Dragon City (Phú Long) - dự án bất động sản rộng 65 héc-ta ở TP. HCM.

Tháng 9/2013, hai vợ chồng bà được báo chí và dư luận quan tâm, sau khi có thông tin Vietjet của họ đặt mua 100 máy bay Airbus trị giá 9,1 tỷ USD.

Ngày 23/5/2016, dưới sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch nước Trần Đại Quang, hãng hàng không VietJet đã ký thỏa thuận thuê mua 100 chiếc Boeing 737 MAX 200 của tập đoàn đến từ nước Mỹ trị giá 11,3 tỷ USD

Ngoài việc là cổ đông lớn nhất của Vietjet, Tập đoàn Sovico Holdings của gia đình bà đã mua lại Furama Resort Danang vào năm 2005, trở thành nhà đầu tư người Việt đầu tiên sở hữu và vận hành khách sạn 5 sao. Furama Resort Danang khai trương vào năm 1997 với 198 phòng là khu nghỉ dưỡng biển 5 sao đầu tiên tại Việt Nam. Gần một thập kỷ sau đó, Sovico tiếp tục thâu tóm thêm 2 khu nghỉ dưỡng tại Khánh Hoà là Ana Mandara và An Lâm Ninh Vân Bay

Ngày 9/3/2017, tạp chí Forbes công bố danh sách các nữ tỷ phú USD trên thế giới năm 2017, ghi nhận bà Phương Thảo là nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, với khối tài sản ước tính khoảng 1,7 tỷ USD.

Bà cũng là một trong 15 nữ tỷ phú tự thân mới trong danh sách của Forbes năm 2017.

Tính tới tháng 11/2020, hai vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng người giàu nhất Việt Nam vẫn là Chủ tịch Phạm Nhật Vượng của Tập đoàn Vingroup và CEO Nguyễn Thị Phương Thảo của Vietjet. Khối tài sản của bà Thảo được ghi nhận vào khoảng 2,4 triệu USD