Kiến nghị Chính phủ xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đến hết tháng 6 năm 2022
Ngành nông nghiệp bị COVID-19 tàn phá nặng nề
Báo cáo tại hội nghị, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhìn nhận, thời gian qua dịch COVID-19 bùng phát tại nhiều địa phương trên cả nước đã tác động xấu đến nhiều lĩnh vực sản xuất của ngành nông nghiệp. Đặc biệt, tại các tỉnh thành phía Nam, từ tháng 7/2021 đến nay dịch COVID-19 diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, làm đứt gãy các chuỗi sản xuất, gây ùn ứ nông sản ở nhiều nơi.
Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT dịch COVID-19 khiến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn, lực lượng lao động và chi phí vật tư đầu vào, chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao… Trong khi đó, việc xuất khẩu các sản phẩm nông - lâm - thủy sản cũng bị ảnh hưởng lớn. Thống kê cho thấy, trong tháng 8/2021 kim ngạch xuất khẩu nông sản của cả nước ước đạt gần 3,4 tỷ USD, giảm 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 22% so với tháng 7/2021.
Cụ thể, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, hiện doanh nghiệp phải chịu gánh nặng rất nhiều chi phí. Chẳng hạn, việc triển khai thực hiện “3 tại chỗ” tại các doanh nghiệp, chi phí quá lớn trong khi hiệu quả chưa tương xứng. Nhiều doanh nghiệp không thể bố trí và trụ nổi nếu tiếp tục kéo dài theo phương thức này.
Cùng với đó, chi phí vận tải biển tăng cao lên 6-7 lần, thậm chí đến 10-13 lần ở một số chặng. Việc vận chuyển trong nước gặp nhiều khó khăn khi một số địa phương còn quy định không cho xe ngoài tỉnh vào, yêu cầu thời gian xét nghiệp PCR, test nhanh khác nhau gây lãng phí.
Đặc biệt, giá thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật liên tục tăng (tăng từ 16-30%); và các chi phí điện, nước cho sản xuất, kho lạnh, chi phí lưu kho cũng là những gánh nặng của doanh nghiệp lúc này.
Nhiều doanh nghiệp dừng sản xuất vẫn phải tiếp tục đóng các khoản chi phí (lương cho công nhân khi nghỉ dịch bệnh, chi phí test COVID-19 phí công đoàn, BHXH). Trong khi đó, giá sản phẩm nông sản giảm sâu khiến sản xuất và thương mại của ngành nông nghiệp, giảm sút cả về lượng và giá trị, giá bán sản phẩm có loại chỉ bằng 30% giá thành.
“Doanh nghiệp nông nghiệp đang kiệt quệ. Hiện, chỉ có 30% doanh nghiệp chế biến thủy sản phía Nam hoạt động với công suất trung bình giảm còn 30-35% và hơn 50% doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ tại các tỉnh phía Nam phải ngừng và giảm sản xuất”, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho hay.
Trước những khó khăn trên của doanh nghiệp, lãnh đạo Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022; giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thủy sản, vật tư đầu vào, thuế bảo vệ môi trường. Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng; giảm tiền thuê đất của năm 2021 - 2022 cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Đồng thời chỉ đạo xây dựng cơ chế mở cửa hoạt động xã hội đối với người dân đã được tiêm vaccine phòng dịch COVID-19 để có lao động duy trì sản xuất. Chỉ đạo các địa phương rà soát lại việc thực hiện “3 tại chỗ” phù hợp với thực tiễn từng loại hình doanh nghiệp.
Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị Chính phủ có chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở thu mua và chế biến hàng hóa nông sản. Xem xét có gói hỗ trợ để giúp nông dân ở các địa phương thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19 có điều kiện khôi phục sản xuất...
Bên cạnh đó, Bộ đề xuất Ngân hàng Nhà nước xây dựng gói tín dụng đặc biệt cho khu vực nông nghiệp ứng phó với dịch COVID-19.
Có chính sách tín dụng hỗ trợ cho người sản xuất chịu ảnh hưởng của dịch, đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho vay, miễn giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, nới lỏng các điều khoản trả nợ, đẩy nhanh xem xét các đơn xin vay, miễn lãi quá hạn các khoản vay.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải tạo điều kiện cho việc vận chuyển nông sản, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, chế biến, cung ứng và ứ đọng nông sản.
Đồng thời thiết lập mở luồng xanh cho vận tải đường thủy, nhất là tại khu vực các cảng và kiểm soát thực hiện chính sách về giá đối với vận chuyển hàng hóa.
Tháo gỡ khó khăn cho ngành nông nghiệp
Sau khi nghe báo cáo, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu các Bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương cần lưu ý 3 vấn đề quan trọng: có biện pháp tháo gỡ khó khăn trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh để sản xuất nông nghiệp tốt hơn; chuẩn bị tốt hơn, nhất là tái đàn, tái sản xuất để đáp ứng nhu cầu hàng hoá phục vụ cho chính nhu cầu của người dân cũng như đáp ứng xuất khẩu; cần có giải pháp cũng như đề xuất cho các vấn đề liên quan tới xuất khẩu hàng hoá, đặc biệt là thuỷ sản.
Cùng với đó, Phó Thủ tướng đề nghị UBND các tỉnh cần tổ chức cuộc họp với doanh nghiệp, các Bộ, ngành Trung ương để tìm giải pháp, ưu tiên cho các lực lượng này để phục hồi sản xuất... định kỳ test nhanh đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch, một tuần phải test 2 lần.
Các Bộ, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ với người dân, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch tổng thể việc tái đàn, sản xuất để đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là phục vụ dịp Tết Nguyên đán vào cuối năm. Kết hợp với Bộ Công thương, Bộ Y tế khẩn trương rà soát, hỗ trợ hàng hoá được lưu thông qua các cửa khẩu, kết nối, phân bổ vaccine cho các địa phương, ưu tiên tiêm cho các doanh nghiệp sản xuất, để sớm giúp cho chuỗi sản xuất hoạt động tốt nhất trong điều kiện phòng chống dịch hiện nay.
Ông Thành cũng đề nghị các địa phương đảm bảo lưu thông hàng hóa theo đúng chỉ đạo của trung ương. Trong đó lưu ý, không phát sinh thêm các thủ tục, giấy tờ; phải đảm bảo không để lây lan dịch bệnh trong quá trình lưu thông hàng hóa...