Nhân dịp Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam xuất bản Đặc san chào mừng Kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, PGS. TS Nguyễn Trọng Điều, nguyên: Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Giám đốc Học viện Hành chính quốc gia; hiện là Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Biên tập Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam đã dành cho Tạp chí cuộc trả lời phỏng vấn xung quanh chủ đề trên. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 

 PV: Thưa Chủ tịch, là cán bộ cao cấp từng giữ trọng trách lãnh đạo trong xây dựng chính sách và tham gia quản lý công tác cán bộ, tổ chức bộ máy Nhà nước; từng trực tiếp đào tạo nhiều thế hệ cán bộ quản lý trong đó có cả quản lý kinh tế và quản lý báo chí, xin Chủ tịch cho biết điều gì tạo nên sự gắn bó giữa công việc làm báo và công việc của doanh nhân?

PGS.TS. Nguyễn Trọng Điều: Theo tôi đó là câu hỏi hay! Hai nhà ấy (nhà báo, nhà kinh doanh-PV) thuộc hai lĩnh vực hoạt động tưởng chừng rất khác nhau, một bên là lĩnh vực sáng tạo chủ yếu để truyền tải thông tin, một bên sáng tạo ra của cải, vật chất, tinh thần chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng, hưởng thụ của xã hội. Nhưng giữa hai nhà ấy có những điểm chung rất thú vị. Để đề cập được thấu đáo vấn đề này, cần có thời gian nhiều hơn. Trong cuộc trò chuyện này, tôi chỉ xin nêu nhanh mấy ý tâm đắc thôi. 

Nghề làm báo và nghề làm kinh doanh đều cần có những tố chất rất đặc biệt. Trước hết họ luôn nặng lòng trăn trở tìm tòi, sáng tạo với trách nhiệm đối với xã hội và tình yêu chứa chan đối với cuộc sống và con người. Như Henry Luce, nhà sáng lập của các Tạp chí Time, Life, Fortune nổi tiếng thế giới đã tự bạch “Tôi trở thành nhà báo để tiến gần đến trái tim của nhân loại”. Họ lao động và cống hiến với cường độ rất cao, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo và kiên cường vượt qua khó khăn, thử thách để ngày càng phát triển và đóng góp nhiều hơn cho xã hội.

Bên cạnh đó, họ phải luôn đề cao trách nhiệm công dân và đạo đức nghề nghiệp, đạo đức kinh doanh. Mỗi sản phẩm họ làm ra đều có sức tác động, ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội, vì vậy công việc của nhà báo và doanh nhân chân chính đều nhằm phục vụ tốt nhất cuộc sống của nhân dân và tiến bộ xã hội, hướng con người đến giá trị Chân, Thiện, Mỹ cao đẹp.

Nhà báo và doanh nhân nhìn ở góc độ tổng thể họ có sứ mệnh và giá trị cốt lõi chung là phụng sự xã hội, nhân dân và dân tộc. Trong chế độ xã hội ta nhà báo và doanh nhân cũng là những chiến sĩ trên trận địa tư tưởng và trên mặt trận sản xuất kinh doanh như sinh thời Bác Hồ từng nhấn mạnh. Họ là những công dân giàu lòng yêu nước và ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, có nhiều hy sinh, đóng góp to lớn, quan trọng trong công cuộc chấn hưng dân tộc, phát triển đất nước và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trải qua các giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta ngày càng nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn vai trò, nhiệm vụ của đội ngũ Báo chí cách mạng, đội ngũ Doanh nhân Việt Nam; ngày càng hoàn thiện hơn cơ chế chính sách để đội ngũ doanh nhân và đội ngũ báo chí tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Có thể nói đây là hai binh chủng nếu hiệp đồng chặt chẽ, hợp tác hiệu quả thì cùng nhau phát triển, làm nên thắng lợi, góp phần vào thành công chung của sự nghiệp Đổi mới.

PV: Thưa Chủ tịch, như vậy báo chí và doanh nhân cần đồng hành để phát triển, Chủ tịch có thể nhấn mạnh một số nội dung trong mối quan hệ gắn bó ấy ở thời kỳ phát triển mới của đất nước?

PGS.TS. Nguyễn Trọng Điều: Vâng! Ngày nay mối quan hệ giữa đội ngũ báo chí với đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp không chỉ mang ý nghĩa tinh thần, ý nghĩa gắn bó đoàn kết mà còn là sự hợp tác bình đẳng của các đối tác kinh tế.

Thế mạnh của báo chí là cung cấp thông tin chính thống, phân tích, dự báo tình hình, gợi mở giải pháp phát triển, phản ánh tiếng nói của doanh nhân, doanh nghiệp. Báo chí có thể hỗ trợ doanh nhân về kỹ năng, kinh nghiệm truyền thông đồng thời cung cấp các dịch vụ truyền thông, các gói thông tin, dữ liệu và dịch vụ quảng bá, tuyên truyền giúp nâng cao giá trị sản phẩm, thương hiệu và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp, doanh nhân ngoài việc sử dụng các dịch vụ thông tin, truyền thông mà báo chí cung cấp, còn hỗ trợ báo chí trong việc thâm nhập thực tế đời sống, mang đến những kinh nghiệm và kiến thức kinh tế, kỹ năng quản trị kinh doanh mới để báo chí cập nhật và vận dụng trong tác nghiệp mang lại hiệu quả tốt hơn.

Đặc biệt hiện nay sức mạnh to lớn của số hóa và thành tựu công nghệ 4.0 đã và đang mở ra những cơ hội có một không hai cho phát triển kinh tế xã hội trong đó có hoạt động kinh doanh của doanh nhân và hoạt động báo chí truyền thông, nhất là báo chí dữ liệu, báo chí vận hành trên nền tảng số. Xu thế phát triển của thời đại cho thấy thế  giới đang diễn ra với mức độ ngày càng cao sự phân công, chuyên môn hóa và cạnh tranh gay gắt, lại vừa đồng thời đòi hỏi sự liên kết, hợp tác và chia sẻ mạnh mẽ, nhất là trong lĩnh vực kinh tế đã xuất hiện khái niệm kinh tế chia sẻ.

Theo tôi sự hợp tác giữa doanh nhân và báo chí phản ánh xu thế phát triển và cũng là thực tế vận động của đời sống xã hội. Đương nhiên sự hợp tác ấy phải dựa trên cơ sở bình đẳng, tuân thủ pháp luật, bám sát đặc thù, chức năng, phạm vi hoạt động của mình (đối với báo chí là bám sát tôn chỉ mục đích và không được tư nhân hóa), đồng thời nêu cao trách nhiệm xã hội và quy ước đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công dân.

PV: Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam có một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng được Đảng và Nhà nước trao là bảo vệ quyền lợi chính đáng và đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nhân, ông có ý kiến gì với báo giới nhân dịp này, thưa Chủ tịch?

PGS.TS. Nguyễn Trọng Điều: Như Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã khẳng định: Báo chí cách mạng Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội, có đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Có thể nói, trong những năm Đổi mới vừa qua báo chí góp phần rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, nhất là trong giai đoạn cả nước căng mình đối phó với đại dịch Covid-19, nay đang dần phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng.

Đội ngũ doanh nhân nói chung, Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam nói riêng trân trọng ghi nhận, biết ơn và đánh giá cao tình cảm, đóng góp to lớn của đội ngũ Báo chí Cách mạng Việt Nam đối với sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực là chính, là cơ bản, thời gian qua vẫn còn một số hiện tượng, vụ việc đáng buồn, lợi dụng danh nghĩa báo chí gây phiền hà, nhũng nhiễu doanh nghiệp, thậm chí vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của các nhà báo chân chính và đội ngũ Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Thực hiện sự chỉ đạo, lãnh đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Trung ương Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam đã tăng cường trách nhiệm quản lý của cơ quan chủ quản đối với các cơ quan báo chí thuộc Hội, không để xảy ra tình trạng báo hóa tạp chí hoặc xa rời tôn chỉ, mục đích. Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam-cơ quan của Trung ương Hội Doanh nhân Việt Nam và Trang thông tin tổng hợp của Hội, cũng như Trang thông tin tổng hợp VietNammoi, VietNambiz (trực thuộc đơn vị thành viên tổ chức của Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam) đã luôn bám sát tôn chỉ mục đích, vượt qua khó khăn, từng bước phát triển, ngày càng có số lượng bạn đọc tăng cao, được đông đảo bạn đọc và cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp tin cậy, yêu mến. 

Tân Phong