Phá đường dây vượt biển sang Australia giá 30.000 USD
Phan Văn Mười và Vũ Thị Vân bị bắt về hành vi tổ chức vượt biển sang Australia trái phép với giá từ 15.000 tới 30.000 USD mỗi người.
Sáng 10/9, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Bình cho biết, vừa bắt giữ hai đối tượng Phan Văn Mười (44 tuổi, trú tại Cửa Lò, Nghệ An) và Vũ Thị Vân (40 tuổi, trú tại Diễn Châu, Nghệ An) về hành vi tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép.
Phan Văn Mười và Vũ Thị Vân khi bị bắt giữ.
Theo cơ quan điều tra, vào đầu tháng 3 năm 2020, Phan Văn Mười và Vũ Thị Vân đã móc nối với đối tượng có tên Rois ở Indonesia để tổ chức cho 17 người Việt Nam xuất cảnh hợp pháp sang Indonesia theo diện đi du lịch rồi sau đó tìm cách vượt biển sang Australia trái phép với chi phí mỗi người từ 15.000 đến 30.000USD.
Tại Jakarta, Indonesia, cả hai thu tiền cọc mỗi người 2.000 USD và tổ chức mọi người di chuyển đến Makassar (Indonesia) đợi tàu biển đến đón sang Úc.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và không tìm được tàu lớn vượt biển nên đã có 6 người trong đoàn từ bỏ ý định đến Australia và quyết định hồi hương. 11 người còn lại đồng ý tiếp tục hành trình bằng thuyền nhỏ.
Trong quá trình vượt biển, thuyền đột ngột bị hỏng máy khiến 11 người này trôi dạt vào vùng biển Đông Timor. Lực lượng chức năng địa phương phát hiện và đã bắt giữ để điều tra.
Sau khi bàn giao thông tin từ cơ quan chức năng hai bên, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Quảng Bình đã bắt giữ Phan Văn Mười và Vũ Thị Vân để điều tra, làm rõ hành vi tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép.
Các đường dây nhập cảnh trái phép ngày càng hoạt động tinh vi, phức tạp
Nếu dủ căn cứ xác định thì cơ quan điều tra có thể xử lý Mười và Vân dựa vào khoản 3 Điều 349 Bộ luật Hình sự. Các đối tượng môi giới, tổ chức người khác đi nước ngoài trái phép có thể bị phạt tới 15 năm tù nếu có hậu quả làm chết người, thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên hoặc tổ chức vận chuyển trái phép cho 11 người.
Bên cạnh đó, đối tượng thực hiện vi phạm còn phải bồi thường thiệt hại, bị phạt tiền lên tới 50 triệu đồng và bị bổ sung thêm hình phạt là cấm hành nghề hoặc làm một công việc nhất định từ 1 tới 5 năm.
Người lao động Việt Nam ra nước ngoài theo hình thức xuất khẩu lao động hoặc kết hôn những năm gần đây là rất lớn. Bên cạnh những trường hợp xuất khẩu lao động hợp pháp thì còn nhiều trường hợp trốn ra nước ngoài, trốn ở lại nước ngoài trái phép. Việc xuất cảnh trái phép, trốn ở lại nước ngoài trái phép cũng đẩy công dân Việt Nam vào hoàn cảnh cư trú bất hợp pháp, trở thành tội phạm ở nước sở tại, không được pháp luật bảo vệ và rất dễ bị bóc lột, cướp bóc, xâm hại.
Anh Quân