Phần nổi của 'tảng băng chìm' Evergrande
Bài viết phân tích về tình hình của “gã khổng lồ” bất động sản Trung Quốc trên trang The Australia Financial Review cho biết các “thành phố ma” của từ lâu đã là biểu tượng cho những vết nứt lớn đang được bộc lộ trong kế hoạch kinh tế của nước này.
Trên khắp đất nước, những cụm chung cư cao tầng bỏ trống hoặc chưa hoàn thiện với số căn hộ đủ cung cấp cho cư dân của một thành phố nhỏ ở Australia là minh chứng cho một mô hình tăng trưởng đầy nợ nần và không còn bền vững. Nhiều khối đá nguyên khối với các thanh thép lộ ra ngoài và cửa sổ hở chưa được lắp kính thuộc sở hữu của tập đoàn bất động sản lớn nhất đất nước, China Evergrande Group.
Evergrande có khoản nợ phải trả 330 tỷ USD nhưng tài sản và giá trị thị trường của công ty này trước khi giao dịch cổ phiếu bị dừng đột ngột hôm 29/1 lại có giá trị thấp hơn các khoản nợ.
Tập đoàn này được các nhà đầu tư mô tả là một “con tàu kinh tế” đang di chuyển chậm chạp. Một động thái hợp pháp nhằm thanh lý tài sản không có gì đáng ngạc nhiên, do đó thị trường không có nhiều phản ứng đối với động thái này. Sự thất bại của công ty là không thể tránh khỏi do mô hình kinh tế không còn hiệu quả ở Trung Quốc.
Trung Quốc có nguồn cung bất động sản nhà ở quá cao trong bối cảnh nhiều người không còn muốn mua vì niềm tin tiêu dùng sụt giảm do đại dịch và cuộc khủng hoảng bất động sản ở nước này. Ước tính có khoảng 1,5 triệu ngôi nhà chưa hoàn thiện mà các nhà đầu tư đã trả tiền cho Evergrande.
Điều này có nghĩa là rất nhiều nhà đầu tư ở Trung Quốc và các nơi khác sẽ không bao giờ lấy lại được tiền từ nhà phát triển. Cảnh tượng hàng trăm người mua nhà xông vào sảnh trụ sở công ty ở Thâm Quyến năm 2021 chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Sự sụt giảm doanh số bán bất động sản bắt đầu ở Trung Quốc vào giữa năm 2021 sẽ tiếp diễn trong thời gian tới.
Không giống như nhiều quốc gia khác, doanh số bán trả trước chiếm tới 90% nguồn cung nhà ở tại Trung Quốc. Điều này có nghĩa là các nhà đầu tư phải trả trước toàn bộ số tiền thay vì đặt cọc. Giờ đây, các nhà đầu tư vào hệ thống đó hiện đã không còn ngân sách và không sẵn sàng chấp nhận rủi ro khi mua một căn hộ mà họ có thể không bao giờ nhận được.
Chuyên gia Andrew Batson, Giám đốc nghiên cứu Trung Quốc của công ty dịch vụ tài chính Gavekal, cho biết đây là lý do tại sao những nỗ lực của chính phủ nhằm kích thích sức mua bằng cách cắt giảm lãi suất thế chấp và tạo điều kiện cho việc vay trở nên dễ dàng hơn đều thất bại. Ông nói: “Vấn đề với cách tiếp cận này là nó không giải quyết được nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc mất niềm tin vào doanh số bán hàng. Rất khó để lãi suất thế chấp giảm xuống mức đủ bù đắp cho người đi vay khi họ phải chịu rủi ro là mất toàn bộ khoản đầu tư”.
Tâm lý này sẽ chỉ trở nên phức tạp hơn bởi phán quyết của tòa án xác nhận những thất bại tài chính của Evergrande. Dù vậy, hầu hết các nhà kinh tế đều đồng ý rằng chỉ riêng thất bại của Evergrande sẽ không phải là “Khoảnh khắc Lehman” ở Trung Quốc.