Phát triển kinh tế hợp tác chưa tương xứng tiềm năng vốn có
06:33 | 11/09/2019
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Mặc dù số lượng mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX), kinh tế tập thể (KTTT) ở Việt Nam ngày càng phát triển, tuy nhiên theo nhiều chuyên gia những mô hinh kinh tế này vẫn chưa phát triển tương xứng tiềm năng và thế mạnh vốn có.
Theo số liệu thống kê tại diễn đàn Kinh tế hợp tác xã 2019, tính đến 30/6/2019 cả nước đã thành lập mới được 1024 HTX nâng tổng số HTX cả nước lên tới 23280, trong đó có hơn 50% là HTX nông nghiệp, 2323 HTX công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp; 1996 HTX thương mại , dịch vụ; 1392 HTX vận tải; 894 HTX xây dựng; 1180 Quỹ tín dụng nhân dân; gần 1000 HTX môi trường và lĩnh vực khác với gần 8 triệu thành viên trực tiếp tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hơn 30 triệu người.
Nhìn nhận về sự phát triển của kinh tế hợp tác, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết: Hiện nay, khu vực KTTT và HTX có gần 24.000 HTX, 80 liê hiệp HTX, trên 100.000 tổ hợp tác trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; hằng năm đóng góp cho tăng trưởng kinh tế khoảng 10%... kinh tế hợp tác (KTHT), HTX tiếp tục được khẳng định là thành phần kinh tế quan trọng của nền kinh tế quốc dân.
Đối với khu vực kinh tế này, đến nay, nhận thức của hệ thống chính trị, cán bộ, Đảng viên và người dân về HTX được nâng lên rõ rệt; nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn được chính phủ, bộ ngành địa phương quan tâm, xuất hiện nhiều mô hình HTX kinh doanh điển hình gắn với chuỗi giá trị, trong đó có nhiều HTX có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, hỗ trợ hiệu quả cho các thành viên.
Từ thực tế, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết có nhiều mô hình HTX làm ăn tốt, thu nhập lao động đạt trên 10 triệu/tháng như HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hoa Anh Đào - Lâm Đồng, HTX bò sữa Evergrowth (Sóc Trăng)... Tại nhiều địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, việc thành lập phát triển HTX đang là xu thế khách quan phát triển kinh tế hộ, đảm bảo đầu vào và đầu ra, giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh cũng cho rằng kết quả đó chưa tương xứng tiềm năng và thế mạnh của đất nước.
Còn theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (KTHT&PTNT), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, KTTT, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua đã có sự phát triển cả về lượng và chất, vượt qua những yếu kém kéo dài trước đây và đang có nhiều tiềm năng phát triển.
Báo cáo của Cục KTHT và PTNT cho thấy đến hết năm 2018 cả nước có 13.856 HTX nông nghiệp, tăng 5.769 HTX so với năm 2002 (trong đó thành lập mới 9.391 HTX, giải thể 3.643 HTX, 21 HTX chuyển từ phi nông nghiệp sang). Bình quân 01 tỉnh có 220 HTX.
Về chất lượng hoạt động, năm 2018 cả nước có 55% HTX nông nghiệp được phân loại khá, tốt, tăng hơn 2 lần so với trước khi thực hiện Luật HTX. Doanh thu bình quân 01 HTX nông nghiệp hiện nay là 1.615,9 triệu đồng, tăng 3,5 lần so với năm 2003.
Tổng số vốn hoạt động của HTX nông nghiệp là 14.749,25 tỷ đồng, bình quân là 1.122 triệu đồng/HTX, tăng 3,3 lần so với năm 2003. Tổng giá trị tài sản của HTX nông nghiệp năm 2018 là 8.417,5 tỷ đồng, tăng 4.234,4 tỷ đồng so năm 2003. Vốn, tài sản của HTX nông nghiệp tăng mạnh trong giai đoạn 2013-2018, đặc biệt là năm 2018.
Tuy nhiên, về cơ sở vật chất, còn nhiều HTX hiện nay không có trụ sở làm việc phải mượn nhà riêng của thành viên HTX làm trụ sở, một số phải mượn trụ sở của UBND xã để làm việc; nhiều HTX trụ sở làm việc không có hội trường, hoặc có thì nhỏ không đủ tổ chức các cuộc đại hội thành viên, phải thuê, mượn trụ sở để tổ chức đại hội... Đặc biệt, về liên kết sản xuất của HTX với doanh nghiệp, đến nay nhiều HTX đã thực hiện liên kết đầu vào, đầu ra bằng các hợp đồng liên kết ổn định. Đến năm 2018, đã có 24,5% số HTX liên kết tiêu thụ sản phẩm cho thành viên và khách hàng không phải là thành viên HTX....
"KTTT, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đã có sự phát triển cả về lượng và chất, vượt qua những yếu kém kéo dài trước đây, hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển mới. Mô hình hoạt động của HTX đa dạng, đáp ứng được yêu cầu của sản xuất nông nghiệp và nhu cầu thị trường. Nhiều HTX đã liên kết với các DN xây dựng được chuỗi giá trị gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp", ông Lê Đức Thịnh đánh giá.
Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ HTX nông nghiệp chưa có nhiều. Cụ thể, về kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ HTX nông nghiệp, chỉ có 61 tỉnh bố trí kinh phí hỗ trợ HTX nông nghiệp trong 16 năm (2003-2018) khoảng 1.541,2 tỷ đồng (bình quân 96,3 tỷ đồng/năm và 1,58 tỷ đồng/tỉnh/năm). Số tỉnh triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ về đất đai đối với HTX nông nghiệp không nhiều: Chỉ có 19 tỉnh thực hiện hỗ trợ tổng số 12.677,3 ha đất cho HTX nông nghiệp (trong đó 05 năm 2014-2018 là 5220,7 ha). Việc tiếp cận nguồn vốn từ tổ chức tín dụng của các HTX rất hạn chế do không có tài sản thế chấp và ít HTX có phương án kinh doanh hiệu quả...
Trước thực trạng trên, Cục KTHT và PTNT đề xuất một loạt giải pháp phát triển HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đối với nhiệm vụ phát triển KTTT, HTX trong thời gian tới.
Bên cạnh việc tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế chính sách đã có cần tiếp tục rà soát, bổ sung, hướng dẫn thực hiện cơ chế chính sách, nhất là tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc hiện nay như: tiếp cận các nguồn tín dụng; hỗ trợ thủ tục xác nhận, chứng nhận sở hữu đất đai của HTX và thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp để hợp tác xã xây dựng hạ tầng...
Nâng cao hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước về HTX trong lĩnh vực nông nghiệp. Để tháo gỡ khó khăn cho việc giải thể cần phải rà soát, đánh giá và ban hành một số cơ chế xử lý các tồn đọng của các HTX. Đồng thời, nâng cao năng lực sản xuất và quản lý HTX thông qua việc đưa lao động HTX đi đào tạo ở nước ngoài. Tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển HTX để chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, nguồn lực từ các tổ chức quốc tế trong hỗ trợ phát triển KTTT, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp.